Hướng dẫn dành cho người đang sử dụng thuốc SaVi Acarbose 50

11/07/2023
TỜ HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG THUỐC

Rx SAVI ACARBOSE 50

Để xa tầm tay trẻ em

Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng

Thuốc này chỉ dùng theo đơn thuốc

THÀNH PHẦN CÔNG THỨC THUỐC

(Cho 1 viên nén bao phim SaVi Acarbose 50)

Thành phần dược chất:

Acarbose......................50 mg

Thành phần tá dược:

Tinh bột biến tính, cellulose vi tinh thể 102, silic dioxyd keo, magnesi stearat, hypromellose 6cps, hypromellose 15cps, polyethylen glycol 6000, talc, titan dioxyd.

DẠNG BÀO CHẾ

Viên nén bao phim

MÔ TẢ SẢN PHẨM

Viên nén tròn, bao phim màu trắng, hai mặt khum, cạnh và thành viên lành lặn.

CHỈ ĐỊNH

SAVI ACARBOSE 50 được dùng như thuốc hỗ trợ cho chế độ ăn và tập luyện để cải thiện việc kiểm soát đường huyết ở người lớn bệnh đái tháo đường type 2.

LIỀU DÙNG, CÁCH DÙNG

Liều dùng

Do hoạt tính của glucosidase ở niêm mạc ruột có sự thay đổi lớn, vì vậy không có chế độ liều cố định và bệnh nhân nên được điều trị theo đáp ứng lâm sàng và tác dụng không mong muốn trên đường tiêu hóa.

Liều dùng điều trị thông thường kết hợp với chế độ ăn kiêng cho bệnh nhân đái tháo đường

Liều khởi đầu khuyến cáo: 50 mg/lần, 3 lần/ngày. Tuy nhiên, một số bệnh nhân cần được điều chỉnh dần liều khởi đầu để giảm thiểu các tác dụng không mong muốn trên đường tiêu hóa, có thể bắt đầu uống 50 mg/lần, 1 lần/ngày hoặc 2 lần/ngày sau đó tăng lên 3 lần/ngày.

Nếu sau 6-8 tuần điều trị, bệnh nhân không đủ đáp ứng lâm sàng, có thể tăng liều lên 100 mg/lần, 3 lần/ngày. Đôi khi có thể cần tăng thêm đến liều tối đa 200 mg/lần, 3 lần/ngày.

Acarbose được sử dụng để điều trị lâu dài.

Nếu xuất hiện các tác dụng không mong muốn mặc dù đã tuân thủ nghiêm ngặt chế độ ăn ở bệnh nhân đái tháo đường thì không nên tăng liều và nếu cần thiết nên giảm liều dùng.

Điều trị phòng ngừa đái tháo đường type 2 ở bệnh nhân rối loạn dung nạp glucose

Liều khuyến cáo: 100 mg/lần, ngày 3 lần.

Nên khởi đầu điều trị với liều 50 mg/lần, 1 lần/ngày và tăng dần đến 100 mg/lần, 3 lần/ngày, trong vòng 3 tháng.

Đối tượng đặc biệt

Người cao tuổi

Không cần điều chỉnh chế độ liều dùng ở người cao tuổi.

Trẻ em

Hiệu quả và độ an toàn của acarbose đối với trẻ em chưa được thiết lập. Không khuyến cáo dùng acarbose ở bệnh nhân dưới 18 tuổi.

Bệnh nhân suy gan hoặc suy thận

Xem mục "Chống chỉ định"

Cách dùng

Nhai thuốc cùng với miếng ăn đầu tiên hoặc uống nguyên viên thuốc với một ít nước ngay trước khi ăn.

Nếu quên dùng thuốc

Nếu quên uống một liều, bỏ qua liều đã quên và uống liều tiếp theo như bình thường. Không uống gấp đôi liều để bù cho liều đã quên.

CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Quá mẫn với acarbose hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.

Phụ nữ có thai và cho con bú.

Acarbose chống chỉ định ở những bệnh nhân bị viêm ruột, loét đại tràng, tắt ruột một phần hoặc dễ bị tắt ruột. Ngoài ra, acarbose không nên sử dụng ở những bệnh nhân bị bệnh đường ruột mạn tính dẫn đến rối loạn đáng kể chức năng tiêu hóa hoặc hấp thu hoặc những bệnh nhân tình trạng bệnh lý có thể xấu hơn do tăng sinh hơi trong ruột (như thoát vị).

Bệnh nhân suy gan.

