Hướng dẫn dành cho người đang sử dụng thuốc SaVi Piride 4

11/07/2023

TỜ HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG THUỐC

Rx SAVIPIRIDE 4

Để xa tầm tay trẻ em

Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng

Thuốc này chỉ dùng theo đơn thuốc

THÀNH PHẦN CÔNG THỨC THUỐC

(Cho 1 viên nén SAVIPIRIDE 4)

Thành phần dược chất:

Glimepirid......................4 mg

Thành phần tá dược:

Cellulose vi tinh thể 101, lactose monohydrat, tinh bột biến tính, natri starch glycolat, hydroxypropylcellulose, green lake, polysorbat 80, magnesi stearat, silic dioxyd keo.

DẠNG BÀO CHẾ

Viên nén.

MÔ TẢ SẢN PHẨM

Viên nén tròn, màu xanh, cạnh và thành viên lành lặn.

CHỈ ĐỊNH

SAVIPIRIDE 4 được chỉ định hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường type 2 ở người lớn khi không kiểm soát được glucose huyết bằng chế độ ăn kiêng và tập thể dục.

LIỀU DÙNG, CÁCH DÙNG

Liều dùng

Liều khởi đầu khuyến cáo của glimeprid là 1 mg hoặc 2 mg mỗi ngày một lần. Bệnh nhân có nguy cơ tụt glucose huyết cao (ví dụ người cao tuổi hoặc bệnh nhân suy thận) nên bắt đầu với liều 1 mg mỗi ngày một lần.

Sau khi đạt liều hàng ngày là 2 mg, tăng liều thêm có thể được thực hiện theo từng bước 1 mg hoặc 2 mg dựa trên đáp ứng thuốc của bệnh nhân. Điều chỉnh liều không nên thực hiện nhiều hơn 1-2 tuần một lần. Cần thận trọng khi điều chỉnh liều ở bệnh nhân có nguy cơ tụt glucose huyết cao (xem Mục Cảnh báo và thận trọng khi dùng thuốc).

Liều khuyến cáo tối đa là 8 mg mỗi ngày một lần.

Bệnh nhân chuyển từ sulfonylure có thời gian bán thải dài (ví dụ clorpropamid) sang glimepirid có thể dẫn đến tác dụng thuốc chồng chéo trong 1-2 tuần. Bệnh nhân cần được theo dõi hiện tượng tụt glucose huyết.

Khi sử dụng đồng thời colesevelam với glimepirid, nồng độ tối đa trong huyết tương và tác dụng hạ glucose huyết của glimepirid bị giảm. Do đó, glimepirid nên được uống trước thời điểm uống colesevelam ít nhất 4 giờ.

Trẻ em

Không khuyến cáo dùng SAVIPIRIDE 4 cho trẻ em.

Người cao tuổi

Glimepirid được bài tiết qua thận. Bệnh nhân cao tuổi thường dễ bị suy thận. Ngoài ra, tụt glucose huyết có thể khó nhận ra ở người cao tuổi. Thận trọng khi bắt đầu điều trị với glimepirid và khi tăng liều, nên bắt đầu với liều 1 mg mỗi ngày một lần.

Suy thận

Để giảm nguy cơ tụt glucose huyết, liều khởi đầu khuyến cáo là 1 mg glimepirid mỗi ngày một lần cho tất cả bệnh nhân đái tháo đường type 2 kèm suy thận. Cần thận trọng khi chỉnh liều.

Cách dùng

Thường uống thuốc 1 lần trong ngày, vào trước hoặc ngay trong bữa ăn sáng có nhiều thức ăn, hoặc trước bữa ăn chính đầu tiên trong ngày. Nuốt nguyên viên thuốc, không nhai, với khoảng nửa cốc nước.

Nếu quên uống 1 lần thuốc: Bỏ qua liều quên uống, không uống gấp đôi liều để bù liều quên uống (hoặc hỏi ý kiến bác sĩ hay dược sĩ).

*Lưu ý:

Đối với liều 1 mg/ngày, 2 mg/ngày: Dùng chế phẩm khác có hàm lượng phù hợp.

CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Mẫn cảm với glimepirid, các dẫn suất sulfonamid hoặc với bất kỳ thành phần nào của thuốc.

Đái tháo đường phụ thuộc insulin (đái tháo đường type 1).

Đái tháo đường có nhiễm toan ceton.

CẢNH BÁO VÀ THẬN TRỌNG KHI DÙNG THUỐC

Cần giải thích cho người bệnh là tuy dùng thuốc, vẫn phải thực hiện đúng đắn chế độ ăn uống, tập luyện hợp lý và kiểm tra glucose huyết thường xuyên.

Thông báo cho bệnh nhân về các tác dụng không mong muốn của glimepirid bao gồm tụt glucose huyết và tăng cân.

Thông báo cho bác sĩ nếu bệnh nhân có thai, có kế hoạch có thai, cho con bú, hoặc dự tính cho con bú.

Tụt glucose huyết

Tất cả các sulfonylure, kể cả glimepirid, có thể gây tụt glucose huyết nghiêm trọng. Khả năng tập trung và linh hoạt của bệnh nhân có thể giảm do tụt glucose huyết. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng lái xe hoặc vận hành máy móc. Tụt glucose huyết nặng có thể dẫn đến bất tỉnh hoặc co giật và có thể dẫn đến suy giảm tạm thời hoặc vĩnh viễn chức năng não hoặc tử vong.

Bệnh nhân phải được thông báo về nguyên nhân, các biểu hiện và cách xử trí khi tụt glucose huyết.

Thận trọng khi bắt đầu điều trị và tăng liều glimepirid ở những bệnh nhân có nguy cơ tụt glucose huyết (ví dụ người cao tuổi, bệnh nhân suy thận, bệnh nhân dùng các thuốc chống đái tháo đường khác). Bệnh nhân suy nhược hoặc suy dinh dưỡng, bệnh nhân suy tuyến thượng thận, suy tuyến yên hoặc suy gan đặc biệt dễ bị tụt glucose huyết do tác dụng của thuốc hạ glucose huyết.

Tụt glucose huyết cũng xảy ra khi thiếu calo sau khi tập thể dục nặng hoặc kéo dài, hoặc khi uống rượu.

Các triệu chứng cảnh báo sớm của tụt glucose huyết có thể khác hoặc ít rõ rệt ở những bệnh nhân bị bệnh thần kinh tự trị, người cao tuổi và ở những bệnh nhân đang dùng thuốc chẹn beta-adrenergic hoặc các thuốc ức chế giao cảm khác. Những trường hợp này có thể dẫn đến tụt glucose huyết nghiêm trọng trước khi bệnh nhân nhận thức được tụt glucose huyết.

Phản ứng dị ứng

Đã có báo cáo các phản ứng dị ứng ở những bệnh nhân được điều trị với glimepirid, bao gồm các phản ứng nghiêm trọng như sốc phản vệ, phù mạch và hội chứng Stevens-Johnson, khó thở. Nếu nghi ngờ phản ứng dị ứng, ngừng ngay lập tức glimepirid, đánh giá các nguyên nhân khác có khả năng gây phản ứng và điều trị thay thế cho bệnh đái tháo đường.

Thiếu máu tán huyết

Sulfonylure có thể gây thiếu máu tán huyết ở bệnh nhân thiếu hụt enzym glucose 6-phosphat dehydrogenase (G6PD). Vì glimepirid là thuốc thuộc nhóm sulfonylure nên cần thận trọng khi dùng glimepirid ở những bệnh nhân thiếu enzym G6PD và xem xét chuyển sang các thuốc không thuộc nhóm sulfonylure. Ngoài ra, còn có báo cáo thiếu máu tán huyết ở những bệnh nhân không thiếu enzym G6PD khi điều trị với glimepirid.

