Hướng dẫn dành cho người đang sử dụng thuốc SaVi Valsartan 80

11/07/2023

TỜ HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG THUỐC

RxSAVI VALSARTAN 80

Để xa tầm tay trẻ em

Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng

Thuốc này chỉ dùng theo đơn thuốc

THÀNH PHẦN CÔNG THỨC THUỐC

(Cho 1 viên nén bao phim SaVi Valsartan 80)

Thành phần dược chất:

Valsartan .........................................................80 mg

Thành phần tá dược:

Celulose vi tinh thể 101, natri croscarmelose, natri starch glycolat, tinh bột biến tính, polysorbat 80, silic dioxyd keo, talc, magnesi stearat, Opadry AMB yellow.

DẠNG BÀO CHẾ

Viên nén bao phim.

MÔ TẢ SẢN PHẨM

Viên nén tròn, bao phim màu vàng, hai mặt khum, trơn.

CHỈ ĐỊNH

Điều trị tăng huyết áp

Sự giảm huyết áp làm giảm nguy cơ gặp phải các biến cố tim mạch gây tử vong/không gây tử vong, chủ yếu là đột quỵ và nhồi máu cơ tim.

Có thể dùng SaVi Valsartan 80 đơn độc hoặc kết hợp với thuốc chống tăng huyết áp khác.

Điều trị suy tim (độ II đến IV theo phân loại của Hiệp hội Tim Hoa Kỳ, NYHA)

Trong 1 thử nghiệm lâm sàng có đối chứng, valsartan làm giảm đáng kể sự nhập viện do suy tim. Chưa có bằng chứng cho thấy hiệu quả của valsartan tăng thêm khi dùng cùng với một thuốc ức chế enzym chuyển khác (ACEI: Angiotensin converting enzyme inhibitors) ở liều thích hợp.

Sau nhồi máu cơ tim

SaVi Valsartan 80 được chỉ định nhằm làm giảm tỷ lệ tử vong do tim mạch ở bệnh nhân bị suy thất trái hoặc rối loạn chức năng thất trái sau nhồi máu cơ tim có tình trạng lâm sàng ổn định.

LIỀU DÙNG, CÁCH DÙNG

Liều dùng

Tăng huyết áp

Người lớn

Ở bệnh nhân không có giảm thể tích tuần hoàn, liều khuyến cáo của valsartan là 80 mg hoặc 160 mg x 1 lần/ngày.

Bệnh nhân cần giảm huyết áp nhiều hơn có thể dùng liều khởi đầu cao hơn. Có thể dùng SaVi Valsartan 80 với liều trong khoảng 80 – 320 mg x 1 lần/ngày.

Tác dụng chống tăng huyết áp thể hiện rõ ràng trong vòng 2 tuần lễ đầu và tác dụng tối đa đạt sau 4 tuần.

Trẻ em

Không khuyến cáo dùng thuốc này cho trẻ dưới 6 tuổi.

Trẻ 6-16 tuổi

Với trẻ có thể nuốt được, liều khởi đầu khuyến cáo thường dùng là 1,3 mg/kg x 1 lần/ngày (tổng liều lên đến 40(*) mg/ngày). Liều dùng nên được hiệu chỉnh dựa vào đáp ứng của huyết áp. Liều trên 2,7 mg/kg (lên đến 160 mg) x 1 lần/ngày chưa được nghiên cứu ở trẻ 6 – 16 tuổi.

Với trẻ không thể nuốt được hoặc thuốc chứa valsartan dạng viên nén sẵn có không phù hợp về liều dùng, có thể dùng thuốc dạng hỗn dịch. Khi đó, cần tham khảo tờ hướng dẫn sử dụng thuốc dạng hỗn dịch để biết thông tin về liều dùng.

Suy tim

Liều ban đầu được khuyến cáo của valsartan là 40(*) mg × 2 lần/ngày. Tăng liều lên đến liều cao nhất là 80 mg - 160 mg × 2 lần/ngày nếu bệnh nhân dung nạp được. Nên giảm liều khi kết hợp với thuốc lợi tiểu. Liều tối đa trong ngày theo hướng dẫn trong các thử nghiệm lâm sàng là 320 mg, nhưng phải chia thành nhiều lần để uống.

Sau nhồi máu cơ tim

Nên bắt đầu dùng valsartan càng sớm càng tốt trong vòng 12 giờ sau nhồi máu cơ tim. Liều khởi đầu khuyến cáo là 20(*) mg x 2 lần/ngày. Có thể tăng liều lên đến 40(*) mg x 2 lần/ngày trong vòng 7 ngày, sau đó tiếp tục tăng liều đền liều đích duy trì là 160 mg x 2 lần/ngày nếu bệnh nhân dung nạp được. Nếu xảy ra hạ huyết áp hoặc suy thận, cân nhắc giảm liều. Valsartan có thể được dùng cùng với các thuốc điều trị sau nhồi máu cơ tim khác, bao gồm thuốc làm tan huyết khối, aspirin, thuốc chẹn β và statin.

