TỜ HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG THUỐC
RxSAVISPIRONO-PLUS
Để xa tầm tay trẻ em
Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng
Thuốc này chỉ dùng theo đơn thuốc
THÀNH PHẦN CÔNG THỨC THUỐC
(Cho 1 viên nén bao phim SaViSpirono-Plus)
Thành phần dược chất:
Spironolactone ...........................50 mg
Furosemide...................................20 mg
Thành phần tá dược:
Maize starch, lactose monohydrate, croscarmellose sodium, povidone K30, polysorbate 80, magnesium stearate, colloidal silicon dioxide, hypromellose 606, polyethylene glycol 6000, talc, titanium dioxide, ponceau 4R lake.
DẠNG BÀO CHẾ
Viên nén bao phim.
MÔ TẢ SẢN PHẨM
Viên nén tròn, bao phim màu hồng sáng, hai mặt khum trơn, cạnh và thành viên lành lặn.
CHỈ ĐỊNH
SaViSpirono-Plus có chứa thành phần lợi tiểu tác dụng trong thời gian ngắn và chất đối vận aldosterone tác dụng trong thời gian dài. Thuốc được chỉ định trong điều trị phù có liên quan đến tình trạng tăng tiết aldosterone thứ cấp, suy tim sung huyết và xơ gan.
Thuốc này nên sử dụng trong trường hợp việc điều trị bằng thuốc lợi tiểu đơn độc với liều quy ước không có hiệu quả.
SaViSpirono-Plus có chứa kết hợp hai dược chất với tỷ lệ liều cố định, chỉ nên dùng khi sự xác định liều từ các chế phẩm đơn thành phần cho thấy thuốc này là phù hợp cho bệnh nhân.
Việc dùng SaViSpirono-Plus để kiểm soát tình trạng tăng huyết áp vô căn nên được hạn chế trên những bệnh nhân được chứng minh là do tăng tiết aldosterone. Cũng khuyến cáo rằng ở những bệnh nhân này, chỉ nên dùng thuốc khi sự xác định liều từ các chế phẩm đơn thành phần cho thấy thuốc này là phù hợp cho bệnh nhân.
LIỀU DÙNG, CÁCH DÙNG
Liều dùng
Người lớn: 1 - 4 viên/ngày.
Trẻ em: Thuốc này không phù hợp dùng cho trẻ em.
Người cao tuổi: Cả furosemide và spironolactone có thể được bài xuất chậm hơn ở người cao tuổi.
Cách dùng
Dùng đường uống. Nuốt nguyên viên thuốc cùng với nước, tốt nhất là uống thuốc vào bữa sáng và/hoặc bữa trưa cùng với nhiều nước (khoảng 1 cốc). Không khuyến cáo dùng thuốc vào buổi tối, đặc biệt là trong giai đoạn đầu điều trị do có thể làm tăng tiểu đêm.
Nếu quên dùng thuốc
Uống ngay khi nhớ ra và uống liều tiếp theo như bình thường. Không uống gấp đôi liều để bù cho liều đã quên.
CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Bệnh nhân giảm thể tích tuần hoàn hoặc mất nước (kèm/không kèm hạ huyết áp).
Bệnh nhân suy giảm chức năng thận với Clcr < 30 ml/phút/1,73 m2, vô niệu hoặc suy thận kèm theo vô niệu không đáp ứng với furosemide, suy thận do ngộ độc gây ra bởi các tác nhân gây độc thận hoặc độc gan hoặc suy thận liên quan đến hôn mê gan, tăng potassium huyết, hạ potassium huyết nặng, hạ sodium huyết nặng, bệnh Addison, phụ nữ có thai và phụ nữ đang cho con bú.
Quá mẫn với furosemide, spironolactone, sulphonamide hay dẫn xuất của sulphonamide hoặc bất kỳ thành phần nào khác của thuốc.
CẢNH BÁO VÀ THẬN TRỌNG KHI DÙNG THUỐC
Spironolactone có thể gây biến đổi giọng nói. Khi đưa ra quyết định điều trị bằng thuốc này, cần đặc biệt chú ý đến khả năng này ở những bệnh nhân mà giọng nói rất quan trọng đối với công việc (như diễn viên, ca sĩ, giáo viên).
Phải đảm bảo lượng nước tiểu xuất ra. Bệnh nhân tắc một phần dòng nước tiểu (như bệnh nhân phì đại tiền liệt tuyến hoặc tiểu rắt) có nguy cơ cao tiến triển bí tiểu cấp tính và cần được theo dõi cẩn thận.