Tăng nguy cơ tử vong do tim mạch với sulfonylure

Việc dùng thuốc hạ glucose huyết đã được báo cáo là có liên quan đến gia tăng tỉ lệ tử vong do tim mạch so với việc điều trị bằng chế độ ăn uống hoặc chế độ ăn uống kết hợp với insulin. Cảnh báo này dựa trên kết quả của thử nghiệm lâm sàng dài hạn được thiết kế để đánh giá hiệu quả của thuốc hạ glucose huyết trong phòng ngừa hoặc trì hoãn biến chứng mạch máu ở bệnh nhân đái tháo đường không phụ thuộc insulin. Nghiên cứu bao gồm 823 bệnh nhân được phân ngẫu nhiên vào một trong bốn nhóm điều trị.

Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng bệnh nhân điều trị 5-8 năm với chế độ ăn uống kết hợp với một liều cố định tolbutamid (1,5 g mỗi ngày) có tỷ lệ tử vong do tim mạch tăng khoảng 0,5 − 2 lần so với bệnh nhân điều trị bằng chế độ ăn uống đơn độc. Sự gia tăng đáng kể trong tổng số tử vong không được quan sát nhưng việc sử dụng tolbutamid đã ngưng vì có sự tăng tỷ lệ tử vong do tim mạch. Mặc dù có nhiều tranh cãi về việc giải thích những kết quả này nhưng những phát hiện của nghiên cứu trên là cơ sở đầy đủ cho cảnh báo này. Bệnh nhân cần được thông báo về những nguy cơ tiềm ẩn và lợi thế của glimepirid và các phương pháp điều trị thay thế.

Mặc dù chỉ có một thuốc trong nhóm thuốc sulfonylure (tolbutamid) được nghiên cứu, nhưng cảnh báo này cũng có thể áp dụng cho các thuốc hạ glucose huyết khác trong nhóm sulfonylure (các thuốc có cùng cơ chế tác dụng và cấu trúc hóa học).

Biến chứng mạch máu lớn

Chưa có nghiên cứu lâm sàng nào đưa ra bằng chứng kết luận về giảm nguy cơ biến chứng mạch máu lớn với glimepirid hoặc bất kỳ loại thuốc chống đái tháo đường nào khác.

Lactose

Chế phẩm có thành phần tá dược lactose monohydrat nên bệnh nhân mắc các rối loạn di truyền hiếm gặp về dung nạp galactose, chứng thiếu hụt Lapp lactase hoặc rối loạn hấp thu glucose-galactose không nên sử dụng thuốc này.

SỬ DỤNG THUỐC CHO PHỤ NỮ CÓ THAI VÀ CHO CON BÚ

Phụ nữ có thai

Tác động gây quái thai: Phân loại C.

Chưa có nghiên cứu đầy đủ và kiểm soát tốt về việc dùng glimepirid ở phụ nữ mang thai. Trong các nghiên cứu ở động vật, không có sự gia tăng dị tật bẩm sinh, nhưng có sự gia tăng tử vong thai nhi xảy ra ở chuột và thỏ ở liều glimepirid gấp 50 lần (chuột) và 0,1 lần (thỏ) liều tối đa khuyến cáo ở con người (dựa trên diện tích bề mặt cơ thể). Độc tính sinh sản dường như liên quan đến tác động dược lý (hạ glucose huyết) của glimepirid và được ghi nhận tương tự với các sulfonylure khác. Glimepirid chỉ sử dụng trong thời kỳ mang thai khi lợi ích điều trị cao hơn nguy cơ tiềm ẩn cho thai nhi. Các dữ liệu cho thấy glucose huyết bất thường trong suốt thai kỳ có liên quan đến tăng tỷ lệ các dị tật bẩm sinh và tử vong ở thai nhi vì vậy điều trị đái tháo đường trong thai kỳ nên duy trì lượng glucose trong máu càng gần mức bình thường càng tốt.

Tụt glucose huyết nặng kéo dài (4 đến 10 ngày) đã được báo cáo ở trẻ sơ sinh có mẹ đang điều trị với thuốc thuộc nhóm sulfonylure khi chuyển dạ.