Người cao tuổi

Không cần hiệu chỉnh liều cho bệnh nhân cao tuổi (Xin xem phần Dược động học).

Suy thận

Tính an toàn và hiệu quả của valsartan trên bệnh nhân suy thận nặng (ClCr ≤ 30 ml/phút) chưa được biết. Cần thận trọng về liều dùng khi dùng thuốc này cho bệnh nhân suy thận nặng.

Không cần hiệu chỉnh liều cho bệnh nhân suy thận nhẹ (Clcr = 60 - 90 ml/phút) hoặc vừa (Clcr = 30 - 60 ml/phút).

Suy gan

Không cần hiệu chỉnh liều cho bệnh nhân suy gan nhẹ đến vừa.

Chưa có khuyến cáo về liều đối với bệnh nhân suy gan nặng. Cần thận trọng về liều dùng khi dùng thuốc này cho bệnh nhân suy gan nặng.

(*) SaVi Valsartan 80 không phù hợp với liều dùng này, có thể dùng chế phẩm khác có hàm lượng phù hợp.

Cách dùng

Thuốc dùng đường uống, uống thuốc trong hoặc ngoài bữa ăn. Nên uống thuốc vào cùng thời điểm giữa các ngày, tốt nhất là vào buổi sáng.

Nếu quên dùng thuốc

Nếu quên 1 liều thuốc, uống ngay khi nhớ ra. Nếu đã gần đến thời điểm dùng liều tiếp theo, bỏ qua liều đã quên và uống liều tiếp theo như bình thường. Không uống gấp đôi liều để bù cho liều đã quên.

CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Quá mẫn với các thành phần của thuốc.

Dùng đồng thời với aliskiren ở bệnh nhân đái tháo đường.

Phụ nữ có thai.

CẢNH BÁO VÀ THẬN TRỌNG KHI DÙNG THUỐC

Hạ huyết áp

Hiếm gặp tình trạng hạ huyết áp quá mức (0,1%) ở nhóm bệnh nhân tăng huyết áp không có biến chứng được điều trị bằng valsartan đơn độc. Ở bệnh nhân có hệ renin-angiotensin được hoạt hóa (như bệnh nhân thiếu muối và/hoặc giảm thể tích tuần hoàn đang dùng thuốc lợi tiểu liều cao), có thể xảy ra hạ huyết áp có triệu chứng. Tình trạng này nên được khắc phục trước khi dùng SaVi Valsartan 80 hoặc việc điều trị chỉ nên bắt đầu dưới sự giám sát y tế chặt chẽ.

Cần thận trọng khi bắt đầu điều trị ở bệnh nhân suy tim hoặc sau nhồi máu cơ tim. Những bệnh nhân này khi dùng valsartan thường bị giảm huyết áp nhưng không cần thiết phải ngừng dùng thuốc. Trong các thử nghiệm lâm sàng có đối chứng ở bệnh nhân suy tim, tỷ lệ hạ huyết áp ở nhóm được điều trị bằng valsartan là 5,5%, trong khi ở nhóm dùng giả dược là 1,8%. Trong thử nghiệm ở bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp dùng valsartan, tỷ lệ bệnh nhân bị hạ huyết áp dẫn đến phải ngừng điều trị dài hạn ở nhóm dùng valsartan là 1,4% và ở nhóm dùng captopril là 0,8%.

Nếu xảy ra hạ huyết áp quá mức, cần đặt bệnh nhân ở tư thế nằm ngửa; nếu cần thiết, truyền tĩnh mạch dung dịch muối đẳng trương. Không cần ngừng điều trị nếu chỉ hạ huyết áp thoáng qua, việc điều trị thường được tiếp tục mà không gặp trở ngại nếu huyết áp của bệnh nhân ổn định.

Suy thận

Những thay đổi liên quan đến chức năng thận bao gồm suy thận cấp có thể xảy ra do thuốc ức chế hệ renin-angiotensin và thuốc lợi tiểu. Bệnh nhân có chức năng thận phụ thuộc vào hoạt động của hệ renin-angiotensin (như bệnh nhân hẹp động mạch thận, mắc bệnh thận mạn, suy tim sung huyết nặng hoặc giảm thể tích tuần hoàn) có thể có nguy cơ tiến triển suy thận cấp khi dùng SaVi Valsartan 80. Cần định kỳ theo dõi chức năng thận cho những bệnh nhân này. Cân nhắc tạm ngừng hoặc ngừng điều trị nếu bệnh nhân có giảm chức năng thận đáng kể trên lâm sàng khi dùng SaVi Valsartan 80.