Khi được chỉ định, các bước sau cần được tiến hành để khắc phục tình trạng tụt huyết áp và giảm thể tích tuần hoàn trước khi bắt đầu dùng thuốc:
Theo dõi rất cẩn thận khi bệnh nhân có tình trạng sau:
Hạ huyết áp
Có nguy cơ hạ huyết áp rõ ràng
Có thể có biểu hiện đái tháo đường hoặc nhu cầu insulin của bệnh nhân đái tháo đường có thể tăng lên.
Gout
Xơ gan kèm theo suy thận
Giảm protein máu (như liên quan đến hội chứng thận hư: Tác dụng của furosemide có thể bị yếu đi và tiềm ẩn nguy cơ gây độc thính giác). Cần thận trọng khi định liều cho những bệnh nhân này.
Hạ huyết áp có triệu chứng dẫn đến hoa mắt, mệt mỏi hoặc mất tập trung có thể xảy ra ở bệnh nhân được điều trị bằng furosemide, đặc biệt là bệnh nhân cao tuổi, bệnh nhân đang dùng các thuốc khác có thể gây hạ huyết áp và bệnh nhân đang có tình trạng bệnh lý là nguy cơ gây hạ huyết áp.
Không dùng SaViSpirono-Plus cho bệnh nhân tăng potassium huyết tương. Không khuyến cáo dùng đồng thời với triamterene, amiloride, chế phẩm bổ sung potassium hoặc thuốc chống viêm không steroid do có thể gây tăng potassium huyết.
Cần thận trọng đối với bệnh nhân có thể bị thiếu điện giải. Cần theo dõi thường xuyên nồng độ potassium, sodium, creatinine và glucose huyết tương khi dùng thuốc này, cần đặc biệt theo dõi cẩn thận bệnh nhân có nguy cơ cao tiến triển mất cân bằng điện giải hoặc bệnh nhân có kèm theo mất thể tích tuần hoàn nặng. Tình trạng giảm thể tích tuần hoàn hoặc mất nước cũng như rối loạn điện giải và acid-base phải được điều trị. Tình trạng này có thể cần phải ngừng dùng SaViSpirono-Plus tạm thời.
Cần thường xuyên theo dõi nồng độ potassium huyết tương ở bệnh nhân suy giảm chức năng thận và Clcr < 60 ml/phút/1,73 m2 cũng như những bệnh nhân dùng kèm các thuốc khác cũng có thể dẫn đến làm tăng nồng độ potassium huyết.
Ở bệnh nhân ung thư tiền liệt tuyến di căn, đã quan sát thấy sự tiến triển của khối u trong quá trình điều trị bằng spironolactone. Spironolactone liên kết với receptor của androgen và có thể làm tăng giá trị kháng thể kháng tuyến tiền liệt (PSA: Prostate-specific antigen).
Ở bệnh nhân có nguy cơ cao mắc bệnh lý cầu thận do phóng xạ, nhằm phòng ngừa tình trạng này, không khuyến cáo dùng furosemide để gây lợi tiểu.
Dùng đồng thời spironolactone và các thuốc được biết là làm tăng potassium huyết có thể gây tăng potassium huyết nặng.
Dùng đồng thời với risperidone
Trong các thử nghiệm có đối chứng với giả dược ở bệnh nhân cao tuổi bị mất trí nhớ, quan sát thấy bệnh nhân được điều trị bằng furosemide kết hợp với risperidone có tỷ lệ tử vong cao hơn (7,3%, tuổi trung bình là 89, trong khoảng 75-97 tuổi) so với nhóm bệnh nhân được dùng risperidone đơn độc (3,1%; tuổi trung bình là 84, trong khoảng 70-96 tuổi) hoặc dùng furosemide đơn độc (4,1%; tuổi trung bình là 80, trong khoảng 67-90 tuổi). Dùng đồng thời risperidone với các thuốc lợi tiểu khác (chủ yếu là thuốc lợi tiểu thiazide liều thấp) không gây ra kết quả tương tự.
Chưa xác định được cơ chế bệnh lý để giải thích cho kết quả này và không có sự nhất quán về nguyên nhân gây tử vong quan sát được. Tuy nhiên, cần thận trọng và cân nhắc lợi ích, nguy cơ của việc dùng kết hợp thuốc này với risperidone và với các thuốc gây lợi tiểu mạnh khác trước khi chỉ định cho bệnh nhân. Không có sự tăng tỷ lệ tử vong ở nhóm bệnh nhân dùng các thuốc lợi tiểu khác khi kết hợp với risperidone. Sự mất nước là một yếu tố nguy cơ chung gây tử vong và do đó cần tránh để xảy ra tình trạng này ở bệnh nhân cao tuổi.