Phụ nữ cho con bú

Chưa biết liệu glimepirid có tiết vào sữa người hay không. Trong các nghiên cứu trước và sau sinh ở chuột, nồng độ glimepirid đáng kể xuất hiện trong sữa mẹ và huyết thanh của các chuột con. Chuột con có mẹ phơi nhiễm với glimepirid mức độ cao trong thời gian mang thai và cho con bú phát triển dị tật xương bao gồm ngắn, dày lên và cong xương cánh tay sau khi sinh. Những dị tật xương này được xác định là do trẻ bú sữa mẹ điều trị với glimepirid. Dựa trên những dữ liệu động vật và nguy cơ tụt glucose huyết ở trẻ bú mẹ, quyết định ngừng cho con bú hay ngừng điều trị với glimepirid phụ thuộc vào tầm quan trọng của thuốc đối với người mẹ.

ẢNH HƯỞNG CỦA THUỐC LÊN KHẢ NĂNG LÁI XE, VẬN HÀNH MÁY MÓC

Khả năng tập trung và phản ứng của bệnh nhân có thể giảm do tụt glucose huyết hoặc tăng glucose huyết. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng lái xe hoặc vận hành máy móc.

Bệnh nhân nên được khuyến cáo để có biện pháp phòng ngừa tụt glucose huyết trong khi lái xe. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những bệnh nhân đã tụt glucose huyết hoặc không nhận biết được các triệu chứng cảnh báo của tụt glucose huyết hoặc tụt glucose huyết thường xuyên. Trong những trường hợp này cần khuyên bệnh nhân không nên lái xe hoặc vận hành máy móc.

TƯƠNG TÁC, TƯƠNG KỴ CỦA THUỐC

Tương tác của thuốc

Các thuốc ảnh hưởng đến sự chuyển hóa glucose

Một số loại thuốc ảnh hưởng đến sự chuyển hóa của glucose và có thể cần điều chỉnh liều của glimepirid, theo dõi chặt chẽ hiện tượng tụt glucose huyết hoặc không kiểm soát được glucose huyết.

Các thuốc sau có thể làm tăng tác dụng hạ glucose huyết của sulfonylure bao gồm cả SAVIPIRIDE 4, tăng tính nhạy cảm và/hoặc cường độ tụt glucose huyết: Thuốc chống đái tháo đường đường uống, pramlintid acetat, insulin, thuốc ức chế enzym chuyển angiotensin (Angiotensin Converting Enzyme inhibitor: ACE), thuốc đối kháng thụ thể H2, fibrat, propoxyphen, pentoxifyllin, các chất tương tự somatostatin, các steroid đồng hóa và androgen, cyclophosphamid, phenyramidol, guanethidin, fluconazol, sulfinpyrazon, tetracyclin, clarithromycin, disopyramid, quinolon và các thuốc liên kết mạnh với protein huyết tương, ví dụ như fluoxetin, thuốc chống viêm không steroid (Nonsteroidal anti-inflammatory drugs: NSAID), salicylat, sulfonamid, cloramphenicol, coumarin, probenecid và thuốc ức chế MAO (Monoamine oxidase inhibitors). Khi các thuốc này được dùng cho bệnh nhân đang dùng glimepirid, cần theo dõi chặt chẽ hiện tượng tụt glucose huyết ở bệnh nhân. Khi các thuốc này được ngưng dùng ở bệnh nhân đang dùng glimepirid, cần theo dõi chặt chẽ sự kiểm soát glucose huyết ở bệnh nhân.

Các thuốc sau có thể làm giảm tác dụng hạ glucose huyết của sulfonylure bao gồm cả SAVIPIRIDE 4, dẫn đến không kiểm soát được đường huyết: Danazol, glucagon, somatropin, thuốc ức chế protease, thuốc chống loạn thần không điển hình (ví dụ olanzapin và clozapin), barbiturat, diazoxyd, thuốc nhuận tràng, rifampin, thuốc lợi tiểu thiazid và các thuốc lợi tiểu khác, corticosteroid, phenothiazin, hormon tuyến giáp, estrogen, thuốc tránh thai đường uống, phenytoin, acid nicotinic, thuốc tác dụng giống giao cảm (ví dụ epinephrin, albuterol, terbutalin) và isoniazid. Khi các thuốc này được dùng cho bệnh nhân đang dùng glimepirid, cần theo dõi chặt chẽ bệnh nhân để kiểm soát đường huyết xấu đi. Khi ngưng dùng các thuốc này ở bệnh nhân đang dùng glimepirid, cần theo dõi chặt chẽ hiện tượng tụt glucose huyết ở bệnh nhân.

