Hướng dẫn dành cho người đang sử dụng thuốc Zibreno 5

11/07/2023

TỜ HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG THUỐC

ZIBRENO 5

Để xa tầm tay trẻ em

Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng

THÀNH PHẦN CÔNG THỨC THUỐC

(Cho 1 viên nén bao phim ZIBRENO 5)

Thành phần dược chất:

Levocetirizin dihydroclorid......................5 mg

Thành phần tá dược:

Lactose monohydrat, cellulose vi tinh thể 102, silic dioxyd keo, magnesi stearat, hydroxypropyl methylcellulose 6cps, polyethylen glycol 6000, titan dioxyd, talc.

DẠNG BÀO CHẾ

Dạng bào chế

Viên nén bao phim

Mô tả sản phẩm

Viên nén oval, bao phim màu trắng, hai mặt khum, một mặt có chữ SVP, một mặt có vạch ngang, cạnh và thành viên lành lặn.

Lưu ý: Không bẻ đôi viên thuốc theo vạch ngang trên viên.

CHỈ ĐỊNH

ZIBRENO 5 được dùng trong điều trị triệu chứng viêm mũi dị ứng (bao gồm cả viêm mũi dị ứng quanh năm) và mày đay ở người lớn và trẻ em từ 6 tuổi trở lên.

LIỀU DÙNG, CÁCH DÙNG

Liều dùng

Người lớn và thanh thiếu niên từ 12 tuổi trở lên:

Liều dùng hàng ngày: 5 mg (1 viên ZIBRENO 5).

Người cao tuổi

Việc điều chỉnh liều được khuyến cáo ở những bệnh nhân lớn tuổi bị suy thận từ vừa đến nặng (xem phần Suy thận).

Suy thận

Khoảng cách liều phải được cá nhân hóa theo chức năng thận. Tham khảo bảng sau và điều chỉnh liều theo chỉ định. Để sử dụng bảng liều này, cần ước tính độ thanh thải creatinin của bệnh nhân (ClCr) theo ml/phút. ClCr (ml/phút) có thể được ước tính từ creatinin huyết thanh (mg/dl) bằng cách sử dụng công thức sau:

Điều chỉnh liều cho bệnh nhân suy thận:

Nhóm

Độ thanh thải creatinin (ml/phút)

Liều dùng

Bình thường

≥ 80

1 viên/lần/ngày

Nhẹ

50 - 79

1 viên/lần/ngày

Vừa

30 - 49

1 viên/lần/ mỗi 2 ngày

Nặng

< 30

1 viên/lần/mỗi 3 ngày

Giai đoạn cuối - Đang chạy thận

< 10

Chống chỉ định

Trẻ em suy thận: Liều sẽ được điều chỉnh trên từng cá nhân dựa vào độ thanh thải của thận và trọng lượng cơ thể bệnh nhân. Chưa có dữ liệu cụ thể cho trẻ bị suy thận.

Suy gan

Không cần điều chỉnh liều ở những bệnh nhân chỉ bị suy gan.

Nên điều chỉnh liều ở những bệnh nhân bị suy gan kèm suy thận (xem phần Suy thận).

Trẻ em

Trẻ em từ 6 đến 12 tuổi: Liều dùng hàng ngày: 5 mg (1 viên ZIBRENO 5).

Đối với trẻ em từ 2 đến 6 tuổi, không thể điều chỉnh liều dưới dạng viên nén bao phim. Nên sử dụng chế phẩm dùng cho trẻ em.

Cách dùng

Dùng đường uống, uống thuốc với nước, có thể dùng cùng hoặc không cùng với thức ăn. Nên uống 1 lần duy nhất trong ngày.

Thời gian sử dụng:

Viêm mũi dị ứng theo mùa (ít hơn 4 ngày/tuần hoặc ít hơn 4 tuần/năm) được điều trị theo tình trạng bệnh và lịch sử của bệnh; có thể ngưng dùng thuốc khi hết các triệu chứng và sử dụng lại khi các triệu chứng xuất tái hiện.

Viêm mũi dị ứng quanh năm (nhiều hơn 4 ngày/tuần hoặc hơn 4 tuần/năm) nên điều trị liên tục cho bệnh nhân trong thời gian tiếp xúc với chất gây dị ứng.

Có thể sử dụng levocetirizin ít nhất 6 tháng.

Đối với mày đay mạn tính và viêm mũi dị ứng mạn tính, có thể sử dụng cetirizin (đồng phân racemic của levocetirizin) trong 1 năm.