Có nguy cơ gây nặng hơn hoặc hoạt hóa tình trạng lupus ban đỏ hệ thống.
SaViSpirono-Plus có chứa tá dược lactose monohydrate. Bệnh nhân mắc bệnh di truyền hiếm gặp không dung nạp glucose, thiếu hụt Lapp lactase hoặc kém hấp thu glucose-galactose không nên dùng thuốc này.
SaViSpirono-Plus có chứa tá dược ponceau 4R lake có thể gây phản ứng dị ứng.
SỬ DỤNG THUỐC CHO PHỤ NỮ CÓ THAI VÀ CHO CON BÚ
Phụ nữ có thai
Nhìn chung, kết quả nghiên cứu trên động vật cho thấy không có ảnh hưởng gây hại nào của furosemide trên phụ nữ có thai. Có bằng chứng lâm sàng về tính an toàn của thuốc trong 3 tháng cuối thai kỳ, tuy nhiên furosemide có thể qua được hàng rào nhau thai.
Spironolactone và các chất chuyển hóa của nó có thể qua được hàng rào nhau thai. Các nghiên cứu trên động vật cho thấy có tình trạng nữ hóa bộ phận sinh dục ở con đực. Ảnh hưởng kháng androgen đã được báo cáo ở người với nguy cơ xảy ra tình trạng cơ quan sinh dục ngoài lưỡng tính ở trẻ sơ sinh nam.
Không dùng SaViSpirono-Plus cho phụ nữ có thai trừ khi thực sự cần thiết. Khi dùng thuốc này cho phụ nữ có thai, cần theo dõi sự phát triển của thai nhi.
Phụ nữ cho con bú
Furosemide có thể được tiết vào sữa và có thể gây ức chế sự tiết sữa. Canerone (chất chuyển hóa của spironolactone) có mặt trong sữa mẹ, do đó không dùng thuốc này cho phụ nữ đang cho con bú.
ẢNH HƯỞNG CỦA THUỐC LÊN KHẢ NĂNG LÁI XE, VẬN HÀNH MÁY MÓC
Sự suy giảm nhận thức có thể dẫn đến giảm khả năng lái xe hoặc vận hành máy móc. Điều này đặc biệt áp dụng khi bắt đầu điều trị.
TƯƠNG TÁC, TƯƠNG KỴ CỦA THUỐC
Tương tác của thuốc
Thức ăn
Sự hấp thu spironolactone tăng lên khi dùng thuốc này cùng với thức ăn. Mối liên quan trên lâm sàng của tương tác này chưa được biết.
Glycosid tim, thuốc lợi tiểu, thuốc chống tăng huyết áp hoặc các thuốc gây hạ huyết áp
Khi dùng đồng thời với SaViSpirono-Plus, có thể cần hiệu chỉnh liều đang dùng của glycosid tim, thuốc lợi tiểu, thuốc chống tăng huyết áp hoặc các thuốc gây hạ huyết áp do dự đoán huyết áp giảm nhiều hơn. Có thể quan sát thấy sự giảm huyết áp mạnh và chức năng thận trở nên xấu đi khi dùng thêm thuốc ức chế enzyme chuyển (ACEI: Angiotensin converted enzyme inhibitors) hoặc thuốc kháng thụ thể angiotensin II (ARB: Angiotensin II receptor antagonists) được bổ sung vào liệu pháp furosemide hoặc khi tăng liều các thuốc này. Nên giảm liều trong ít nhất 3 ngày hoặc ngừng SaViSpirono-Plus trước khi bắt đầu dùng ACEI, ARB hoặc khi tăng liều các thuốc này.
Potassium
Khi dùng đồng thời SaViSpirono-Plus với muối potassium, thuốc làm giảm thải trừ potassium, thuốc chống viêm không steroid hoặc ACEI, nồng độ potassium huyết tương có thể tăng và có thể xảy ra tăng potassium huyết.
Furosemide
Ảnh hưởng gây độc tính thận của thuốc có thể tăng lên khi dùng đồng thời với thuốc lợi tiểu mạnh như furosemide.
Sucralfate
SaViSpiron-Plus và sucralfate phải được dùng cách nhau ít nhất 2 giờ do sucralfate làm giảm hấp thu furosemide ở ruột và do đó làm giảm hiệu quả.