Do acarbose chưa được nghiên cứu ở những bệnh nhân suy thận nặng, không nên sử dụng ở những bệnh nhân có Clcr < 25 ml/phút/1,73 m2.

CẢNH BÁO VÀ THẬN TRỌNG KHI DÙNG THUỐC

Chung

Biến chứng mạch máu lớn

Chưa có nghiên cứu lâm sàng cho thấy acarbose hoặc bất kỳ loại thuốc trị đái tháo đường nào có thể giảm nguy cơ biến chứng mạch máu lớn.

Hạ đường huyết

Khi dùng riêng lẻ acarbose không gây hạ đường huyết trong khi ăn hoặc sau bữa ăn như sulfonylurea hoặc insulin, nhưng nếu kết hợp acarbose với sulfonylurea hoặc insulin có thể làm đường huyết xuống thấp và tăng nguy cơ hạ đường huyết. Hạ đường huyết không xảy ra ở những bệnh nhân dùng metformin đơn thuần và không làm tăng nguy cơ hạ đường huyết khi dùng acarbose kết hợp metformin. Để điều trị hạ đường huyết từ nhẹ đến trung bình nên dùng glucose uống (dextrose) mà không dùng sucrose (đường mía) vì sự hấp thu glucose không bị ức chế bởi acarbose. Sự thủy phân sucrose thành glucose và fructose bị ức chế bởi acarbose, do đó không thể phục hồi nhanh glucose huyết. Trường hợp hạ đường huyết trầm trọng có thể sử dụng truyền glucose tĩnh mạch hoặc tiêm glucagon.

Tăng transaminase huyết thanh

Trong các nghiên cứu dài hạn (thời gian dùng thuốc 12 tháng, 300 mg/lần, 3 lần/ngày) thực hiện ở Hoa Kỳ, transaminase huyết thanh (AST và/hoặc ALT) trên mức ULN, gấp 1,8 lần ULN và gấp 3 lần ULN lần lượt là 14%, 6% và 3% đối với bệnh nhân được điều trị bằng acarbose so với 7%, 2% và 1% những bệnh nhân điều trị bằng giả dược (ULN: The Upper Limit of Normal: Giới hạn trên của mức bình thường). Tuy nhiên sự gia tăng này không có triệu chứng, có thể phục hồi, thường gặp ở nữ giới và không làm rối loạn chức năng gan. Ngoài ra, sự tăng transaminase huyết thanh có thể liên quan đến liều dùng. Trong các nghiên ở Hoa Kỳ, bệnh nhân sử dụng acarbose lên đến liều tối đa được chấp thuận là 100 mg, 3 lần/ngày, mức độ tăng AST và/hoặc ALT tương tự so với những người dùng giả dược.

Không kiểm soát được đường huyết

Khi bệnh nhân đái tháo đường bị stress (như sốt cao, chấn thương, nhiễm trùng hoặc phẫu thuật), có thể mất khả năng kiểm soát đường huyết trong thời gian ngắn. Khi đó tạm thời sử dụng insulin.

Xét nghiệm

Khi sử dụng acarbose nên theo dõi nồng độ glucose huyết định kỳ. Đo nồng độ HbA1c để kiểm soát đường huyết dài hạn.

Acarbose, đặc biệt ở liều cao hơn 50 mg/lần, 3 lần/ngày, có thể làm tăng nồng độ transaminase huyết thanh, hiếm khi tăng bilirubin máu. Nên kiểm tra nồng độ transaminase huyết thanh 3 tháng 1 lần trong năm đầu điều trị, sau đó theo dõi định kỳ. Nếu transaminase tăng, cần giảm liều hoặc ngưng thuốc, đặc biệt nếu mức tăng không thuyên giảm.

Việc theo dõi đường huyết bằng xét nghiệm 1,5-AG (1,5-Anhydroglucitol) không chính xác ở bệnh nhân đang dùng acarbose. Nên sử dụng các phương pháp thay thế để theo dõi đường huyết.

Suy thận

Nồng độ acarbose trong huyết tương ở những người tình nguyện suy thận tăng tương ứng với mức độ rối loạn chức năng thận. Chưa thực hiện các thử nghiệm lâm sàng dài hạn ở bệnh nhân đái tháo đường có rối loạn chức năng thận nặng (creatinin > 2,0 mg/dl). Do đó, không nên dùng acarbose ở những bệnh nhân này.