Trường hợp quên dùng thuốc, bỏ qua liều đã quên, uống liều tiếp theo đúng như lịch uống bình thường. Không uống liều gấp đôi để bù vào liều đã quên.

CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Quá mẫn với levocetirizin, cetirizin, hydroxyzin, dẫn chất của piperazin hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.

Bệnh nhân suy thận nặng có độ thanh thải creatinin < 10 ml/phút.

CẢNH BÁO VÀ THẬN TRỌNG KHI DÙNG THUỐC

Thận trọng khi dùng chung với rượu.

Thận trọng khi dùng levocetirizin ở những bệnh nhân có các yếu tố dễ dẫn đến bí tiểu (ví dụ như tổn thương tủy sống, tăng sản tuyến tiền liệt) có thể làm tăng nguy cơ giữ nước tiểu.

Cần thận trọng ở bệnh nhân động kinh và bệnh nhân có nguy cơ co giật vì levocetirizin có thể gây ra cơn động kinh.

Ảnh hưởng tới các xét nghiệm dị ứng da vì các xét nghiệm này bị ức chế bởi thuốc kháng histamin và do đó cần ngưng dùng thuốc 3 ngày trước khi tiến hành làm kiểm tra.

Bệnh nhân có các vấn đề về di truyền hiếm gặp như không dung nạp galactose, thiếu hụt lactase Lapp hay kém hấp thu glucose-galactose không nên dùng thuốc này.

Ngứa có thể xảy ra khi ngừng dùng levocetirizin ngay cả khi những triệu chứng đó trước đây không có. Triệu chứng trên có thể tự phát. Trong một số trường hợp, ngứa có thể rất dữ dội và có thể cần phải sử dụng lại levocetirizin. Nên điều trị ngứa dứt điểm khi bắt đầu dùng thuốc lại.

Trẻ em

Không nên dùng ZIBRENO 5 dạng viên nén bao phim cho trẻ dưới 6 tuổi do dạng bào chế này không cho phép chia liều phù hợp cho trẻ dưới 6 tuổi. Nên dùng các dạng bào chế khác dành cho trẻ em.

SỬ DỤNG THUỐC CHO PHỤ NỮ CÓ THAI VÀ CHO CON BÚ

Phụ nữ có thai

Chưa có nhiều dữ liệu trong việc sử dụng levocetirizin ở phụ nữ có thai. Tuy nhiên, đối với cetirizin, nghiên cứu trên phụ nữ mang thai không thấy có biểu hiện dị dạng hoặc nhiễm độc thai nhi. Các nghiên cứu trên động vật không chỉ ra ảnh hưởng có hại trực tiếp hoặc gián tiếp lên thai kì hoặc sự phát triển của phôi thai/bào thai, quá trình sinh đẻ hoặc sự phát triển sau sinh.

Chỉ sử dụng levocetirizin trong thai kì khi thật sự cần thiết.

Phụ nữ cho con bú

Cetirizin được bài tiết ở người, do đó levocetirizin có thể bài tiết vào sữa mẹ. Các phản ứng bất lợi liên quan đến levocetirizin có thể thấy ở trẻ bú sữa mẹ. Vì vậy, cần thận trọng khi sử dụng levocetirizin cho phụ nữ đang cho con bú.

ẢNH HƯỞNG CỦA THUỐC LÊN KHẢ NĂNG LÁI XE, VẬN HÀNH MÁY MÓC

Các thử nghiệm lâm sàng, so sánh cho thấy levocetirizin ở liều khuyến cáo không làm giảm sự tỉnh táo, khả năng phản ứng hoặc khả năng lái xe.

Tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể cảm thấy buồn ngủ, mệt mỏi và suy nhược khi sử dụng levocetirizin. Vì vậy, bệnh nhân có ý định lái xe, tham gia vào các hoạt động nguy hiểm hoặc vận hành máy móc nên theo dõi phản ứng của cơ thể với thuốc.

TƯƠNG TÁC, TƯƠNG KỴ CỦA THUỐC

Tương tác của thuốc

Không có nghiên cứu tương tác được thực hiện với levocetirizin (bao gồm cả nghiên cứu với chất gây cảm ứng CYP3A4); các nghiên cứu với cetirizin cho thấy không có tương tác bất lợi liên quan về mặt lâm sàng (với antipyrin, azithromycin, cimetidin, diazepam, erythromycin, glipizid, ketoconazol, pseudoephedrin). Giảm nhẹ độ thanh thải cetirizin (16%) được thấy trong một nghiên cứu dùng nhiều liều với theophyllin (400 mg x 1 lần/ngày); trong khi đó theophyllin có khuynh hướng không bị thay đổi khi dùng đồng thời với cetirizin.

