Hướng dẫn dành cho người đang sử dụng thuốc Savdiaride 2

11/07/2023

TỜ HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG THUỐC

Rx Savdiaride 2

Để xa tầm tay trẻ em

Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng

Thuốc này chỉ dùng theo đơn thuốc

THÀNH PHẦN CÔNG THỨC THUỐC

(Cho 1 viên nén Savdiaride 2)

Thành phần dược chất:

Glimepirid......................2 mg

Thành phần tá dược:

Lactose monohydrat, cellulose vi tinh thể 102, tinh bột biến tính, natri starch glycolat, polysorbat 80, magnesi stearat, silic dioxyd keo, sắt oxyd đỏ.

DẠNG BÀO CHẾ

Viên nén.

MÔ TẢ SẢN PHẨM

Viên nén tròn, màu hồng, hai mặt phẳng, một mặt có gạch ngang(*), một mặt có chữ SVP.

(*) Gạch ngang trên viên có thể dùng để bẻ đôi chia liều.

CHỈ ĐỊNH

Glimepirid được dùng để điều trị đái tháo đường không phụ thuộc insulin (đái tháo đường týp 2) ở người lớn khi không kiểm soát được glucose huyết bằng chế độ ăn, luyện tập và giảm cân.

LIỀU DÙNG, CÁCH DÙNG

Liều dùng

Người lớn

Liều dùng tùy thuộc glucose huyết, đáp ứng và dung nạp thuốc của người bệnh. Nên dùng liều thuốc thấp nhất mà đạt được mức glucose huyết mong muốn.

Liều ban đầu và liều duy trì được xác định dựa trên kết quả kiểm tra glucose thường xuyên trong máu và nước tiểu. Việc theo dõi glucose trong máu và nước tiểu còn để phát hiện những trường hợp thất bại điều trị tiên phát hoặc thứ phát.

Liều khởi đầu nên là 1 mg/ngày(**). Sau đó, cứ mỗi 1 - 2 tuần, nếu chưa kiểm soát được glucose huyết thì tăng liều thêm 1 mg/ngày cho đến khi kiểm soát được glucose huyết. Liều tối đa của glimepirid là 6 mg/ngày. Thông thường, người bệnh đáp ứng với liều 1 – 4 mg/ngày, ít khi dùng đến 6 mg/ngày. Liều cao hơn 4 mg/ngày chỉ có kết quả tốt hơn ở một số trường hợp đặc biệt.

Trẻ em (<18 tuổi):

Độ an toàn và hiệu quả của glimepirid đối với trẻ em dưới 18 tuổi chưa được xác định.

(**)Đối với liều 1 mg, có thể bẻ đôi viên Savdiaride 2 hoặc dùng chế phẩm có hàm lượng phù hợp.

Phải điều chỉnh liều trong các trường hợp sau:

Nếu sau khi uống 1 mg glimepirid mà đã có hiện tượng hạ đường huyết thì người bệnh đó có thể chỉ cần điều trị bằng chế độ ăn và luyện tập.

Khi bệnh được kiểm soát, glucose huyết ổn định, thì độ nhạy cảm với insulin được cải thiện, do đó nhu cầu glimepirid có thể giảm sau khi điều trị được một thời gian. Cần phải giảm liều glimepirid để tránh bị tụt glucose huyết khi cân nặng của người bệnh thay đổi, khi sinh hoạt của người bệnh thay đổi, hay khi có sự kết hợp với thuốc hoặc các yếu tố có thể làm tăng hoặc giảm glucose huyết.

Suy giảm chức năng gan, thận

Có ít thông tin hiện hành về sử dụng glimepirid trên bệnh nhân suy thận. Bệnh nhân suy thận có thể nhạy cảm hơn với tác dụng hạ glucose huyết của glimepirid.

Trường hợp suy giảm chức năng gan, thận (glimepirid được đào thải ở thận, sau khi chuyển hóa ở gan), liều khởi đầu của thuốc phải dè dặt để tránh các phản ứng hạ glucose huyết quá mức, liều ban đầu chỉ dùng 1 mg/1 lần mỗi ngày. Liều có thể tăng lên, nếu nồng độ glucose huyết lúc đói vẫn cao. Nếu hệ số thanh thải creatinin dưới 22 ml/phút, thường chỉ dùng 1 mg/1 lần mỗi ngày, không cần phải tăng hơn. Đối với suy giảm chức năng gan, chưa được nghiên cứu. Chưa có kinh nghiệm về việc sử dụng glimepirid trên bệnh nhân suy gan nặng và bệnh nhân thẩm phân máu. Nếu suy thận nặng hoặc suy gan nặng, phải chuyển sang dùng insulin, nhất là để đạt được sự kiểm soát chuyển hóa tối ưu.