Các thuốc chẹn β, clonidin và reserpin có thể làm tăng hoặc giảm tác dụng hạ glucose huyết của glimepirid.

Uống rượu có thể làm tăng hoặc giảm tác dụng hạ glucose của glimepirid.

Các dấu hiệu tụt glucose huyết có thể giảm hoặc không xuất hiện ở những bệnh nhân dùng thuốc giao cảm như thuốc chẹn β, clonidin, guanethidin và reserpin.

Miconazol

Tương tác giữa miconazol dùng đường uống và các thuốc nhóm sulfonylure dẫn đến tụt glucose huyết nặng đã được báo cáo. Chưa rõ tương tác này có xảy ra với các dạng bào chế khác của miconazol hay không.

Cytochrom P450 2C9 (CYP2C9)

Có thể có tương tác giữa glimepirid với các thuốc ức chế (ví dụ fluconazol) và thuốc cảm ứng (ví dụ rifampin) CYP2C9. Fluconazol có thể ức chế chuyển hóa của glimepirid gây tăng nồng độ glimepirid trong huyết tương. Điều này có thể dẫn đến tụt glucose huyết. Rifampin có thể cảm ứng chuyển hóa của glimepirid làm giảm nồng độ glimepirid trong huyết tương, nên có thể dẫn đến việc kiểm soát glucose huyết xấu đi.

Sử dụng đồng thời với colesevelam

Colesevelam có thể làm giảm nồng độ tối đa trong huyết tương (Cmax) và tác dụng của glimepirid khi sử dụng đồng thời. Tuy nhiên, sự hấp thu glimepirid không giảm khi dùng glimepirid trước thời điểm dùng colesevelam 4 giờ. Do đó, SAVIPIRIDE 4 nên được dùng trước khi dùng colesevelam ít nhất 4 giờ.

Tương kỵ của thuốc

Do không có các nghiên cứu về tính tương kỵ của thuốc, không trộn lẫn thuốc này với các thuốc khác.

TÁC DỤNG KHÔNG MONG MUỐN CỦA THUỐC (ADR)

Các tác dụng không mong muốn nghiêm trọng là tụt glucose huyết và thiếu máu tán huyết.

Trong các thử nghiệm lâm sàng, các tác dụng không mong muốn thường gặp nhất của glimepirid là tụt glucose huyết, chóng mặt, suy nhược, đau đầu và buồn nôn.

Thông báo cho bác sĩ ngay nếu gặp bất kỳ tác dụng phụ nào sau đây:

Phản ứng dị ứng (bao gồm viêm các mạch máu, phát ban da) có thể phát triển thành phản ứng nghiêm trọng như khó thở, hạ huyết áp và đôi khi bị sốc.

Chức năng gan bất thường bao gồm vàng da và vàng mắt, ứ mật (cholestasis), viêm gan hoặc suy gan.

Hạ glucose huyết nghiêm trọng bao gồm mất ý thức, động kinh hoặc hôn mê.

Tóm tắt các ADR:

Các tác dụng không mong muốn ghi nhận trong thử nghiệm lâm sàng và kinh nghiệm điều trị với glimepirid và sulfonylure được liệt kê theo hệ cơ quan và tần suất gặp. Các tần suất được xác định là rất thường gặp (ADR ≥ 1/10), thường gặp (1/100 ≤ ADR < 1/10), ít gặp (1/1.000 ≤ ADR < 1/100), hiếm gặp (1/10.000 ≤ ADR < 1/1.000), rất hiếm gặp ( < 1/10.000) và chưa rõ tần suất.