Tăng kali máu

Một số bệnh nhân suy tim có tăng kali máu. Tác dụng này thường nhẹ và thoáng qua, thường xảy ra hơn ở bệnh nhân đã bị suy thận. Có thể cần giảm liều và/hoặc ngừng dùng SaVi Valsartan 80.

SỬ DỤNG THUỐC CHO PHỤ NỮ CÓ THAI VÀ CHO CON BÚ

Phụ nữ có thai

Sử dụng thuốc tác động lên hệ renin-angiotensin trong suốt 3 tháng giữa cuối thai kỳ làm giảm chức năng thận của thai nhi, làm tăng dị tật và tử vong ở thai nhi và trẻ sơ sinh. Sự thiểu ối do dùng các thuốc này có thể liên quan đến giảm sản phổi và biến dạng xương của thai nhi. Các tác dụng không mong muốn tiềm ẩn trên trẻ sơ sinh bao gồm giảm sản sọ, vô niệu, hạ huyết áp, suy thận và tử vong. Khi phát hiện bệnh nhân mang thai, cần ngừng ngay SaVi Valsartan 80. Các tác dụng không mong muốn thường liên quan đến sử dụng các thuốc này ở giai đoạn 3 tháng giữa và cuối thai kỳ. Hầu hết các nghiên cứu dịch tễ kiểm tra về những bất thường trên thai nhi sau phơi nhiễm với thuốc chống tăng huyết áp trong 3 tháng đầu thai kỳ không khác biệt giữa thuốc ảnh hưởng đến hệ renin-angiotensin và các thuốc chống tăng huyết áp khác. Kiểm soát tăng huyết áp cho phụ nữ có thai là việc làm quan trọng nhằm tối ưu lợi ích cho cả người mẹ và thai nhi.

Trong trường hợp không có biện pháp điều trị thay thế thích hợp cho thuốc ảnh hưởng đến hệ renin-angiotensin cho bệnh nhân mang thai (ít gặp), nguy cơ trên thai nhi cần được dự tính trước. Tiến hành siêu âm để đánh giá nước ối. Nếu quan sát thấy tình trạng thiểu ối, ngừng dùng valsartan, trừ khi việc dùng thuốc mang tính sống còn đối với người mẹ. Tiến hành xét nghiệm thích hợp để kiểm tra thai nhi dựa vào tuần thai. Bệnh nhân và bác sĩ nên biết rằng tình trạng thiểu ối có thể không xảy ra cho đến sau thời điểm thai nhi bị tổn thương không hồi phục vĩnh viễn. Cần theo dõi chặt chẽ trẻ sơ sinh có tiền sử phơi nhiễm với valsartan trong tử cung về tình trạng hạ huyết áp, thiểu niệu và tăng kali máu.

Trẻ sơ sinh có tiền sử phơi nhiễm với valsartan trong tử cung: Nếu xảy ra thiểu niệu hoặc hạ huyết áp, dùng biện pháp hỗ trợ trực tiếp huyết áp và tưới máu thận. Có thể truyền dịch thay thế hoặc thẩm tách máu khi cần thiết nhằm khôi phục tình trạng hạ huyết áp và/hoặc thay thế chức năng thận bị rối loạn.

Phụ nữ cho con bú

Chưa biết được valsartan có bài tiết qua sữa mẹ hay không. Valsartan bài tiết được qua sữa của chuột nuôi con bú; tuy nhiên, nồng độ thuốc trong sữa động vật có thể không phản ánh chính xác nồng độ thuốc trong sữa ở người. Nhiều thuốc được tiết vào sữa mẹ và nhiều tác dụng không mong muốn tiềm ẩn do valsartan có thể xảy ra ở trẻ bú mẹ, do đó cần quyết định ngừng cho con bú hoặc ngừng dùng thuốc dựa trên đánh giá về tầm quan trọng của thuốc đối với người mẹ.

ẢNH HƯỞNG CỦA THUỐC LÊN KHẢ NĂNG LÁI XE, VẬN HÀNH MÁY MÓC

Trước khi lái xe hoặc vận hành máy móc, bệnh nhân cần nhận biết được thuốc gây ảnh hưởng đến mình như thế nào. Có thể xảy ra chóng mặt, choáng váng hoặc ngất, đặc biệt là sau liều dùng đầu tiên hoặc sau khi tăng liều.

TƯƠNG TÁC, TƯƠNG KỴ CỦA THUỐC

Tương tác của thuốc

Chưa quan sát thấy tương tác dược động học đáng kể trên lâm sàng khi dùng valsartan đồng thời với amlodipin, atenolol, cimetidin, digoxin, furosemid, glyburid, hydroclorothiazid hoặc indomethacin. Thuốc kết hợp valsartan-atenolol có tác dụng hạ huyết áp nhiều hơn so với dùng riêng từng thuốc nhưng không làm chậm nhịp tim nhiều hơn atenolol đơn độc.