Trong nghiên cứu đa liều ritonavir (600 mg x 2 lần/ ngày) và cetirizin (10 mg mỗi ngày), mức độ tiếp xúc với cetirizin tăng khoảng 40% trong khi sự phân bố của ritonavir thay đổi nhẹ (-11%) khi sử dụng đồng thời với cetirizin.

Mức độ hấp thu của levocetirizin không bị giảm bởi thức ăn, mặc dù tỷ lệ hấp thu giảm.

Ở một số bệnh nhân, dùng cetirizin hoặc levocetirizin cùng với rượu hoặc các chất ức chế thần kinh trung ương khác có thể làm giảm sự tỉnh táo và làm giảm hiệu quả hoạt động.

Tương kỵ của thuốc

Do không có các nghiên cứu về tính tương kỵ của thuốc, không trộn lẫn thuốc này với các thuốc khác.

TÁC DỤNG KHÔNG MONG MUỐN CỦA THUỐC (ADR)

Khi xuất hiện các dấu hiệu của phản ứng quá mẫn, ngưng dùng thuốc và báo ngay với bác sĩ. Các dấu hiệu của phản ứng quá mẫn bao gồm: Sưng miệng, cổ họng, lưỡi, mặt; khó thở, khó nuốt (cảm giác thắt chặt ở ngực hoặc thở khò khè), phát ban, hạ huyết áp đột ngột dẫn đến té ngã hoặc sốc, có thể tử vong.

Tóm tắt các ADR:

Ở người lớn:

Thường gặp: 1/100 ≤ ADR < 1/10

Hệ thần kinh trung ương: Nhức đầu, buồn ngủ.

Hệ tiêu hóa: Khô miệng.

Toàn thân: Mệt mỏi.

Ít gặp: 1/1000 ≤ ADR < 1/100

Hệ tiêu hóa: Đau bụng.

Toàn thân: Suy nhược.

Ở trẻ em:

Thường gặp: 1/100 ≤ ADR < 1/10

Tiêu hóa: Táo bón, nôn, tiêu chảy.

Hệ thần kinh trung ương: Buồn ngủ, nhức đầu.

Tâm thần: Rối loạn giấc ngủ.

Một số tác dụng không mong muốn khác có thể gặp:

Chưa rõ tần suất (không thể ước tính từ dữ liệu có sẵn).

Hệ miễn dịch: Quá mẫn.

Chuyển hóa và dinh dưỡng: Tăng cảm giác thèm ăn.

Tâm thần: Hung hăng, kích động, ảo giác, trầm cảm, mất ngủ, có ý nghĩ tự sát.

Hệ thần kinh trung ương: Co giật, dị cảm, choáng váng, ngất, run, loạn vị giác.

Tai và mê đạo: Chóng mặt.

Mắt: Rối loạn tầm nhìn, nhìn mờ.

Tim mạch: Trống ngực, tim đập nhanh.

Hô hấp, lồng ngực và trung thất: Khó thở.

Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, tiêu chảy.

Gan-mật: Viêm gan.

Thận: Tiểu khó, bí tiểu.

Da và mô dưới da: Phù mạch, hồng ban sắc tố cố định, ngứa, nổi ban, nổi mày đay.

Cơ, xương, khớp và mô liên kết: Đau cơ, đau khớp.

Toàn thân: Phù, tăng cân.

Xét nghiệm: Kết quả xét nghiệm chức năng gan bất thường.

QUÁ LIỀU VÀ CÁCH XỬ TRÍ

Triệu chứng

Người lớn: Ngủ gà.

Trẻ em: Lúc đầu bồn chồn, hiếu động, sau đó ngủ gà.

Xử trí

Chưa có thuốc giải độc đặc hiệu đối với levocetirizin. Nếu xảy ra quá liều, nên điều trị triệu chứng hoặc điều trị hỗ trợ. Thẩm tách máu không có hiệu quả trong việc loại trừ levocetirizin.

DƯỢC LỰC HỌC

Nhóm dược lý: Thuốc kháng histamin và kháng dị ứng

Mã ATC: R06AE09

Cơ chế tác dụng

Levocetirizin là đồng phân đối quang (R) của cetirizin, một chất đối kháng mạnh và chọn lọc các thụ thể H1 ngoại vi.