 Hướng dẫn cách xử lý ADR

Nếu xảy ra các ADR nghiêm trọng, ngưng dùng thuốc và áp dụng các biện pháp điều trị thích hợp.

QUÁ LIỀU VÀ CÁCH XỬ TRÍ

Quá liều glimepirid, giống như các sulfonylure khác, có thể gây tụt glucose huyết nghiêm trọng. Tụt glucose huyết nhẹ có thể được điều trị bằng cách uống glucose (đường). Tụt glucose huyết nặng cần điều trị y tế ngay lập tức. Tụt glucose huyết nặng với tình trạng hôn mê, co giật hoặc suy giảm thần kinh có thể được điều trị bằng glucagon hoặc glucose truyền tĩnh mạch. Tiếp tục theo dõi và bổ sung carbohydrat có thể cần thiết vì tụt glucose huyết có thể tái phát sau khi phục hồi lâm sàng.

DƯỢC LỰC HỌC

Nhóm dược lý: Thuốc chống đái tháo đường, dẫn chất sulfonylure.

Mã ATC: A10BB12

Glimepirid chủ yếu làm giảm glucose trong máu bằng cách kích thích giải phóng insulin từ các tế bào beta tuyến tụy. Sulfonylure liên kết với thụ thể sulfonylurea trên màng tế bào beta tuyến tụy, dẫn đến đóng kênh kali nhạy cảm ATP, qua đó kích thích giải phóng insulin.

DƯỢC ĐỘNG HỌC

Hấp thu

Các nghiên cứu với liều đơn glimepirid, đường uống ở những người khỏe mạnh và với đa liều, đường uống ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 cho thấy nồng độ đỉnh trong huyết tương của thuốc (Cmax) đạt được sau 2 - 3 giờ. Khi dùng glimepirid với thức ăn, giá trị trung bình của Cmax và diện tích dưới đường cong (Area under the curve: AUC) giảm tương ứng 8% và 9%.

Glimepirid không tích lũy trong huyết thanh sau khi dùng nhiều liều. Dược động học của glimepirid không thay đổi giữa người khỏe mạnh và bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường type 2. Độ thanh thải của glimepirid sau khi uống không thay đổi trong khoảng liều từ 1 mg đến 8 mg. Điều này cho thấy dược động học có tính tuyến tính.

Ở người khỏe mạnh, các biến số nội sinh và liên cá nhân của các thông số dược động học glimepirid lần lượt là 15–23% và 24–29%.

Phân bố

Sau khi tiêm tĩnh mạch ở người khỏe mạnh, thể tích phân bố là 8,8 l (113 ml/kg) và độ thanh thải là 47,8 ml/phút. Liên kết với protein huyết tương hơn 99,5%.

Chuyển hóa

Glimepirid được chuyển hóa hoàn toàn bởi quá trình oxy hóa sinh học sau liều tiêm tĩnh mạch hoặc uống. Các chất chuyển hóa chính là dẫn xuất methyl cyclohexyl hydroxy (M1) và dẫn xuất carboxyl (M2). CYP2C9 có liên quan đến quá trình chuyển hóa của glimepirid thành M1. M1 tiếp tục được chuyển hóa thành M2 bởi một hoặc một số enzym cytosolic. M2 không có hoạt tính. Ở động vật, M1 có hoạt tính dược lý bằng 1/3 hoạt tính dược lý của glimepirid, nhưng không rõ M1 có ảnh hưởng đến glucose huyết ở người hay không.

Thải trừ

Khi cho 3 đối tượng nam khỏe mạnh uống 14C-glimepirid, khoảng 60% tổng số phóng xạ được thu hồi trong nước tiểu trong 7 ngày. M1 và M2 chiếm 80 – 90% phóng xạ được thu hồi trong nước tiểu. Tỷ lệ M1 và M2 trong nước tiểu là khoảng 3:2 ở 2 người nam và 4:1 ở một người nam. Khoảng 40% tổng số phóng xạ được thu hồi trong phân. M1 và M2 chiếm khoảng 70% (tỷ lệ M1 và M2 là 1:3) phóng xạ thu hồi được trong phân. Không có thuốc chưa chuyển hóa được thu hồi từ nước tiểu hoặc phân. Sau khi tiêm tĩnh mạch ở bệnh nhân, không có sự bài tiết mật đáng kể của glimepirid hoặc chất chuyển hóa M1.