Dùng đồng thời valsartan với warfarin không làm thay đổi dược động học của valsartan hoặc thời gian chống đông máu của warfarin.

Tương tác thuốc qua hệ CYP 450

Các nghiên cứu chuyển hóa in vitro cho thấy tương tác thuốc qua trung gian CYP 450 giữa valsartan và các thuốc dùng đồng thời dường như không xảy ra do mức độ chuyển hóa thấp.

Hệ vận chuyển

Các kết quả từ 1 nghiên cứu in vitro ở mô tế bào gan người cho thấy valsartan là cơ chất của hệ vận chuyển thuốc đi vào gan OATP1B1 và hệ tống thuốc ra khỏi gan MRP2. Dùng đồng thời các thuốc ức chế hệ vận chuyển thuốc đi vào gan (rifampin, cyclosporin) hoặc hệ tống thuốc ra khỏi gan (ritonavir) có thể làm tăng nồng độ valsartan toàn thân.

Kali

Dùng đồng thời valsartan với các thuốc ức chế hệ renin-angiotensin khác, thuốc lợi tiểu giữ kali (như spironolacton, triamteren, amilorid), các chất bổ sung kali, dạng muối chứa kali hoặc các thuốc khác làm tăng nồng độ kali (như heparin) có thể dẫn đến làm tăng kali huyết thanh và ở bệnh nhân suy tim làm tăng creatinin. Nếu việc dùng kết hợp các thuốc này là cần thiết, cần theo dõi nồng độ kali huyết thanh.

Thuốc chống viêm không steroid (NSAID: Non-steroidal anti-inflammatory drugs) bao gồm cả thuốc ức chế chọn lọc Cyclooxygenase-2 (COX-2: Cyclooxygenase-2 inhibitors)

Ở bệnh nhân cao tuổi, bệnh nhân giảm thể tích tuần hoàn (bao gồm những người đang dùng thuốc lợi tiểu) hoặc có suy giảm chức năng thận, dùng đồng thời NSAID (bao gồm cả thuốc ức chế chọn lọc COX-2) với thuốc đối kháng thụ thể angiotensin II (bao gồm valsartan) có thể dẫn đến suy giảm chức năng thận, kể cả suy thận cấp. Các tác dụng không mong muốn này thường có thể hồi phục. Cần định kỳ theo dõi chức năng thận ở bệnh nhân đang dùng đồng thời valsartan và NSAID.

Tác dụng chống tăng huyết áp của thuốc đối kháng thụ thể angiotensin II (bao gồm cả valsartan) có thể giảm bởi NSAID (bao gồm cả các thuốc ức chế chọn lọc COX-2).

Thuốc ức chế hệ renin-angiotensin

Tác dụng ức chế hệ renin-angiotensin của thuốc chẹn receptor angiotensin, thuốc ức chế enzym chuyển hoặc aliskiren có liên quan đến sự tăng nguy cơ hạ huyết áp, tăng kali máu và thay đổi chức năng thận (bao gồm suy thận cấp) so với chỉ dùng 1 thuốc. Hầu hết bệnh nhân dùng kết hợp 2 thuốc ức chế hệ renin-angiotensin không có thêm hiệu quả so với chỉ dùng thuốc đơn độc. Không dùng đồng thời các thuốc ức chế hệ renin-angiotensin. Cần theo dõi chặt chẽ huyết áp, chức năng thận và điện giải ở bệnh nhân dùng đồng thời valsartan với các thuốc gây ảnh hưởng đến hệ renin-angiotensin.

Lithi

Đã có báo cáo về sự tăng nồng độ lithi trong huyết thanh và ngộ độc lithi khi dùng đồng thời lithi với thuốc đối kháng thụ thể angiotensin II (bao gồm cả valsartan). Cần theo dõi nồng độ lithi huyết thanh khi dùng đồng thời các thuốc này.

Tương kỵ của thuốc

Do không có các nghiên cứu về tính tương kỵ của thuốc, không trộn lẫn thuốc này với các thuốc khác.

TÁC DỤNG KHÔNG MONG MUỐN CỦA THUỐC (ADR)

Các trường hợp phải thông báo ngay cho bác sỹ

Huyết áp thấp: Tình trạng này thường gặp nhất nếu bệnh nhân uống thuốc dạng viên nén với với nước, đang có chế độ ăn kiêng muối, thẩm tách máu, có rối loạn ở tim, nôn hoặc tiêu chảy. Bệnh nhân nên nằm xuống nếu cảm thấy mệt mỏi hoặc hoa mắt.

Tóm tắt các ADR

Các nghiên cứu lâm sàng

Các nghiên cứu lâm sàng được tiến hành ở các điều kiện khác nhau, do đó không thể so sánh trực tiếp được tỷ lệ các tác dụng không mong muốn quan sát được và có thể không phản ánh được tỷ lệ xảy ra trên thực tế.