Các nghiên cứu gắn kết cho thấy levocetirizin có ái lực cao đối với thụ thể H1 ở người (Ki = 3,2 nmol/l). Levocetirizin có ái lực cao gấp 2 lần so với cetirizin (Ki = 6,3 nmol/l). Levocetirizin tách rời khỏi thụ thể H1 với thời gian bán thải là 115 ± 38 phút.

Sau khi dùng liều đơn, levocetirizin cho thấy khả năng chiếm giữ 90% các thụ thể sau 4 giờ và 57% sau 24 giờ.

Các nghiên cứu dược động học ở những người tình nguyện khỏe mạnh cho thấy khi dùng nửa liều, levocetirizin có hoạt tính tương đương với cetirizin, cả trên da và mũi.

Trong một nghiên cứu so sánh hiệu quả của 5 mg levocetirizin, 5 mg desloratadin và giả dược ở bệnh nhân bị sưng và đỏ da do histamin gây ra, điều trị bằng levocetirizin đã làm giảm đáng kể triệu chứng trên mạnh nhất trong 12 giờ đầu và kéo dài 24 giờ so với dùng giả dược và desloratadin.

Trong thử nghiệm có đối chứng giả dược theo mô hình dùng buồng chống dị nguyên, tác dụng của levocetirizin 5 mg trong việc kiểm soát các triệu chứng gây ra do phấn hoa đạt được sau 1 giờ dùng thuốc.

Các nghiên cứu in vitro (buồng Boyden và kỹ thuật cắt lớp tế bào) cho thấy levocetirizin ức chế sự di chuyển qua nội mô của bạch cầu ái toan gây ra do eotaxin cả ở da và tế bào phổi. Một nghiên cứu thực nghiệm về dược động học in vivo ở 14 bệnh nhân trưởng thành cho thấy 3 tác dụng ức chế chính của levocetirizin trong 6 giờ đầu sau phản ứng gây ra bởi phấn hoa so với giả dược: Ức chế sự phóng thích VCAM-1 (Vascular Cell Adhesion Molecule: Phân tử bám dính tế bào mạch máu), điều hòa tính thấm thành mạch, giảm huy động bạch cầu ái toan.

Nghiên cứu ảnh hưởng của levocetirizin trên tình trạng nổi mày đay mạn tính vô căn do sự phóng thích histamin gây ra, levocetirizin có hiệu quả trong việc làm giảm các triệu chứng.

Ghi nhận trên điện tâm đồ cho thấy levocetirizin không ảnh hưởng đến khoảng QT.

DƯỢC ĐỘNG HỌC

Hấp thu

Levocetirizin được hấp thu nhanh chóng và rộng rãi sau khi uống. Ở người lớn, nồng độ đỉnh trong huyết tương đạt được sau 0,9 giờ. Trạng thái ổn định đạt được sau hai ngày. Nồng độ đỉnh đạt 270 ng/ml khi dùng liều duy nhất và 308 ng/ml khi dùng liều lặp lại 5 mg/ngày/lần. Độ hấp thu độc lập với liều dùng và không bị ảnh hưởng bởi thức ăn nhưng nồng độ đỉnh đạt được bị giảm và chậm hơn.

Phân bố

Chưa có dữ liệu về sự phân bố tại mô ở người cũng như việc qua hàng rào máu-não của levocetirizin. Ở chuột và chó, nồng độ thuốc được tìm thấy trong gan và thận là cao nhất, thấp nhất ở hệ thần kinh trung ương.

Ở người, 90% levocetirizin gắn kết với protein huyết tương. Sự phân bố của levocetirizin khá hẹp với thể tích phân bố là 0,4 l/kg.

Chuyển hóa

Ở người, sự chuyển hóa của levocetirizin dưới 14%. Do đó, sự đa dạng về di truyền hoặc dùng đồng thời các chất ức chế enzym là không đáng kể. Quá trình chuyển hóa bao gồm sự oxy hoá nhân thơm, dealkyl hóa gốc N- và O-, liên hợp taurin. Quá trình dealkyl hóa chủ yếu qua trung gian CYP 3A4, trong khi quá trình oxy hóa nhân thơm liên quan đến nhiều loại CYP hoặc các loại CYP chưa xác định. Levocetirizin không ảnh hưởng đến hoạt tính các isoenzym CYP 1A2, 2C9, 2C19, 2D6, 2E1, 3A4 ở nồng độ cao hơn nồng độ đỉnh đạt được sau khi uống liều 5 mg.