Chuyển từ thuốc điều trị đái tháo đường khác sang glimepirid

Cũng phải khởi đầu bằng 1 mg/ngày, rồi tăng liều dần như trên, dù người bệnh đã dùng đến liều tối đa của thuốc điều trị đái tháo đường mà trước đây đã dùng. Nếu thuốc dùng trước đó có thời gian tác dụng kéo dài (như clorpropamid), hoặc có tương tác cộng hợp với glimepirid, có thể phải cho người bệnh ngưng dùng thuốc trong một thời gian (1, 2 hoặc 3 ngày tuỳ theo thuốc dùng trước đó).

Dùng phối hợp glimepirid và metformin

Ở những người bệnh không kiểm soát được glucose huyết với liều glimepirid hoặc metformin tối đa, thì có thể phối hợp hai thuốc này. Vẫn duy trì liều của thuốc đã dùng, thuốc thêm vào được bắt đầu với liều thấp, sau đó nâng dần cho tới khi đạt yêu cầu về glucose huyết. Việc phối hợp phải có sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ.

Dùng phối hợp glimepirid và insulin

Ở những người bệnh không kiểm soát được glucose huyết với liều glimepirid tối đa, thì có thể xem xét phối hợp với insulin. Liệu pháp insulin được bắt đầu với liều thấp trong khi vẫn duy trì liều của glimepirid. Liều của insulin được điều chỉnh theo mức độ kiểm soát glucose huyết mong muốn và thường giảm hơn (40% – 50%) so với trường hợp dùng insulin đơn trị liệu. Tuy nhiên cách phối hợp điều trị này có thể làm tăng nguy cơ tụt đường huyết. Việc phối hợp với insulin phải có sự theo dõi chặt chẽ của bác sỹ.

Nên theo dõi hiệu quả lâu dài bằng cách đo nồng độ HbA1c, ví dụ mỗi 3 – 6 tháng một lần.

Có thể sử dụng Savdiaride 2 ngắn hạn trong những giai đoạn mất kiểm soát tạm thời trên bệnh nhân được kiểm soát tốt với chế độ ăn kiêng và tập thể dục.

Cách dùng

Viên nén Savdiaride 2 được dùng bằng đường uống. Thường uống thuốc 1 lần trong ngày, vào trước hoặc ngay trong bữa ăn sáng có nhiều thức ăn, hoặc trước bữa ăn chính đầu tiên trong ngày. Điều quan trọng là không được bỏ bữa ăn sau khi uống Savdiaride 2.

Nuốt nguyên viên thuốc, không nhai, với khoảng nửa cốc nước. Không bao giờ được uống bù một liều đã bị quên không uống. Nếu phát hiện đã dùng một liều quá lớn hoặc uống dư một liều, phải báo ngay cho bác sỹ xử trí trước khi xuất hiện các biểu hiện quá liều.

CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Đái tháo đường phụ thuộc insulin (đái tháo đường týp 1).

Nhiễm toan ceton.

Nhiễm khuẩn nặng, chấn thương nặng, đại phẫu.

Hôn mê do đái tháo đường.

Suy gan hoặc suy thận nặng (trong những trường hợp này, khuyến cáo dùng insulin).

Người mẫn cảm với glimepirid, các sulfonylure khác, các dẫn chất sulfamid hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.

Người có thai, người đang cho con bú.

CẢNH BÁO VÀ THẬN TRỌNG KHI DÙNG THUỐC

Dùng thuốc ngay trước bữa ăn hoặc trong bữa ăn.

Với mọi người bệnh: Cần giải thích cho người bệnh là tuy dùng thuốc, vẫn phải thực hiện đúng đắn chế độ ăn uống và tập luyện hợp lý. Phải thông báo cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân về nguyên nhân, các biểu hiện và cách xử trí tụt đường huyết để người bệnh biết.