Gây ung thư, đột biến, giảm khả năng sinh sản

Thực hiện 8 nghiên cứu gây ung thư ở chuột bằng acarbose: 6 nghiên cứu ở hai chủng Sprague-Dawley và Wistar, 2 nghiên cứu ở chuột đồng (Hamsters).

Trong nghiên cứu đầu tiên, cho chuột Sprague-Dawley dùng acarbose liều cao (500 mg/kg trọng lượng cơ thể) trộn chung với thức ăn trong 104 tuần. Việc sử dụng acarbose này làm gia tăng đáng kể tỷ lệ mắc các khối u thận (u tuyến và ung thư biểu mô tuyến) và các khối u tế bào Leydig lành tính. Nghiên cứu này khi lặp lại cho kết quả tương tự. Nghiên cứu sâu hơn đã được thực hiện để tách biệt tác động trực tiếp gây ung thư của acarbose với các tác động gián tiếp từ suy dinh dưỡng carbohydrate gây ra do liều lượng lớn acarbose tác động trong các nghiên cứu. Trong một nghiên cứu trên chuột Sprague-Dawley bằng cách sử dụng acarbose trộn lẫn với thức ăn đã loại carbohydrate và cho thêm glucose vào chế độ ăn uống. Ở một nghiên cứu trong 26 tháng trên chuột Sprague-Dawley, acarbose được sử dụng bằng cách đưa thuốc vào dạ dày ngay sau bữa ăn hàng ngày để tránh các tác dụng dược lý của thuốc. Acarbose cũng được thực hiện tương tự như trên ở chuột Wistar trong hai nghiên cứu riêng biệt và kết quả cho thấy không có sự tăng tỷ lệ mắc các khối u thận như đã được tìm thấy ở một trong các thí nghiệm đầu trên chuột Wistar.

Trong hai nghiên cứu trên thức ăn của chuột đồng, có và không bổ sung glucose, cũng không có bằng chứng gây ung thư.

Nghiên cứu in vitro cho thấy acarbose không gây ra bất kỳ tổn thương nào cho DNA trong thí nghiệm bất thường cấu trúc nhiễm sắc thể dùng tế bào noãn chuột túi má Trung Quốc (CHO), thí nghiệm đột biến vi khuẩn (Ames), hoặc thử nghiệm liên kết DNA. Trong thử nghiệm in vivo, không có tổn thương DNA nào được phát hiện trong thử nghiệm gây chết chiếm ưu thế (The dominant lethal test) ở chuột nhắt đực hoặc thử nghiệm trên tế bào vi nhân (Micronucleus test) ở chuột nhắt.

Nghiên cứu khả năng sinh sản được tiến hành ở chuột cống sau khi uống acarbose, nhận thấy thuốc không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản hoặc sức sinh đẻ.

Trẻ em

An toàn và hiệu quả của acarbose ở trẻ em chưa được xác định.

Người cao tuổi

Trong số các đối tượng nghiên cứu lâm sàng với acarbose ở Hoa Kỳ, 27% bệnh nhân 65 tuổi trở lên, 4% bệnh nhân 75 tuổi trở lên: Không có sự khác biệt về an toàn và hiệu quả giữa các đối tượng này so với người trẻ tuổi. Diện tích dưới đường cong trung bình (AUC: Area Under the Curve) và nồng độ tối đa (Cmax) acarbose ở người cao tuổi gấp 1,5 lần so với người tình nguyện trẻ. Tuy nhiên, sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê.

SỬ DỤNG THUỐC CHO PHỤ NỮ CÓ THAI VÀ CHO CON BÚ

Phụ nữ có thai

Không nên dùng acarbose trong thời kỳ mang thai vì chưa có thông tin đầy đủ từ các nghiên cứu lâm sàng về việc sử dụng ở phụ nữ mang thai, chỉ sử dụng trong khi mang thai nếu thật sự cần thiết. Mức đường huyết bất thường ở phụ nữ mang thai có liên quan đến các dị tật bẩm sinh, bệnh tật và tử vong ở trẻ sơ sinh. Nên dùng insulin trong thời kỳ mang thai để duy trì đường huyết càng gần mức bình thường càng tốt.

Phụ nữ cho con bú

Một lượng nhỏ thuốc đã được tìm thấy trong sữa chuột cho con bú sau khi cho dùng acarbose được đánh dấu phóng xạ. Chưa biết liệu thuốc có được bài tiết trong sữa mẹ hay không. Do có nhiều thuốc được tiết vào sữa mẹ, không nên dùng acarbose cho phụ nữ cho con bú.