Lithium
Giống như các thuốc lợi tiểu khác, nồng độ lithium trong huyết tương có thể tăng khi dùng đồng thời với SaViSpirono-Plus, dẫn đến tăng độc tính do lithium, bao gồm tăng nguy cơ gây độc tim và độc thận của lithium. Do đó, khi dùng đồng thời thuốc này với lithium, khuyến cáo theo dõi cẩn thận nồng độ lithium và cần điều chỉnh liều lithium nếu cần thiết.
Risperidone
Cần thận trọng và cân nhắc lợi ích, nguy cơ của việc dùng đồng thời furosemide với các thuốc lợi tiểu mạnh khác trước khi chỉ định cho bệnh nhân. Về vấn đề tăng tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân cao tuổi mất trí nhớ khi dùng đồng thời SaViSpirono-Plus với risperidone, xem phần Cảnh báo và thận trọng khi dùng thuốc.
Levothyroxin
Liều cao furosemide có thể gây ức chế sự liên kết hormone tuyến giáp với protein vận chuyển và do đó dẫn đến sự tăng thoáng qua hormone tuyến giáp tự do và tiếp đó là sự giảm chung nồng độ hormone tuyến giáp toàn phần. Cần theo dõi nồng độ hormone tuyến giáp.
NSAID
Một số NSAID (như indometacine, acetylsalicylic acid) có thể làm giảm hoạt động của SaViSpirono-Plus và có thể gây suy thận cấp nếu trước đó bệnh nhân có giảm thể tích tuần hoàn hoặc mất nước.
Tình trạng ngộ độc salicylic acid có thể tăng lên bởi SaViSpirono-Plus. SaViSpirono-Plus đôi khi có thể làm giảm tác dụng của các thuốc khác (như hiệu quả của thuốc điều trị đái tháo đường và các amine co mạch) và đôi khi làm tăng hiệu quả của thuốc khác (như hiệu quả của salycilate, theophylline và thuốc giãn cơ curare).
Aminoglycoside và các thuốc gây độc thính giác
SaViSpirono-Plus có thể làm tăng thêm độc tính thính giác khi dùng cùng với aminoglycoside và các thuốc gây độc thính giác khác. Do có thể dẫn đến tổn thương không hồi phục, chỉ dùng đồng thời các thuốc này với SaViSpirono-Plus nếu thực sự cần thiết.
Cisplatin
Khi dùng đồng thời cisplatin và furosemide, có nguy cơ gây độc thính giác. Ngoài ra, độc thận gây ra bởi cisplatin có thể tăng lên nếu furosemide không được dùng ở liều thấp (như 40 mg ở bệnh nhân có chức năng thận bình thường) và mất cân bằng dịch khi được sử dụng để gây lợi tiểu cưỡng bức cho bệnh nhân đang được điều trị bằng cisplatin.
Digoxin
Spironolactone có thể làm tăng nồng độ digoxin. Một số tình trạng rối loạn điện giải (như hạ potassium huyết, hạ magnesium máu) có thể làm tăng độc tính của các thuốc khác (như chế phẩm digitalis và các thuốc gây kéo dài khoảng QT).
Phenytoin
Tác dụng của SaViSpirono-Plus có thể giảm khi dùng đồng thời với phenytoin.
Carbamazepine hoặc aminoglutethimide
Dùng đồng thời thuốc này với carbamazepine hoặc aminoglutethimide có thể làm tăng nguy cơ hạ sodium huyết.
Corticosteroid
Dùng đồng thời thuốc này với corticosteroid có thể gây giữ sodium.
Corticosteroid, carbenoloxone, cam thảo, thuốc cường giao cảm tác dụng lên β2 và thuốc nhuận tràng, reboxetine, amphotericine
Cả spironolactone và carbenoloxone có thể làm giảm tác động của các thuốc khác. Về vấn đề này, cam thảo khi dùng nhiều gây ra tác động theo cách tương tự như carbenoloxone. Liều lớn corticosteroid, carbenoloxone, cam thảo, thuốc cường giao cảm tác dụng lên β2 và sử dụng thuốc nhuận tràng, reboxetine, amphotericin trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ tiến triển hạ potassium huyết.