Khi bỏ bữa hoặc dùng bữa thất thường, việc dùng glimepirid có thể gây tụt đường huyết với các triệu chứng như: Đau đầu, đói cồn cào, buồn nôn, nôn, mệt mỏi, buồn ngủ, rối loạn giấc ngủ, bồn chồn, hung hăng, giảm tập trung, giảm tỉnh táo, trầm cảm, lú lẫn, rối loạn thị giác, rối loạn lời nói, run, liệt, rối loạn cảm giác, choáng váng, mất tự chủ, mê sảng, co giật, lơ mơ và mất ý thức có thể dẫn đến hôn mê, giảm hô hấp, nhịp tim chậm. Thêm vào đó, còn có các dấu hiệu điều hòa ngược hệ adrenergic như đổ mồ hôi, da lạnh, lo lắng, nhịp tim nhanh, tăng huyết áp, đánh trống ngực, đau thắt ngực và loạn nhịp tim, các triệu chứng này có thể nhẹ hơn hoặc không xảy ra trong trường hợp hạ đường huyết diễn ra từ từ trên người già, và trên bệnh nhân có một số loại bệnh thần kinh (bệnh thần kinh thực vật) hoặc trên bệnh nhân đang điều trị với các thuốc chẹn beta, clonidin, reserpine, guanethidin hoặc các thuốc ức chế giao cảm khác.

Các triệu chứng lâm sàng của tụt đường huyết có thể bị nhầm lẫn với cơn đột quỵ.

Các triệu chứng hầu như luôn được kiểm soát khi được cung cấp carbohydrat kịp thời. Các chất làm ngọt nhân tạo không có hiệu quả. Như các sulfonylure khác, mặc dù các biện pháp xử trí ban đầu được thực hiện có hiệu quả thì tụt đường huyết vẫn có thể tái phát.

Tụt đường huyết nặng hoặc tụt đường huyết kéo dài chỉ tạm thời được kiểm soát bằng việc cung cấp đường, cần phải được điều trị y tế ngay lập tức và có thể phải nằm viện.

Các yếu tố gây tụt đường huyết gồm:

Người bệnh không tuân thủ hoặc không có khả năng tuân thủ điều trị.

Suy dinh dưỡng, bữa ăn thất thường, bỏ bữa hoặc đói.

Thay đổi chế độ ăn uống.

Mất cân bằng giữa luyện tập và lượng carbohydrat đưa vào.

Uống rượu, đặc biệt là khi nhịn đói, bỏ bữa.

Suy thận.

Rối loạn chức năng gan.

Quá liều glimepirid.

Các bệnh nội tiết ảnh hưởng đến chuyển hóa carbohydrat hoặc điều hòa ngược hạ đường huyết (như rối loạn chức năng tuyến giáp, thùy trước tuyến yên hoặc suy tuyến thượng thận).

Dùng đồng thời với các thuốc khác (xem thêm Tương tác, tương kỵ của thuốc).

Trong quá trình điều trị với Savdiaride 2, cần phải kiểm tra đường huyết và glucose trong nước tiểu thường xuyên. Khuyến cáo kiểm tra thêm tỷ lệ của hemoglobin glycosylat, thông thường mỗi 3 – 6 tháng để đánh giá chính xác hơn việc kiểm soát đường huyết lâu dài. Ngoài ra, cần theo dõi chức năng gan và huyết học (đặc biệt là bạch cầu và tiểu cầu).

Trong các trường hợp stress (tai nạn, đại phẫu, nhiễm trùng có sốt,…), nên tạm thời chuyển qua sử dụng insulin.

Chưa có kinh nghiệm trong việc dùng glimepirid ở người suy gan, suy thận nặng. Nên chuyển sang dùng insulin đối với người suy gan, suy thận nặng.

Người thiếu hụt enzym glucose - 6 - phosphat dehydrogenase khi sử dụng glimepirid hay các thuốc thuộc nhóm sulfonylure có thể dẫn đến thiếu máu tán huyết. Thận trọng khi dùng glimepirid hoặc thuốc thuộc nhóm sulfonylure trong trường hợp này hoặc có thể chuyển sang các thuốc không thuộc nhóm sulfonylure.

- Lactose

Thuốc này có chứa lactose. Bệnh nhân có vấn đề di truyền hiếm gặp như không dung nạp galactose, thiếu hụt Lapp lactase, kém hấp thu glucose-galactose không nên sử dụng thuốc này.