ẢNH HƯỞNG CỦA THUỐC LÊN KHẢ NĂNG LÁI XE, VẬN HÀNH MÁY MÓC

Chưa có bằng chứng về ảnh hưởng của thuốc lên khả năng lái xe, vận hành máy móc.

TƯƠNG TÁC, TƯƠNG KỴ CỦA THUỐC

Tương tác của thuốc

Acarbose không gây hạ đường huyết khi dùng đơn trị liệu. Tuy nhiên, acarbose có thể tăng tác dụng hạ đường huyết của insulin, metformin và sulfonylurea, do đó liều dùng của các thuốc này cần được điều chỉnh. Trong một số trường hợp, shock hạ đường huyết có thể xảy ra (thay đổi mức độ ý thức, lú lẫn hoặc co giật (di chứng lâm sàng khi mức glucose < 1 mmol/l ))

Hạ đường huyết xảy ra trong khi trị liệu phải được điều trị bằng glucose, không dùng sucrose. Điều này là do acarbose làm chậm quá trình tiêu hóa và hấp thu của disaccharid nhưng không xảy ra đối với các monosaccharid.

Sucrose (đường mía) và các thực phẩm chứa sucrose thường gây ra khó chịu đường tiêu hóa hoặc tiêu chảy khi đang điều trị với acarbose, nguyên nhân do tăng lên men các carbohydrat tại đại tràng.

Các chất hấp phụ ở ruột (như than hoạt) và các chế phẩm men tiêu hóa có chứa enzym phân giải carbohydrat (như amylase, pancreatin) có thể làm giảm tác dụng của acarbose và do đó không nên dùng đồng thời.

Dùng đồng thời acarbose và neomycin đường uống làm tăng tác dụng hạ đường huyết sau ăn và tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của tác dụng không mong muốn trên đường tiêu hóa. Nếu các triệu chứng nghiêm trọng, giảm liều acarbose tạm thời.

Dùng đồng thời với colestyramin có thể làm tăng tác dụng của acarbose, đặc biệt làm giảm nồng độ insulin sau ăn. Do đó, nên tránh dùng đồng thời colestyramin và acarbose. Một vài trường hợp hiếm gặp, cần ngưng đồng thời acarbose và colestyramin và việc theo dõi là cần thiết do hiện tượng dội ngược (rebound) đối với nồng độ insulin đã được quan sát ở những đối tượng không có đái tháo đường.

Một số trường hợp acarbose có thể ảnh hưởng lên sinh khả dụng của digoxin, cần điều chỉnh liều digoxin. Xem xét theo dõi nồng độ digoxin huyết thanh.

Trong một thử nghiệm pilot nghiên cứu về tương tác có thể xảy ra giữa acarbose và nifedipin, thay đổi không đáng kể hoặc không lặp lại đối với nồng độ nifedipin huyết tương.

Không có tương tác giữa acarbose với dimethicon/simethicon.

Một số thuốc làm tăng đường huyết và có thể dẫn đến làm mất kiểm soát đường huyết. Các thuốc này bao gồm thiazid và các thuốc lợi tiểu khác, corticosteroid, phenothiazin, các thuốc cho tuyến giáp trạng, estrogen, thuốc tránh thai đường uống, phenytoin, acid nicotinic, các thuốc giống giao cảm, thuốc chẹn kênh calci và isoniazid. Khi các thuốc này được sử dụng trên những bệnh nhân sử dụng acarbose, bệnh nhân phải được theo dõi chặt chẽ việc mất kiểm soát đường huyết. Khi ngừng sử dụng các thuốc này trên những bệnh nhân sử dụng phối hợp acarbose với sulfonylurea hoặc insulin, bệnh nhân phải được theo dõi chặt chẽ bất kỳ bằng chứng của hạ đường huyết.

Tương kỵ của thuốc

Do không có các nghiên cứu về tính tương kỵ của thuốc, không trộn lẫn thuốc này với các thuốc khác.

TÁC DỤNG KHÔNG MONG MUỐN CỦA THUỐC (ADR)

Các tác dụng không mong muốn sau có thể xảy ra trong 2 - 3 ngày đầu dùng thuốc: Đầy hơi, sôi bụng, cảm giác đầy bụng hoặc đau bụng.

Thông báo ngay với bác sĩ nếu sau hơn 2 - 3 ngày các triệu chứng trên vẫn tiếp tục hoặc xảy ra nghiêm trọng hơn, đặc biệt nếu bị tiêu chảy.