Probenecid, methotrexate và các thuốc khác được bài tiết nhiều ở ống thận
Probenecid, methotrexate và các thuốc khác được bài tiết nhiều ở ống thận giống furosemide có thể làm giảm hiệu quả của SaViSpirono-Plus. Ngược lại, furosemide có thể làm giảm thải trừ các thuốc này. Nếu được điều trị với liều cao (đặc biệt là đối với cả furosemide và các thuốc khác), điều này có thể dẫn đến làm tăng nồng độ trong huyết tương và làm tăng nguy cơ gây ra tác dụng không mong muốn của furosemide hoặc các thuốc dùng đồng thời.
Cephalosporin
Tình trạng suy giảm chức năng thận có thể tiến triển ở bệnh nhân đang dùng đồng thời furosemide với liều cao cephalosporin.
Ciclosporin
Dùng đồng thời ciclosporin với furosemide có liên quan đến tăng nguy cơ viêm khớp do gout.
Colestyramine
Có thể xảy ra tăng potassium huyết nếu bệnh nhân nhiễm toan chuyển hóa tăng chloide máu được dùng đồng thời SaViSpirono-Plus và colestyramine.
Trimethoprim/sulfamethoxazole (co-trimoxazole)
Ngoài các sản phẩm thuốc khác được biết là gây tăng potassium huyết, dùng đồng thời trimethoprim/sulfamethoxazole (co-trimoxazole) với spironolactone có thể gây tăng potassium huyết trên lâm sàng.
Tương kỵ của thuốc
Do không có các nghiên cứu về tính tương kỵ của thuốc, không trộn lẫn thuốc này với các thuốc khác.
TÁC DỤNG KHÔNG MONG MUỐN CỦA THUỐC (ADR)
Furosemide được dung nạp tốt.
Ít gặp (1/1.000 ≤ ADR < 1/100)
Tai và ốc tai
Đã có báo cáo về các trường hợp điếc, đôi khi không hồi phục sau khi uống hoặc tiêm furosemide.
Chưa rõ tần suất
Máu và hệ lympho
Đã có báo cáo về tình trạng suy tủy – một biến chứng hiếm gặp và cần thiết phải ngừng điều trị. Ít khi xảy ra giảm tiểu cầu. Hiếm gặp tình trạng giảm bạch cầu, và trong một số trường hợp, có thể tiến triển mất bạch cầu hạt, thiếu máu bất sản hoặc thiếu máu tán huyết. Hiếm khi xảy ra bệnh bạch cầu ưa acid.
Hệ thần kinh
Có thể xảy ra dị cảm, hôn mê gan ở bệnh nhân suy tế bào gan. Chóng mặt, mệt mỏi và mất tập trung (do hạ huyết áp), đau đầu.
Thận và tiết niệu
Nồng độ calcium huyết tương có thể giảm; rất hiếm khi quan sát thấy tình trạng co cứng. Đã có báo cáo về tình trạng sỏi calcium thận/sỏi thận ở trẻ sơ sinh.
Các chế phẩm gây lợi tiểu có thể làm nặng hơn tình trạng tắc đường niệu. Do đó, tình trạng giữ nước cấp tính kèm theo các biến chứng thứ cấp có thể xảy ra ở bệnh nhân rối loạn rỗng bàng quang, phì đại tuyến tiến liệt hoặc hẹp niệu đạo.
Tai và ốc tai
Rối loạn thính giác và ù tai, mặc dù thường là thoáng qua nhưng những tình trạng này có thể xảy ra trong một số trường hợp hiếm gặp, đặc biệt là ở bệnh nhân suy thận, hạ protein máu (như hội chứng thận hư) và hoặc khi furosemide được tiêm tĩnh mạch quá nhanh.
Mạch máu
Furosemide có thể gây tụt huyết áp, có thể gây ra biểu hiện như giảm tập trung, đau đầu nhẹ, cảm giác căng trong đầu, đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, yếu, rối loạn thị giác, khô miệng, khó đứng vững.
Gan-mật
Trong trường hợp cá biệt, ứ mật trong gan và tăng transaminase gan hoặc tiến triển viêm tụy cấp.
Da và mô dưới da
Tỷ lệ xảy ra các phản ứng dị ứng (như ban da, da nhạy cảm với ánh sáng, viêm mạch, sốt hoặc viêm thận kẽ) rất thấp, nhưng khi xảy ra, cần ngừng dùng thuốc. Các phản ứng trên da và màng nhầy có thể ít khi xảy ra (như ngứa, mày đay, các tình trạng ban da khác hoặc bóng nước, hồng ban đa dạng, bệnh pemphigiod bọng nước, hội chứng Stevens-Johnson và hội chứng phát ban do thuốc (DRESS: Drug rash with eosinophilia and systemic symptoms) với tăng bạch cầu ái toan và nhiều triệu chứng toàn thân, phản ứng lichen hóa.