SỬ DỤNG THUỐC CHO PHỤ NỮ CÓ THAI VÀ CHO CON BÚ

Trường hợp có thai

Nguy cơ do đái tháo đường

Đường huyết bất thường trong suốt thai kỳ có liên quan đến tăng tỷ lệ các bất thường bẩm sinh và tử vong ở thai nhi. Do đó, phải giám sát chặt chẽ đường huyết trong suốt thai kỳ để tránh nguy cơ gây quái thai. Sử dụng insulin là cần thiết với trường hợp này. Người bệnh có kế hoạch có thai cần thông báo với bác sỹ.

Nguy cơ do glimepirid

Chưa có số liệu đầy đủ về việc sử dụng glimepirid ở phụ nữ có thai. Các nghiên cứu trên động vật cho thấy độc tính trên sinh sản dường như liên quan đến tác động dược lý (hạ đường huyết) của glimepirid. Do đó, không nên dùng glimepirid trong suốt thời gian mang thai. Trong thời gian điều trị bằng glimepirid, nếu người bệnh có kế hoạch mang thai hoặc phát hiện có thai thì phải chuyển sang dùng insulin càng sớm càng tốt.

Trường hợp cho con bú

Chưa biết liệu glimepirid có tiết vào sữa người hay không. Glimepirid có tiết vào sữa ở chuột. Vì các sulfonylure khác có bài tiết vào sữa người và vì nguy cơ gây tụt đường huyết ở trẻ sơ sinh, do đó không nên dùng glimepirid ở phụ nữ cho con bú.

ẢNH HƯỞNG CỦA THUỐC LÊN KHẢ NĂNG LÁI XE, VẬN HÀNH MÁY MÓC

Khi dùng glimepirid, glucose huyết có thể không ổn định, nhất là khi bắt đầu dùng, hoặc khi thay đổi trị liệu, hoặc khi dùng không đều đặn, làm cho sự linh hoạt hoặc phản ứng của người bệnh có thể giảm. Điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng lái xe hoặc vận hành máy. Người dùng thuốc nên lưu ý những dấu hiệu của tụt đường huyết và thận trọng khi lái xe, vận hành máy móc.

TƯƠNG TÁC, TƯƠNG KỴ CỦA THUỐC

Tương tác của thuốc

Dùng đồng thời glimepirid với các thuốc khác có thể dẫn đến tăng hoặc giảm tác dụng hạ đường huyết của glimepirid. Vì lý do này, khi dùng thêm một thuốc khác, cần hỏi ý kiến của bác sỹ. Glimepirid được chuyển hóa ở gan bởi cytochrom P450 2C9 (CYP2C9). Sự chuyển hóa của thuốc sẽ bị biến đổi trong trường hợp phối hợp với các chất cảm ứng CYP2C9 (thí dụ rifampicin) hoặc với các chất ức chế CYP2C9 (thí dụ fluconazol).

Nghiên cứu tương tác thuốc in vivo cho thấy fluconazol (chất ức chế CYP2C9) làm tăng AUC của glimepirid khoảng 2 lần.

Các thuốc sau làm tăng tác dụng hạ đường huyết của glimepirid:

Các thuốc giảm đau chống viêm: Phenylbutazon, azapropazon, oxyphenbutazon.

Các salicylat và acid para-aminosalicylic.

Thuốc điều trị đái tháo đường: Insulin, các thuốc điều trị đái tháo đường đường uống như metformin.

Thuốc hỗ trợ tạo cơ: Anabolic steroid.

Các thuốc chống đông máu: Dẫn chất của coumarin như warfarin.

Thuốc giảm cân: Fenfluramin.

Thuốc chống loạn nhịp: Disopyramid.

Thuốc điều trị cholesterol máu cao: Các fibrat.

Thuốc hạ huyết áp: Các chất ức chế ACE (Angiotensin converting enzyme)

Thuốc điều trị trầm cảm: Fluoxetin, các chất ức chế MAO (Monoamine oxidase inhibitor).

Thuốc điều trị gout: Allopurinol, probenecid, sulfinpyrazon.

Thuốc điều trị ung thư: Cyclophosphamid, ifosfamid, trofosfamid.

Thuốc kháng khuẩn, kháng nấm: Tetracyclin, cloramphenicol, fluconazol, miconazol, quinolon, clarithromycin, ciprofloxacin, pefloxacin.