Dược động học ở nhóm người đặc biệt 

Người cao tuổi

So sánh dược động học của glimepirid ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 ≤ 65 tuổi và bệnh nhân đái tháo đường type 2 > 65 tuổi được đánh giá trong một nghiên cứu đa liều dùng glimepirid 6 mg mỗi ngày. Kết quả nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt đáng kể trong dược động học của glimepirid giữa hai nhóm tuổi trên. AUC trung bình ở trạng thái ổn định ở bệnh nhân cao tuổi thấp hơn khoảng 13% so với bệnh nhân trẻ; độ thanh thải điều chỉnh theo cân nặng trung bình ở bệnh nhân cao tuổi cao hơn khoảng 11% so với bệnh nhân trẻ.

Giới tính

Dược động học của glimepirid không có sự khác biệt giữa nam và nữ.

Chủng tộc

Không có nghiên cứu nào được tiến hành để đánh giá ảnh hưởng của chủng tộc đối với dược động học của glimepirid nhưng trong thử nghiệm đối chứng giả dược glimepirid ở bệnh nhân đái tháo đường type 2, có sự giảm HbA1C ở người da trắng (n = 536), người da đen (n = 63) và người Mỹ La Tinh (n = 63).

Suy thận

Một liều duy nhất 3 mg glimepirid được dùng cho bệnh nhân suy thận nhẹ, trung bình và nặng xếp loại theo độ thanh thải creatinin (Clcr): Nhóm I gồm 5 bệnh nhân suy thận nhẹ (Clcr > 50 ml/phút), Nhóm II gồm 3 bệnh nhân suy thận trung bình (Clcr = 20 - 50 ml/phút) và Nhóm III gồm 7 bệnh nhân suy thận nặng (Clcr < 20 ml/phút). Mặc dù nồng độ glimepirid trong huyết tương giảm theo sự giảm chức năng thận, Nhóm III có AUC của M1 tăng 2,3 lần và AUC của M2 tăng 8,6 lần so với AUC trung bình tương ứng trong Nhóm I. Thời gian bán thải của glimepirid không thay đổi, trong khi thời gian bán thải của M1 và M2 tăng khi chức năng thận giảm. Sự bài tiết qua nước tiểu của M1 và M2 giảm xuống 44,4% đối với nhóm I, 21,9% đối với nhóm II và 9,3% đối với nhóm III.

Suy gan

Không biết suy gan có ảnh hưởng đến dược động học của glimepirid hay không vì dược động học của glimepirid chưa được đánh giá đầy đủ ở bệnh nhân suy gan.

Bệnh nhân béo phì

Dược động học của glimepirid và các chất chuyển hóa của glimepirid được đo trong một nghiên cứu đơn liều ở 28 bệnh nhân bệnh đái tháo đường type 2 có trọng lượng cơ thể bình thường hoặc béo phì. Tmax, độ thanh thải và thể tích phân bố của glimepirid ở bệnh nhân béo phì tương tự như ở nhóm cân nặng bình thường. Bệnh nhân béo phì có Cmax và AUC thấp hơn so với bệnh nhân cân nặng bình thường. Giá trị trung bình của Cmax, AUC0–24, AUC0–∞ của glimepirid ở bệnh nhân cân nặng bình thường so với bệnh nhân béo phì tương ứng là 547 ± 218 ng/ml so với 410 ± 124 ng/ml, 3210 ± 1030 giờ.ng/ml so với 2820 ± 1110 giờ.ng/mL và 4000 ± 1320 giờ.ng/ml so với 3280 ± 1360 giờ.ng/mL.