Chuyển hóa và dinh dưỡng
Giống như các thuốc lợi tiểu khác, cân bằng nước và điện giải có thể bị rối loạn do tác dụng lợi tiểu sau khi dùng thuốc kéo dài.
Furosemide làm tăng thải trừ sodium và chloride và dẫn đến mất nước. Ngoài ra, sự thải trừ các điện giải khác (đặc biệt là calcium và magnesium) tăng. Hai hoạt chất gây ảnh hưởng trái ngược nhau đến bài xuất potassium. Nồng độ potassium huyết tương có thể giảm, đặc biệt là khi bắt đầu điều trị (do sự khởi phát tác dụng sớm của furosemide), mặc dù được điều trị tiếp tục, nồng độ potassium có thể tăng (do sự khởi phát tác dụng muộn của spironolactone), đặc biệt là ở bệnh nhân suy thận.
Mất cân bằng điện giải và nhiễm kiềm chuyển hóa có thể tiến triển do sự mất điện giải từ từ hoặc mất điện giải nặng cấp tính (như khi dùng liều furosemide cao hơn ở bệnh nhân có chức năng thận bình thường. Các dấu hiệu cảnh báo của mất cân bằng điện giải gồm: Tăng khát nước, đau đầu, hạ huyết áp, lú lẫn, co thắt cơ, co cứng, yếu cơ, rối loạn nhịp tim và các triệu chứng ở đường tiêu hóa. Khi có loạn nhịp tim, mệt mỏi hoặc yếu cơ (như ở chân), cần xem xét đến khả năng tăng potassium huyết. Bệnh nhân bị nhiễm kiềm chuyển hóa từ trước (như xơ gan mất bù) có thể nặng hơn khi dùng furosemide. Hội chứng giả Bartter (Pseudo-Bartter syndrome) có thể xảy ra khi lạm dụng thuốc và/hoặc dùng furosemide trong thời gian dài.
Cần phải khắc phục tình trạng rối loạn điện giải (đặc biệt là nếu tình trạng này cơ biểu hiện rõ ràng).
Tác dụng lợi tiểu có thể dẫn đến hoặc góp phần gây hạ thể tích tuần hoàn và mất nước, đặc biệt là ở bệnh nhân cao tuổi. Chóng mặt hoặc chuột rút ở chân do giảm thể tích tuần hoàn, mất nước hoặc tăng potassium huyết có thể xảy ra.
Để ngăn chặn tình trạng này, bù dịch là rất quan trọng (khi nôn hoặc tiêu chảy, hoặc ra mồ hôi quá nhiều). Sự mất nước có thể dẫn đến cô đặc máu kèm theo xu hướng gây huyết khối.
Nồng độ cholesterol huyết tương và triglyceride có thể tăng lên khi dùng furosemide. Khi điều trị trong thời gian dài, chỉ số này thường sẽ trở về trạng thái bình thường trong vòng 6 tháng.
Sự dung nạp glucose có thể giảm khi dùng furosemide. Ở bệnh nhân đái tháo đường, điều này có thể làm xấu đi sự kiểm soát chuyển hóa; bệnh đái tháo đường tiềm ẩn có thể có biểu hiện ra bên ngoài.
Giống như các thuốc lợi tiểu khác, furosemide có thể dẫn đến tăng creatine máu và ure máu thoáng qua. Nồng độ acid uric huyết tương có thể tăng và có thể gây ra cơn gout cấp.
Hệ miễn dịch
Sốc phản vệ hoặc các phản ứng phản vệ nặng rất hiếm khi xảy ra.
Gây khởi phát hoặc làm nặng hơn lupus ban đỏ hệ thống.
Tiêu hóa
Các tác dụng không mong muốn như buồn nôn, mệt mỏi hoặc rối loạn dạ dày (nôn hoặc tiêu chảy) có thể xảy ra nhưng thường không nặng khiến phải ngừng thuốc.
Spironolactone được báo cáo tăng dung nạp ở đường tiêu hóa. Loét dạ dày (đôi khi kèm theo xuất huyết) hiếm khi xảy ra. Spironolactone cũng có thể gây hoa mắt, đau đầu, kích động và lú lẫn.