Thuốc điều trị viêm mũi dị ứng: Tritoqualin.

Thuốc cải thiện tuần hoàn: Pentoxyfyllin (ở liều cao bằng đường tiêm).

Thuốc điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu: Sulfonamid tác dụng kéo dài

Các steroid đồng hoá và nội tiết tố sinh dục nam.

Các chất ức chế thần kinh giao cảm dùng để điều trị tăng huyết áp, suy tim hoặc hội chứng tiền liệt tuyến.

Các thuốc sau làm giảm tác dụng hạ đường huyết của glimepirid:

Thuốc chứa hormon sinh dục nữ: Oestrogen, progestogen.

Các thuốc lợi tiểu thải muối và lợi tiểu thiazid.

Các thuốc giống hormon tuyến giáp: Levothyroxin.

Các thuốc kháng dị ứng và kháng viêm: Glucocorticoid.

Các thuốc điều trị rối loạn tâm thần nghiêm trọng: Clorpromazin, các dẫn chất phenothiazin.

Các thuốc dùng để tăng nhịp tim, điều trị bệnh hen suyễn hoặc nghẹt mũi, ho và cảm lạnh, thuốc giảm cân, thuốc được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp đe dọa tính mạng như adrenalin và các thuốc giống thần kinh giao cảm.

Thuốc điều trị cholesterol máu cao: Acid nicotinic (liều cao), các dẫn chất của acid nicotinic.

Các thuốc nhuận tràng (dùng kéo dài).

Thuốc chống động kinh: Phenytoin.

Thuốc chống hạ đường huyết do suy dinh dưỡng: Diazoxid.

Thuốc chống hạ đường huyết nặng: Glucagon.

Thuốc ngủ: Barbituric.

Thuốc điều trị lao: Rifampicin.

Thuốc điều trị tăng nhãn áp: Acetazonamid.

Các thuốc sau có thể làm tăng hoặc giảm tác dụng hạ đường huyết của glimepirid:

- Các thuốc chẹn beta, clonidin, guanethidin, reserpin có thể làm mất tác dụng hạ đường huyết của glimepirid. Do đó, cần thận trọng khi dùng glimepirid với các thuốc này.

- Thuốc điều trị loét dạ dày: Các chất đối kháng thụ thể H2.

Glimepirid có thể làm tăng hoặc giảm tác dụng của các thuốc: Thuốc chống đông máu (dẫn chất của coumarin như warfarin);

Colesevelam làm giảm sự hấp thu của glimepirid từ dạ dày - ruột. Do đó, glimepirid nên dùng ít nhất 4 giờ trước khi dùng colesevelam.

Tương tác với thức ăn, đồ uống:

Uống rượu có thể làm tăng hoặc giảm tác dụng hạ đường huyết của glimepirid một cách khó đoán trước.

Tương kỵ của thuốc

Do không có các nghiên cứu về tính tương kỵ của thuốc, không trộn lẫn thuốc này với các thuốc khác.

TÁC DỤNG KHÔNG MONG MUỐN CỦA THUỐC (ADR)

Tác dụng không mong muốn quan trọng nhất là tụt glucose huyết. Khi xảy ra tụt glucose huyết, cần thực hiện như mục "Quá liều và cách xử trí".

Thường gặp, 1/100 ≤ ADR

Thần kinh: Hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu.

Tiêu hoá: Buồn nôn, nôn, cảm giác đầy tức ở vùng thượng vị, đau bụng, tiêu chảy.

Mắt: Khi bắt đầu dùng, thường có rối loạn thị giác tạm thời do sự thay đổi về mức glucose huyết.

Ít gặp, 1/1000 ≤ ADR < 1/100

Da: Phản ứng dị ứng hoặc giả dị ứng, mẩn đỏ, mày đay, ngứa.

Hiếm gặp, ADR ≤ 1/1000

Gan: Tăng enzym gan, vàng da, suy giảm chức năng gan.

Máu: Giảm tiểu cầu nhẹ hoặc nặng, thiếu máu tán huyết, giảm hồng cầu, giảm bạch cầu, mất bạch cầu hạt.

Mạch: Viêm mạch máu dị ứng.

Da: Nhạy cảm với ánh sáng.