Điều trị tăng huyết áp ở người lớn

Tính an toàn của valsartan được đánh giá trên hơn 4.000 bệnh nhân, trong đó hơn 400 bệnh nhân dùng thuốc trên 6 tháng, hơn 160 bệnh nhân dùng thuốc hơn 1 năm. Các tác dụng không mong muốn thường nhẹ và thoáng qua, ít khi cần phải ngừng điều trị. Tỷ lệ xảy ra các tác dụng không mong muốn ở nhóm dùng valsartan tương tự như ở nhóm dùng giả dược.

Tỷ lệ xảy ra các tác dụng không mong muốn không liên quan đến liều cũng như giới tính, tuổi tác, chủng tộc hay chế độ liều. Tỷ lệ phải ngừng thuốc do tác dụng không mong muốn ở nhóm dùng valsartan là 2,3%, ở nhóm dùng giả dược là 2,0%. Nguyên nhân thường gặp nhất khiến phải ngừng dùng valsartan là đau đầu và chóng mặt.

Trong các thử nghiệm lâm sàng có đối chứng với giả dược, các tác dụng không mong muốn xảy ra ít nhất ở 1% bệnh nhân được điều trị bằng valsartan và tỷ lệ cao hơn ở nhóm dùng valsartan (n=2316) so với nhóm dùng giả dược (n=888) bao gồm nhiễm virus (3% so với 2%), mệt mỏi (2% so với 1%) và đau bụng (2% so với 1%).

Tình trạng đau đầu, chóng mặt, nhiễm trùng đường hô hấp trên, ho, tiêu chảy, viêm mũi, viêm xoang, buồn nôn, viêm hầu, phù nề và đau khớp xảy ra với tỷ lệ hơn 1% nhưng tỷ lệ này giống nhau giữa nhóm dùng valsartan và nhóm dùng giả dược.

Trong các thử nghiệm lâm sàng so sánh valsartan với thuốc ức chế enzym chuyển khác cùng/không cùng với giả dược, tỷ lệ ho khan cao hơn hẳn ở nhóm dùng thuốc ức chế enzym chuyển (7,9%) so với nhóm dùng valsartan (2,6%) và nhóm dùng giả dược (1,5%). Trong 1 thử nghiệm trên 129 bệnh nhân (đã loại trừ những bệnh nhân đã từng bị ho khan khi dùng thuốc ức chế enzym chuyển), tỷ lệ ho ở bệnh nhân dùng valsartan, hydroclorothiazid và lisinopril tương ứng là 20%, 19% và 69%.

Tác dụng hạ huyết áp tư thế đứng liên quan đến liều xảy ra với tỷ lệ dưới 1% bệnh nhân. Quan sát thấy có sự tăng tỷ lệ chóng mặt ở nhóm dùng valsartan liều 320 mg (5%) so với liều 10 mg (2%) và 160 mg (4%).

Khi dùng đồng thời valsartan với hydroclorothiazid, không thấy có bằng chứng về tương tác không mong muốn quan trọng trên lâm sàng.

Các tác dụng không mong muốn khác xảy ra trong các thử nghiệm lâm sàng có đối chứng ở bệnh nhân dùng valsartan được liệt kê như sau (chưa xác định được các ảnh hưởng này có phải là do valsartan hay không):

Toàn thân: Phản ứng dị ứng và suy nhược

Tim mạch: Đánh trống ngực

Da: Ngứa, phát ban

Tiêu hóa: Táo bón, khô miệng, khó tiêu và đầy hơi

Cơ xương: Đau lưng, co thắt cơ và đau cơ

Thần kinh và tâm thần: Lo lắng, mất ngủ, dị cảm và ngủ gà

Hô hấp: Khó thở

Cảm giác: Chóng mặt

Tiết niệu – sinh dục: Bất lực

Các tác dụng không mong muốn khác được báo cáo với tần suất thấp hơn trong các thử nghiệm lâm sàng bao gồm đau ngực, ngất, chán ăn, nôn và phù mạch.

Điều trị tăng huyết áp ở trẻ em

Tính an toàn của valsartan được đánh giá trong hơn 400 trẻ em 6-17 tuổi và hơn 160 trẻ em 6 tháng-5 tuổi. Không có sự khác biệt giữa các tác dụng không mong muốn ở trẻ 6-16 tuổi so với người lớn. Tình trạng đau đầu và tăng kali máu là thường gặp nhất tương ứng ở trẻ 6-17 tuổi và trẻ 6 tháng-5 tuổi. Tăng kali máu được quan sát thấy chủ yếu ở trẻ mắc bệnh thận. Đánh giá nhận thức và sự phát triển thần kinh ở trẻ 6-16 tuổi cho thấy không có tác dụng không mong muốn trên lâm sàng nào sau khi dùng valsartan lên đến 1 năm.