Sinh sản
Do có cấu trúc hóa học tương tự hormon sinh dục, spironolactone có thể khiến núm vú nhạy cảm hơn khi chạm vào. Chứng đau vú và chứng vú to có thể hồi phục phụ thuộc liều, có thể xảy ra ở cả hai giới. Ban dát sần hoặc hồng ban cũng hiếm khi được báo cáo do biểu hiện androgen nhẹ như rậm lông và kinh nguyệt không đều.
Ở nam giới, có thể giảm khả năng tình dục. Tiến triển của ung thư tuyến tiền liệt di căn.
Nếu dùng furosemide cho trẻ sinh non trong những tuần tuổi đầu tiên, nguy cơ còn mở ống động mạch tăng lên.
Hô hấp, lồng ngực và trung thất
Spironolactone hiếm khi gây thay đổi về giọng nói khiến bệnh nhân khàn tiếng ở phụ nữ và trầm tiếng ở nam giới. Ở một số bệnh nhân, những thay đổi về giọng nói này vẫn còn dai dẳng ngay cả khi ngừng dùng thuốc.
Hướng dẫn cách xử trí ADR
Spironolactone
Giảm sodium huyết thường biểu hiện: Khô miệng, khát nước, mệt mỏi, buồn ngủ.
Ðiều này phải được xem xét thận trọng, đặc biệt khi dùng phối hợp với các loại thuốc lợi tiểu khác. Cần phải điều chỉnh liều lượng và kiểm tra định kỳ điện giải đồ.
Furosemide
Dấu hiệu mất cân bằng điện giải bao gồm đau đầu, tụt huyết áp và chuột rút, hay xảy ra khi dùng liều cao, kéo dài, cần kiểm tra thường xuyên điện giải đồ. Việc bổ sung potassium hoặc dùng kèm với thuốc lợi tiểu giữ potassium có thể được chỉ định cho người bệnh có nguy cơ cao phát triển hạ potassium huyết.
Việc sử dụng thuốc lợi tiểu mạnh như furosemide có thể gây ra thiếu máu cục bộ ở não. Vì vậy không dùng để điều trị tăng huyết áp cho người cao tuổi.
QUÁ LIỀU VÀ CÁCH XỬ TRÍ
Biểu hiện lâm sàng của quá liều cấp tính và mạn tính phụ thuộc chủ yếu vào mức độ và hậu quả của việc mất nước và điện giải như giảm thể tích tuần hoàn, mất nước, cô đặc máu, loạn nhịp tim do lợi tiểu quá mức. Biểu hiện của những rối loạn này gồm hạ huyết áp nặng (tiến triển thành sốc), suy thận cấp, huyết khối, mê sảng, liệt phần mềm, thờ ơ và lú lẫn.
Việc điều trị nên nhằm vào bù dịch và khắc phục sự mất cân bằng điện giải. Cùng với việc ngăn ngừa và điều trị biến chứng từ sự mất cân bằng này và của những ảnh hưởng khác trên cơ thể (như tăng potassium huyết), có thể cần đến điều trị thông thường, điều trị chuyên khoa và đo kết quả điều trị (như làm tăng thải trừ potassium).
Chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho quá liều furosemide. Nếu bệnh nhân vừa mới uống quá liều, cố gắng làm hạn chế sự hấp thu thuốc vào tuần hoàn chung bằng cách rửa dạ dày hoặc dùng các biện pháp nhằm làm giảm sự hấp thu (như dùng than hoạt tính).
DƯỢC LỰC HỌC
Nhóm dược lý: Thuốc lợi tiểu
Mã ATC: C03EB01
Spironolactone + Furosemide
Sản phẩm thuốc là sự kết hợp các thuốc lợi tiểu gồm một thuốc lợi tiểu quai furosemide và một thuốc lợi tiểu giữ potassium là spironolactone. Spironolactone và furosemide có các cơ chế khác nhau, nhưng bổ sung tác động cho nhau. Do vậy, khi dùng chung, chúng có tác dụng hiệp lực trong lợi tiểu. Thành phần furosemide ức chế hệ thống đồng vận chuyển Na+/K+/2Cl- ở đoạn dày của nhánh lên quai Henle và ngăn chặn sự tái hấp thu ion sodium, potassium và chloride; do đó làm tăng số lượng potassium và khối lượng nước bài tiết trong nước tiểu. Điều đặc trưng này là gây ra sự mất potassium. Thành phần spironolactone ức chế tái hấp thu sodium trong trao đổi potassium ở ống lượn xa bằng cách ức chế cạnh tranh với aldosterone với kết quả làm tăng bài tiết sodium và nước và làm giảm bài tiết các ion potassium và magnesium gây ra do furosemide.