Hướng dẫn cách xử trí ADR

Thông thường, các tác dụng không mong muốn nói trên sẽ giảm dần và tự hết trong quá trình điều trị. Nhưng nếu xảy ra quá nặng thì phải ngừng thuốc.

QUÁ LIỀU VÀ CÁCH XỬ TRÍ

Triệu chứng

Quá liều dẫn đến hiện tượng cơn tụt glucose huyết (< 60 mg/dl tương đương 3,5 mmol/lít). Nhức đầu, người mệt lả, run, vã mồ hôi, da ẩm lạnh, lo lắng, nhịp tim nhanh, huyết áp giảm, hồi hộp, bứt rứt, tức ngực, loạn nhịp tim, đói cồn cào, buồn nôn, nôn, buồn ngủ, giảm tập trung, giảm linh hoạt, giảm phản ứng, rối loạn lời nói, rối loạn cảm giác, liệt nhẹ, chóng mặt, rối loạn thị giác, ngủ gà, trầm cảm, lú lẫn, mất tri giác, dẫn đến hôn mê. Khi hôn mê, thở nông, nhịp tim chậm. Bệnh cảnh lâm sàng của cơn tụt glucose huyết nặng có thể giống như một cơn đột quỵ. Có thể tới 24 giờ sau khi uống triệu chứng mới xuất hiện.

Cách xử trí

Báo cho bác sỹ ngay, nhập viện nếu bị nặng.

Trường hợp nhẹ: Cho uống glucose hoặc đường trắng 20g - 30g hoà vào một cốc nước và theo dõi glucose huyết. Cứ sau khoảng 15 phút lại cho uống một lần, cho đến khi glucose huyết trở về giới hạn bình thường.

Trường hợp nặng: Bệnh nhân hôn mê hoặc không uống được, phải tiêm ngay 50 ml dung dịch glucose 50% nhanh vào tĩnh mạch. Sau đó, phải truyền tĩnh mạch chậm dung dịch glucose 10% - 20% để nâng dần glucose huyết lên đến giới hạn bình thường. Cần theo dõi liên tục glucose huyết đến 24 - 48 giờ, vì rất dễ xuất hiện tụt glucose huyết tái phát. Nếu nặng quá, có thể cho glucagon 1 mg tiêm dưới da hoặc bắp thịt. Nếu uống quá nhiều glimepirid, cần rửa dạ dày và cho uống than hoạt.

DƯỢC LỰC HỌC

Nhóm dược lý: Thuốc chống đái tháo đường, dẫn chất sulfonylure.

Mã ATC: A10B B12

Glimepirid là một thuốc chống đái tháo đường týp 2 (không phụ thuộc insulin) nhóm sulfonylure. Tác dụng chủ yếu của glimepirid là kích thích tế bào beta tuyến tụy giải phóng insulin, vì vậy thuốc chỉ có tác dụng khi tụy còn hoạt động (còn khả năng giải phóng insulin).

Cơ chế tác dụng của glimepirid là liên kết với thụ thể ở màng của tế bào beta, làm đóng các kênh kali phụ thuộc adenosin triphosphat (ATP) lại. Việc đóng kênh kali sẽ gây khử cực màng, làm mở kênh calci, khiến cho ion calci tăng xâm nhập vào bên trong tế bào. Việc tăng nồng độ ion calci trong tế bào sẽ kích thích sự giải phóng insulin ra khỏi tế bào.

Giống các sulfonylure chống đái tháo đường khác, glimepirid làm hạ đường huyết ở người đái tháo đường và cả ở người khỏe mạnh không đái tháo đường.

Khi dùng dài ngày, glimepirid và các sulfonylure còn có một số tác dụng ngoài tụy, góp phần đáng kể vào tác dụng hạ đường huyết của thuốc. Trong số này tác dụng chính là tăng cường sự nhạy cảm của các mô ngoại vi với insulin và giảm sự sản xuất glucose ở gan.

Ở bệnh nhân đái tháo đường không nhịn đói, tác động hạ đường huyết của glimepirid đơn liều kéo dài liên tục trong 24 giờ. Bằng chứng từ các nghiên cứu trong ống nghiệm và trên động vật gợi ý rằng glimepirid tiết glucagon ít hơn glibenclamid, điều này có thể làm tăng việc giảm mức glucose kéo dài mà không tăng mức insulin máu. Ý nghĩa lâm sàng của những phát hiện này chưa được làm rõ. Nghiên cứu lâm sàng dài hạn, ngẫu nhiên, kiểm soát với giả dược đã chứng minh rằng liệu pháp sử dụng glimepirid cải thiện đáp ứng insulin/C-peptid sau bữa ăn và kiểm soát đường huyết tổng thể mà không tạo ra một cách có ý nghĩa lâm sàng việc tăng mức insulin/C-peptid khi đói.