Không khuyến cáo dùng valsartan cho trẻ dưới 6 tuổi. Trong 1 nghiên cứu trên 90 trẻ 1-5 tuổi, đã quan sát thấy 2 trường hợp tử vong và 3 trường hợp tăng transaminase trong quá trình điều trị trong 1 thử nghiệm nhãn mở kéo dài trong 1 năm. 5 trường hợp này xảy ra ở nhóm đối tượng nghiên cứu, trong đó bệnh nhân thường mắc kèm bệnh nghiêm trọng. Mối quan hệ nhân quả với valsartan chưa được thiết lập. Trong 1 nghiên cứu khác tiến hành trong thời gian 6 tháng ở 75 trẻ 1-5 tuổi, không có trường hợp nào tử vong; 1 trường hợp có transaminase gan tăng cao sau 6 tháng điều trị.

Điều trị suy tim

Dữ liệu tác dụng không mong muốn của valsartan trên bệnh nhân suy tim phù hợp với đặc tính dược lý của thuốc và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Trong thử nghiệm lâm sàng dùng valsartan cho bệnh nhân suy tim so sánh giữa nhóm dùng valsartan tổng liều 320 mg/ngày (n = 2.506) và nhóm dùng giả dược (n = 2492), tỷ lệ phải ngừng dùng thuốc do tác dụng không mong muốn ở nhóm bệnh nhân dùng valsartan là 10%, ở nhóm dùng giả dược là 7%.

Các tác dụng không mong muốn từ các thử nghiệm mù đôi trên bệnh nhân suy tim trong thời gian ngắn, bao gồm trong 4 tháng đầu của thử nghiệm dùng valsartan cho bệnh nhân suy tim, tỷ lệ thường gặp hơn ít nhất là 2% ở nhóm dùng valsartan so với nhóm dùng giả dược. Tất cả bệnh nhân nhận chế độ điều trị chuẩn để điều trị suy tim, thường dùng nhiều thuốc kết hợp, có thể gồm thuốc lợi tiểu, digitalis, thuốc chẹn β. Khoảng 93% bệnh nhân dùng đồng thời các thuốc ức chế enzym chuyển.

Valsartan

(n = 3.282)

Giả dược

(n = 2.740)

Chóng mặt

17%

9%

Hạ huyết áp

7%

2%

Tiêu chảy

5%

4%

Đau khớp

3%

2%

Mệt mỏi

3%

2%

Đau lưng

3%

2%

Chóng mặt tư thế

2%

1%

Tăng kali máu

2%

1%

Hạ huyết áp tư thế

2%

1%

Tỷ lệ phải ngừng thuốc xảy ra ở nhóm dùng valsartan do tăng creatinin là 0,5%; ở nhóm dùng giả dược do tăng kali huyết là 0,1%.

Các tác dụng không mong muốn khác với tỷ lệ cao hơn 1% và cao hơn ở nhóm dùng giả dược bao gồm đau đầu, buồn nôn, suy thận, ngất, nhìn mờ, đau bụng trên và chóng mặt.

Dữ liệu dài hạn từ thử nghiệm dùng valsartan cho bệnh nhân suy tim không thấy xuất hiện bất kỳ tác dụng không mong muốn nghiêm trọng nào.

Điều trị sau nhồi máu cơ tim

Dữ liệu an toàn của valsartan phù hợp với đặc tính dược lực học của thuốc, đặc điểm bệnh lý, các yếu tố nguy cơ tim mạch và giai đoạn lâm sàng của bệnh nhân nhồi máu cơ tim được điều trị. Bảng sau thể hiện phần trăm bệnh nhân phải ngừng thuốc ở nhóm dùng valsartan và nhóm dùng captopril trong thử nghiệm dùng valsartan cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim với tỷ lệ ít nhất là 0,5% ở các nhóm điều trị.

Ngừng dùng thuốc do suy giảm chức năng thận xảy ra ở 1,1% bệnh nhân dùng valsartan và 0,8% bệnh nhân dùng captopril.

Valsartan

(n = 4.885)

Captopril

(n = 4.879)

Ngừng thuốc do tác dụng không mong muốn

5,8%

7,7%

Các tác dụng không mong muốn

Hạ huyết áp

1,4%

0,8%

Ho

0,6%

2,5%

Tăng creatinin máu

0,6%

0,4%

Phát ban

0,2%

0,6%

Dữ liệu từ thực tế dùng thuốc

Các tác dụng không mong muốn sau đã được báo cáo từ thực tế dùng thuốc:

Quá mẫn: Hiếm gặp các báo cáo phù mạch. Một số trong số những bệnh nhân này có tiền sử phù mạch do các thuốc khác bao gồm cả thuốc ức chế enzym chuyển. Không nên tái dùng valsartan cho bệnh nhân có tiền sử phù mạch do dùng thuốc ức chế enzym chuyển.