Spironolactone
Spironolactone là chất đối kháng mineralocorticoid, tác dụng qua việc ức chế cạnh tranh với aldosterone và các mineralocorticoid khác với kết quả là tăng bài tiết sodium và nước. Spironolactone làm giảm bài tiết các ion potassium, amonium (NH4+) và H+. Cả tác dụng lợi tiểu và chống tăng huyết áp đều qua cơ chế đó. Spironolactone bắt đầu tác dụng tương đối chậm, cần phải 2 hoặc 3 ngày mới đạt tác dụng tối đa và thuốc giảm tác dụng chậm trong 2 - 3 ngày khi ngừng thuốc. Vì vậy không dùng spironolactone khi cần gây bài niệu nhanh.
Spironolactone và các chất chuyển hóa chính của nó (7 alpha - thiomethyl - spironolactone và canrenone) đều có tác dụng kháng mineralocorticoid.
Spironolactone làm giảm cả huyết áp tâm thu và tâm trương nên liều dùng cần thiết được điều chỉnh theo đáp ứng điều trị. Sironolactone không gây tăng acid uric huyết hoặc tăng glucose huyết, như đã xảy ra khi dùng thuốc lợi tiểu thiazide liều cao.
Furosemide
Furosemide là thuốc lợi tiểu dẫn chất sulfonamide thuộc nhóm tác dụng mạnh, nhanh, phụ thuộc liều lượng. Thuốc tác dụng ở nhánh lên của quai Henle, nên được xếp vào nhóm thuốc lợi tiểu quai. Cũng có sự tăng đào thải Ca++ và Mg++. Tác dụng lợi tiểu của thuốc mạnh, do đó kéo theo tác dụng hạ huyết áp, nhưng thường yếu. Ở người bệnh phù phổi, furosemide gây tăng thể tích tĩnh mạch, do đó làm giảm huyết áp tiền gánh cho thất trái trước khi thấy rõ tác dụng lợi tiểu.
DƯỢC ĐỘNG HỌC
Spironolactone
Spironolactone được hấp thu qua đường tiêu hóa, đạt nồng độ tối đa trong máu sau khi uống 1 giờ, nhưng vẫn còn nồng độ có thể đo được ít nhất 8 giờ sau khi uống 1 liều. Sinh khả dụng tương đối là trên 90% so với sinh khả dụng của dung dịch spironolactone trong polyethylene glycol, dạng hấp thu tốt nhất. Spironolactone và các chất chuyển hóa của nó đào thải chủ yếu qua nước tiểu, một phần qua mật.
Furosemide
Furosemide hấp thu tốt qua đường uống, tác dụng lợi tiểu xuất hiện nhanh sau 1/2 giờ, đạt nồng độ tối đa sau 1 - 2 giờ và duy trì tác dụng từ 4 - 6 giờ. Tác dụng chống tăng huyết áp kéo dài hơn. Khi tiêm tĩnh mạch, tác dụng của thuốc thể hiện sau khoảng 5 phút và kéo dài khoảng 2 giờ. Với người bệnh phù nặng, khả dụng sinh học của thuốc giảm, có thể do ảnh hưởng trực tiếp của việc giảm hấp thu đường tiêu hóa.
Sự hấp thu của furosemide có thể kéo dài và có thể giảm bởi thức ăn. Một phần ba lượng thuốc hấp thu được thải trừ qua thận, phần còn lại thải trừ qua nước tiểu, chủ yếu dưới dạng không chuyển hóa, thuốc thải trừ hoàn toàn trong 24 giờ. Furosemide qua được hàng rào nhau thai và vào trong sữa mẹ.
QUY CÁCH ĐÓNG GÓI
Hộp 2 vỉ x 10 viên.
ĐIỀU KIỆN BẢO QUẢN
Nơi khô, nhiệt độ không quá 30°C. Tránh ánh sáng.
HẠN DÙNG
36 tháng kể từ ngày sản xuất.
TIÊU CHUẨN CHẤT LƯỢNG
Tiêu chuẩn cơ sở.
SẢN XUẤT TẠI CÔNG TY CỔ PHẦN DƯỢC PHẨM SAVI
(SaViPharm J.S.C)
Lô Z.01-02-03a, Khu Công nghiệp trong Khu Chế xuất Tân Thuận, Phường Tân Thuận Đông, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh.
Điện thoại: (84.28) 37700142-143-144
Fax: (84.28) 37700145