Tóm tắt các ADR

Rất thường gặp: ADR ≥ 1/10

Tiêu hóa: Đầy hơi

Thường gặp: 1/100 ≤ ADR < 1/10

Tiêu hóa: Tiêu chảy, đau dạ dày, đau bụng.

Ít gặp: 1/1.000 ≤ ADR < 1/100

Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, khó tiêu.

Gan mật: Tăng transaminase.

Hiếm gặp: 1/10.000 ≤ ADR < 1/1.000

Mạch máu: Phù.

Gan mật: Vàng da.

Chưa rõ tần suất

Máu và hệ bạch huyết: Giảm tiểu cầu.

Hệ miễn dịch: Dị ứng thuốc, phản ứng quá mẫn (phát ban, ban đỏ, xuất huyết, mày đay).

Tiêu hóa: Tắc ruột, vỡ nang khí thành ruột (pneumatosis cystoidis intestinalis).

Gan mật: Viêm gan.

Da và mô dưới da: Hội chứng ngoại ban mụn mủ toàn thân cấp tính.

Một số tác dụng không mong muốn khác

Các trường hợp rối loạn gan, chức năng gan bất thường và tổn thương gan đã được báo cáo. Đã có trường hợp viêm gan cấp tính dẫn đến tử vong.

Những bệnh nhân dùng liều hàng ngày từ 150 đến 300 mg acarbose, hiếm khi có kết quả xét nghiệm chức năng gan bất thường có liên quan lâm sàng (cao gấp ba lần giới hạn trên của mức bình thường). Các giá trị bất thường có thể chỉ tạm thời trong khi sử dụng acarbose.

Nồng độ calci huyết và vitamin B6 trong máu thấp.

Nếu bệnh nhân không tuân thủ chế độ ăn uống theo hướng dẫn có thể làm tăng các tác dụng không mong muốn trên đường ruột. Nếu các triệu chứng trên ngày càng nặng dù đã tuân thủ chế độ ăn uống quy định dành cho người đái tháo đường, cần thông báo ngay cho bác sĩ, có thể phải giảm liều tạm thời hoặc vĩnh viễn.

Hướng dẫn cách xử trí ADR

Tác dụng không mong muốn về tiêu hóa có thể giảm khi vẫn tiếp tục điều trị và chỉ cần giảm lượng đường ăn (đường mía).

Ðể giảm thiểu các tác dụng không mong muốn về tiêu hóa, nên bắt đầu điều trị bằng liều thấp nhất và tăng dần cho tới khi đạt được kết quả mong muốn.

Không dùng các thuốc kháng acid để điều trị các tác dụng không mong muốn về tiêu hóa do thuốc có thể ít có hiệu quả điều trị.

Tổn thương gan, kèm vàng da, tăng aminotransferase huyết thanh thường hết sau khi ngừng thuốc.

QUÁ LIỀU VÀ CÁCH XỬ TRÍ

Biểu hiện

Không giống như sulfonylurea hoặc insulin, quá liều acarbose không gây hạ đường huyết nhưng có thể gây đầy hơi, tiêu chảy, khó chịu ở bụng và sẽ giảm dần sau đó.

Cách xử trí

Trong trường hợp dùng quá liều, người bệnh không nên uống hoặc dùng các thức ăn có chứa nhiều carbohydrate (polysaccharid, oligosaccharid và disaccharid) trong 4 đến 6 giờ.

DƯỢC LỰC HỌC

Nhóm dược lý: Thuốc hạ glucose máu – chống đái tháo đường (ức chế alpha-glucosidase)

Mã ATC: A10BF01

Cơ chế tác dụng

Khác với sulfonylurea, acarbose không làm tăng tiết insulin. Tác dụng hạ đường huyết của acarbose do ức chế enzym alpha-amylase ở tụy và enzym alpha-glucosidase ở ruột. Alpha-amylase tụy sẽ thủy phân các phức hợp tinh bột thành oligosaccharid tại ruột non, trong khi enzym alpha-glucosidase tại thành ruột sẽ thủy phân các oligosaccharid, trisaccharid, disaccharid thành glucose và các monosaccharid khác ở bờ bàn chải của ruột non. Ở bệnh nhân đái tháo đường, ức chế enzym này làm cho hấp thu glucose chậm và giúp hạ đường huyết sau ăn.