Tiêu hóa: Tăng enzym gan và hiếm gặp báo cáo viêm gan

Thận: Suy giảm chức năng thận, suy thận

Xét nghiệm: Tăng kali máu

Da: Hói, viêm da bọng nước

Máu và hệ lympho: Rất hiếm gặp các báo cáo giảm tiểu cầu

Mạch máu: Viêm mạch máu

Hiếm gặp các báo cáo về tình trạng tiêu cơ vân ở bệnh nhân dùng thuốc chẹn receptor angiotensin II.

Các tác dụng không mong muốn được báo cáo tự nguyện từ nhóm dân số chung không xác định được cỡ mẫu, do đó không ước tính được tần suất hay mối quan hệ nhân quả với thuốc.

Hướng dẫn cách xử trí ADR:

Ngưng dùng thuốc và phải tham vấn với bác sĩ điều trị.

QUÁ LIỀU VÀ CÁCH XỬ TRÍ

Triệu chứng quá liều valsartan bao gồm hạ huyết áp nặng, nhịp tim nhanh, giảm ý thức, suy tuần hoàn có thể kèm theo sốc. Chậm nhịp tim cũng có thể xảy ra do kích thích thần kinh phó giao cảm.

Nếu xảy ra hạ huyết áp triệu chứng, cần đặt người bệnh trong tư thế nằm ngửa, đầu thấp, truyền tĩnh mạch dung dịch natri clorid 0,9%. Xử trí quá liều phụ thuộc vào thời gian dùng quá liều thuốc, biểu hiện và mức độ nặng của các triệu chứng, nhưng biện pháp quan trọng nhất là ổn định huyết động cho người bệnh. Thẩm tách máu không loại bỏ được valsartan.

DƯỢC LỰC HỌC

Mã ATC: C09CA03.

Nhóm dược lý: Thuốc đối kháng thụ thể angiotensin II.

Valsartan ức chế tác dụng gây co mạch của angiotensin II. Liều valsartan 80 mg đường uống ức chế tác dụng gây co mạch tối đa là 80% và khoảng 30% sự ức chế này kéo dài đến 24 giờ. Chưa có thông tin về ảnh hưởng của liều dùng cao hơn.

Sự mất feedback âm tính do angiotensin II làm tăng nồng độ renin trong huyết tương 2-3 lần dẫn đến tăng nồng độ angiotensin II trong huyết tương ở bệnh nhân tăng huyết áp. Quan sát thấy nồng độ aldosterol trong huyết tương giảm nhẹ sau khi dùng valsartan; thuốc rất ít ảnh hưởng đến kali huyết thanh.

Trong các nghiên cứu đa liều ở bệnh nhân tăng huyết áp bị suy giảm chức năng thận và bệnh nhân tăng huyết áp do hẹp động mạch thận, valsartan không gây ảnh hưởng đáng kể trên lâm sàng đến mức lọc cầu thận, phân suất lọc, độ thanh thải creatinin hoặc dòng chảy huyết tương ở thận; valsartan không gây ảnh hưởng đáng kể đến cholesterol toàn phần, triglycerid lúc đói, glucose huyết thanh lúc đói và acid uric.

DƯỢC ĐỘNG HỌC

Hấp thu

Valsartan hấp thu nhanh khi uống. Sinh khả dụng đường uống đạt khoảng 25%. Thời gian đạt nồng độ cực đại trong huyết tương khoảng 2 đến 4 giờ sau khi dùng thuốc. Thức ăn có ảnh hưởng bất lợi đến hấp thu của valsartan, làm giảm AUC khoảng 40% và giảm nồng độ cực đại trong huyết tương (Cmax) khoảng 50%, nhưng nồng độ trong huyết tương sau khi uống 8 giờ tương tự nhau dù người bệnh đói hay không. Tuy vậy, AUC giảm không kèm theo giảm tác dụng lâm sàng có ý nghĩa, do đó có thể uống valsartan trong hoặc ngoài bữa ăn. AUC và Cmax trong huyết tương của valsartan tăng tỷ lệ tuyến tính với liều trong khoảng liều được khuyến cáo trên lâm sàng. Valsartan không tích lũy trong huyết tương sau khi dùng liều nhắc lại.

Phân bố

Valsartan liên kết mạnh với protein huyết tương (khoảng 94-97%), chủ yếu là albumin. Thể tích phân bố ở trạng thái ổn định sau khi tiêm tĩnh mạch valsartan khoảng 17 lít, như vậy chứng tỏ không có sự phân bố quan trọng valsartan vào các mô.