Hiệu lực của glimepirid không bị ảnh hưởng bởi tuổi, giới tính hoặc cân nặng. Liệu pháp điều trị glimepirid hiệu quả trong kiểm soát đường huyết mà không làm thay đổi có hại trên lipoprotein máu của bệnh nhân. Đáp ứng sinh lý với tình huống cấp (ví dụ giảm tiết insuslin) vẫn xảy ra trong quá trình điều trị với glimepirid.

Glimepirid có tác dụng hiệp đồng với metformin hoặc với insulin.

DƯỢC ĐỘNG HỌC

Hấp thu

Glimepirid có sinh khả dụng rất cao. Thức ăn không làm thay đổi đáng kể sự hấp thu của thuốc, nhưng tốc độ hấp thu có chậm hơn. Nồng độ tối đa trong huyết tương đạt được khoảng 2 giờ 30 phút sau khi uống thuốc (trung bình 0,3 µg/ml sau nhiều liều 4 mg/ngày), có sự tuyến tính giữa liều và diện tích dưới đường cong (AUC: Area under curve), Cmax.

Phân bố

Glimepirid có thể tích phân bố rất thấp (khoảng 8,8 lít) tương tự như thể tích phân bố của albumin. Glimepirid liên kết mạnh với protein huyết tương (> 99%) và có độ thanh thải thấp (xấp xỉ 48 ml/phút). Các nghiên cứu đa liều với glimepirid ở bệnh nhân đái tháo đường chứng minh đường cong thời gian – nồng độ huyết tương tương tự như trong nghiên cứu đơn liều cho thấy không có sự tích tụ thuốc trong mô.

Ở động vật, glimepirid được tiết vào sữa, qua được nhau thai, ít qua được hàng rào máu - não.

Chuyển hóa và thải trừ

Thời gian bán thải của glimepirid là 5 - 8 giờ, nhưng khi dùng liều cao, thời gian bán thải sẽ dài hơn.

Dùng glimepirid được đánh dấu, thấy 58% các chất chuyển hoá thải trừ qua nước tiểu và 35% qua phân.

Trong nước tiểu, không thấy glimepirid còn ở dạng chưa chuyển hoá. Glimepirid chủ yếu bị chuyển hoá ở gan (chủ yếu qua CYP2C9). Chất chuyển hóa chính là cyclohexyl hydroxy methyl derivative (M1) và carboxyl derivative (M2). Các nghiên cứu trong ống nghiệm chỉ ra rằng cytochrome P450 2C9 là men chủ yếu liên quan đến biến đổi sinh học của glimepirid thành M1. M1 được thấy có khoảng 40% tác động dược lý của glimepirid. Nó được đào thải qua nước tiểu và cũng bằng cách chuyển hóa thêm thành M2 thông qua một hoặc vài men cytosolic. M1 có thời gian bán thải sau cùng khoảng 3 – 6 giờ sau khi uống. Sự hình thành của M1 theo đường thẳng đến liều glimepirid 16 mg. Động học của M2 chưa hoàn toàn sáng tỏ do nồng độ trong huyết thanh thấp. Thời gian bán thải sau cùng của M2 là 5 – 6 giờ sau khi uống.

QUY CÁCH ĐÓNG GÓI

Hộp 3 vỉ × 10 viên.

ĐIỀU KIỆN BẢO QUẢN

Nơi khô, nhiệt độ không quá 30°C. Tránh ánh sáng.

HẠN DÙNG

36 tháng kể từ ngày sản xuất.

TIÊU CHUẨN CHẤT LƯỢNG

Tiêu chuẩn USP

SẢN XUẤT TẠI CÔNG TY CỔ PHẦN DƯỢC PHẨM SAVI 
(SaViPharm J.S.C)

Lô Z01-02-03a Khu Công nghiệp trong Khu Chế xuất Tân Thuận, Phường Tân Thuận Đông, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh.

Điện thoại: (84.28) 37700142-143-144.

Fax: (84.28) 37700145.