Do cơ chế hoạt động của acarbose, sulfonylurea, insulin, metformin khác nhau trong việc kiểm soát gia tăng đường huyết, nên chúng có tác dụng cộng hợp khi dùng chung. Ngoài ra, acarbose còn làm giảm tác dụng kích thích tiết insulin và tăng cân của sulfonylurea.

Acarbose không ức chế enzym lactase, do đó sẽ không gây mất dung nạp lactose.

DƯỢC ĐỘNG HỌC

Hấp thu

Sau khi uống, phần lớn acarbose lưu lại trong ống tiêu hóa để được các enzym tiêu hóa và vi khuẩn chí ở ruột chuyển hóa để acarbose phát huy tác dụng dược lý. Dưới 2% liều uống được hấp thu dưới dạng thuốc có hoạt tính, trong khi đó, khoảng 35% liều uống được hấp thu chậm dưới dạng chất chuyển hóa được tạo thành trong đường tiêu hóa. Nồng độ đỉnh của acarbose trong huyết tương khoảng 1 giờ. Nồng độ đỉnh của các chất chuyển hóa trong huyết tương từ 14 - 24 giờ sau khi uống.

Chuyển hóa

Acarbose được chuyển hóa hoàn toàn ở đường tiêu hóa, chủ yếu do vi khuẩn chí đường ruột và một lượng ít hơn do enzym tiêu hóa. Ít nhất 13 chất chuyển hóa đã được xác định bằng sắc ký từ mẫu nước tiểu. Các chất chuyển hóa chính xác định được là các dẫn xuất của 4-methylpyrogallol (chúng liên hợp với glucuronid, methyl và sulfat). Một chất chuyển hóa (được tạo thành bằng cách loại bỏ 1 phân tử đường khỏi cấu trúc của acarbose) cũng có hoạt tính ức chế α-glucosidase. Chất chuyển hóa này cùng với chất mẹ là acarbose được tìm thấy trong nước tiểu, chiếm khoảng 2% tổng liều.

Thải trừ

Phần acarbose được hấp thu dưới dạng không biến đổi hầu hết được thải trừ hoàn toàn bởi thận. Điều này phù hợp với sinh khả dụng thấp của acarbose. Ở người tình nguyện khỏe mạnh, thời gian bán thải của acarbose trong huyết tương khoảng 2 giờ, như vậy không có hiện tượng tích lũy thuốc khi uống 3 lần mỗi ngày.

Khoảng 51% liều uống được đào thải qua phân do không được hấp thu trong vòng 96 giờ. Khoảng 34% liều uống đào thải qua thận dưới dạng các chất chuyển hóa. Dưới 2% liều uống đào thải qua nước tiểu dưới dạng acarbose và chất chuyển hóa có hoạt tính.

Đối tượng đặc biệt

Diện tích dưới đường cong trung bình (AUC: Area under the curve) ở trạng thái ổn định và nồng độ acarbose tối đa (Cmax) ở người cao tuổi cao hơn khoảng 1,5 lần so với người tình nguyện trẻ tuổi. Tuy nhiên, sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê. Bệnh nhân suy thận nặng (Clcr < 25 ml/phút/1,73m2) đạt nồng độ đỉnh cao gấp 5 lần và AUC lớn hơn 6 lần so với những người tình nguyện có chức năng thận bình thường.

Chưa có nghiên cứu nào về các thông số dược động học theo chủng tộc được tiến hành. Ở Mỹ, trong các thử nghiệm lâm sàng có đối chứng sử dụng acarbose cho bệnh nhân đái tháo đường type 2, sự giảm nồng độ HbA1c tương tự nhau giữa người da trắng (n=478) và người Mỹ gốc Phi (n=167), người Mỹ Latinh (n=478) có xu hướng đáp ứng điều trị tốt hơn.

QUY CÁCH ĐÓNG GÓI

Hộp 10 vỉ x 10 viên

ĐIỀU KIỆN BẢO QUẢN

Nơi khô, nhiệt độ không quá 30°C, tránh ánh sáng.

HẠN DÙNG

36 tháng kể từ ngày sản xuất.

TIÊU CHUẨN CHẤT LƯỢNG

Tiêu chuẩn cơ sở.

SẢN XUẤT TẠI CÔNG TY CỔ PHẦN DƯỢC PHẨM SAVI 
(SaViPharm J.S.C) 

 Lô Z.01-02-03a, Khu Công nghiệp trong Khu Chế xuất Tân Thuận, Phường Tân Thuận Đông, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh.

 Điện thoại: (84.28) 37700142-143-144

Fax: (84.28) 37700145