Tương tác thuốc

Aspirin: Trong một nghiên cứu ngẫu nhiên, mù đôi, hai giai đoạn, chéo, người khỏe mạnh được cho dùng giả dược hoặc aspirin 1 g ba lần mỗi ngày trong tổng thời gian điều trị 5 ngày. Vào ngày thứ 4 của mỗi giai đoạn nghiên cứu, một liều duy nhất 1 mg glimepirid được dùng. Sử dụng đồng thời aspirin với glimepirid làm giảm 34% AUC và giảm 4% Cmax của glimepirid.

Colesevelam: Dùng đồng thời colesevelam và glimepirid làm giảm AUC0–∞ và Cmax của glimepirid lần lượt là 18% và 8%. Khi glimepirid được dùng 4 giờ trước thời điểm dùng colesevelam, không có sự thay đổi đáng kể AUC0–∞ hoặc Cmax của glimepirid, -6% và 3% tương ứng.

Cimetidin và ranitidin: Trong một nghiên cứu ngẫu nhiên, mở, 3 chiều chéo, người khỏe mạnh được dùng hoặc đơn liều 4 mg glimepirid hoặc glimepirid với ranitidin (150 mg hai lần mỗi ngày trong 4 ngày; 4 mg glimepirid được dùng vào ngày thứ 3) hoặc glimepirid với cimetidin (800 mg mỗi ngày trong 4 ngày; 4 mg glimepirid được dùng vào ngày thứ 3). Dùng đồng thời cimetidin hoặc ranitidin với liều duy nhất 4 mg glimepirid không làm thay đổi đáng kể sự hấp thu và phân bố của glimepirid.

Propranolol: Trong một nghiên cứu ngẫu nhiên, mù đôi, hai giai đoạn, chéo, các đối tượng khỏe mạnh được cho dùng giả dược hoặc propranolol 40 mg ba lần mỗi ngày trong tổng thời gian điều trị 5 ngày. Vào ngày thứ 4, một liều duy nhất 2 mg glimepirid được dùng. Sử dụng đồng thời propranolol và glimepirid làm tăng đáng kể Cmax, AUC và T1/2 của glimepirid lần lượt là 23%, 22% và 15% và giảm CL/f của glimepirid khoảng 18%. Sự thu hồi M1 và M2 từ nước tiểu không thay đổi.

Warfarin: Trong một nghiên cứu mở, hai chiều, chéo, các đối tượng khỏe mạnh nhận được 4 mg glimepirid mỗi ngày trong 10 ngày. Liều duy nhất 25 mg warfarin được dùng trước khi dùng glimepirid trong 6 ngày và được dùng thêm vào ngày thứ 4. Việc dùng đồng thời glimepirid không làm thay đổi dược động học của các đồng phân R-warfarin và S-warfarin. Không có thay đổi nào được quan sát thấy trong liên kết giữa warfarin với protein huyết tương. Glimepirid làm giảm đáng kể về mặt thống kê đáp ứng dược lực học của warfarin. Giảm diện tích trung bình dưới đường cong thời gian prothrombin (PT) và giá trị PT tối đa trong quá trình điều trị với glimepirid lần lượt là 3,3%, 9,9% và có thể không liên quan đến mặt lâm sàng.

QUY CÁCH ĐÓNG GÓI

Hộp 03 vỉ × 10 viên

ĐIỀU KIỆN BẢO QUẢN

Nơi khô, nhiệt độ không quá 30°C. Tránh ánh sáng.

HẠN DÙNG

36 tháng kể từ ngày sản xuất.

TIÊU CHUẨN CHẤT LƯỢNG

Tiêu chuẩn USP. 

SẢN XUẤT TẠI CÔNG TY CỔ PHẦN DƯỢC PHẨM SAVI 
(SaViPharm J.S.C) 

Lô Z.01-02-03a Khu Công nghiệp trong Khu Chế xuất Tân Thuận, phường Tân Thuận Đông, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh.

Điện thoại: (84.28) 37700142-143-144.

Fax: (84.28) 37700145.