Chuyển hóa

Valsartan không được chuyển hóa đáng kể, chỉ có 20% liều tìm thấy dưới dạng chất chuyển hóa. Chất chuyển hóa không có hoạt tính của valsartan là valeryl 4-hydroxy valsartan xác định được trong nước tiểu và phân. Trong các nghiên cứu về chuyển hóa in vitro có sự tham gia của các enzym CYP 450, CYP 2C9 có đáp ứng với sự hình thành của valeryl-4-hydroxy valsartan. Valsartan không ức chế CYP 450 ở nồng độ dùng trên lâm sàng. Tương tác thuốc qua trung gian CYP 450 giữa valsartan và các thuốc dùng cùng dường như không xảy ra do mức độ chuyển hóa kém.

Thải trừ

Valsartan được thải trừ theo nhiều pha (t1/2 alpha <1 giờ, t1/2 beta khoảng 9 giờ). Valsartan thải trừ chủ yếu qua đường mật vào phân (khoảng 83%) nhưng cũng qua thận vào nước tiểu (khoảng 13% liều), chủ yếu dưới dạng không đổi. Sau khi tiêm tĩnh mạch, độ thanh thải valsartan huyết tương khoảng 2 lít/giờ và độ thanh thải thận 0,62 lít/giờ (khoảng 30% độ thanh thải toàn bộ). Thời gian bán thải của valsartan khoảng 6 giờ.

Ở người bệnh suy tim: Thời gian trung bình để đạt Cmax và thời gian bán thải của valsartan tương tự như người khỏe mạnh. Trị số AUC và Cmax của valsartan tăng tuyến tính và hầu như tỷ lệ với liều trong phạm vi liều lâm sàng (40 – 160 mg, ngày 2 lần). Tỷ lệ tích lũy trung bình khoảng 1,7. Độ thanh thải biểu kiến của valsartan sau khi uống khoảng 4,5 lít/giờ. Tuổi không ảnh hưởng đến độ thanh thải biểu kiến ở người suy tim.

Dược động học ở nhóm người bệnh đặc biệt

Trẻ em: Trong 1 nghiên cứu trên 26 trẻ 1-16 tuổi tăng huyết áp dùng liều duy nhất hỗn dịch valsartan (trung bình 0,9-2 mg/kg), độ thanh thải của valsartan tương tự như ở người lớn dùng cùng dạng bào chế.

Người cao tuổi: Ở người cao tuổi, AUC của valsartan cao hơn khoảng 70% và thời gian bán thải kéo dài hơn 35% so với người trẻ tuổi. Không cần hiệu chỉnh liều cho bệnh nhân cao tuổi.

Giới tính: Không có sự khác biệt đáng kể về dược động học của valsartan giữa nam giới và nữ giới.

Suy tim: Thời gian trung bình để đạt nồng độ đỉnh và thời gian thải trừ của valsartan ở bệnh nhân suy tim tương tự như ở người tình nguyện khỏe mạnh. AUC và Cmax của valsartan tăng tuyến tính và hầu như tỷ lệ với liều trong khoảng liều dùng trên lâm sàng (40 – 160 mg x 2 lần/ngày). Tỷ lệ tích lũy trung bình khoảng 1,7. Độ thanh thải biểu kiến của valsartan sau khi dùng đường uống khoảng 4,5 l/giờ. Tuổi tác không ảnh hưởng đến độ thanh thải biểu kiến ở bệnh nhân suy tim.

Suy thận: Không có mối tương quan giữa chức năng thận (đo bằng độ thanh thải creatinin) và AUC của valsartan ở bệnh nhân suy thận với các mức suy thận khác nhau. Do đó, không cần hiệu chỉnh liều cho bệnh nhân suy thận nhẹ đến vừa. Chưa có nghiên cứu trên bệnh nhân suy thận nặng (Clcr < 10 ml/phút). Valsartan không được loại trừ khỏi huyết tương bởi thẩm tách máu. Nếu bệnh nhân suy thận nặng, cần thận trọng về liều dùng.

Suy gan: So với người khỏe mạnh, AUC trung bình của valsartan ở bệnh nhân mắc bệnh gan mạn tính mức độ nhẹ đến vừa tăng gấp đôi. Không cần hiệu chỉnh liều cho bệnh nhân mắc bệnh gan nhẹ đến vừa. Cần thận trọng về liều dùng khi dùng thuốc cho bệnh nhân mắc bệnh gan.

QUY CÁCH ĐÓNG GÓI

Hộp 3 vỉ x 10 viên.

ĐIỀU KIỆN BẢO QUẢN

Nơi khô, nhiệt độ không quá 30°C. Tránh ánh sáng.

HẠN DÙNG

36 tháng kể từ ngày sản xuất.

TIÊU CHUẨN CHẤT LƯỢNG

USP

SẢN XUẤT TẠI CÔNG TY CỔ PHẦN DƯỢC PHẨM SAVI

(SaViPharm J.S.C)

Lô Z.01-02-03a, Khu Công nghiệp trong Khu Chế xuất Tân Thuận, Phường Tân Thuận Đông, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh.

Điện thoại: (84.28) 37700142-144

Fax: (84.28) 37700145