Do ít chuyển hóa và khả năng ức chế chuyển hóa thấp nên không xảy ra tương tác giữa levocetirizin với các chất khác.

Thải trừ

Thời gian bán thải ở người lớn là 7,9 ± 1,9 giờ. Ở trẻ em thời gian bán thải ngắn hơn.

Tổng độ thanh thải toàn thân trung bình ở người trưởng thành là 0,63 ml/phút/kg. Đường thải trừ chính của levocetirizin và các chất chuyển hóa là qua nước tiểu, chiếm 85,4% liều sử dụng, qua phân chiếm 12,9%. Levocetirizin được bài tiết bởi quá trình lọc của cầu thận và sự bài tiết chủ động tại ống thận.

Các đối tượng đặc biệt

Suy thận

Độ thanh thải của levocetirizin tương quan với độ thanh thải creatinin. Do đó, việc điều chỉnh liều levocetirizin được thực hiện dựa trên độ thanh thải creatinin ở bệnh nhân suy thận vừa và nặng. Ở những bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối vô niệu, độ thanh thải chung của cơ thể giảm khoảng 80% so với người bình thường. Lượng levocetirizin được loại bỏ trong suốt 4 giờ thẩm tách máu là <10%.

Trẻ em

Nghiên cứu dược động học trên 14 trẻ em từ 6 đến 11 tuổi có trọng lượng cơ thể từ 20 đến 40 kg uống liều duy nhất 5 mg levocetirizin cho thấy giá trị Cmax (Nồng độ hấp thu cực đại) và AUC (Area under the curve: Diện tích dưới đường cong)  cao gấp 2 lần so với người lớn khỏe mạnh. Ở trẻ em có cân nặng bình thường, Cmax trung bình là 450 ng/ml đạt được sau 1,2 giờ, tổng độ thanh thải toàn thân chuẩn hóa theo cân nặng lớn hơn 30%, thời gian bán thải thấp hơn 24% so với người lớn. Chưa có các nghiên cứu về dược động học chuyên biệt thực hiện ở những trẻ em dưới 6 tuổi. Phân tích dược động học hồi cứu theo nhóm tuổi được tiến hành ở 323 đối tượng (181 trẻ em từ 1 đến 5 tuổi, 18 trẻ em từ 6 đến 11 tuổi, và 124 người lớn từ 18 đến 55 tuổi) dùng đơn hay đa liều levocetirizin từ 1,25 mg đến 30 mg. Kết quả cho thấy nồng độ thuốc trong huyết tương ở trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi dùng 1,25 mg x 1 lần/ngày tương đương với người lớn dùng 5 mg x 1 lần / ngày.

Người cao tuổi

Thực hiện thử nghiệm trên 9 người cao tuổi (65-74 tuổi), liều levocetirizin 30 mg/lần/ngày trong 6 ngày, độ thanh thải của cơ thể thấp hơn khoảng 33% so với người trẻ tuổi. Sự phân bố của cetirizin không phụ thuộc vào độ tuổi mà phụ thuộc chức năng thận. Kết quả này có thể được áp dụng cho levocetirizin vì levocetirizin và cetirizin đều được bài tiết chủ yếu qua nước tiểu. Do đó, đối với bệnh nhân cao tuổi nên điều chỉnh liều levocetirizin dựa trên chức năng thận.

Giới tính

Nghiên cứu dược động học thực hiện trên 77 bệnh nhân (40 nam, 37 nữ) có chức năng thận bình thường, liều dùng và khoảng cách liều tương đương, đánh giá ảnh hưởng của giới tính đến thuốc. Nữ giới có thời gian bán thải ngắn hơn (7,08 ± 1,72 giờ) so với nam giới (8,62 ± 1,84 giờ); tuy nhiên, độ thanh thải toàn thân đường uống điều chỉnh theo trong lượng cơ thể ở phụ nữ (0,67 ± 0,16 ml/phút/kg) tương đương với nam giới (0,59 ± 0,12 ml/phút/kg).

Chủng tộc

Ảnh hưởng của chủng tộc đối với levocetirizin chưa được nghiên cứu. Levocetirizin chủ yếu được bài tiết qua thận và không có khác biệt quan trọng về chủng tộc đối với độ thanh thải creatinin, có thể dự đoán dược động học của levocetirizin không khác nhau nhiều giữa các chủng tộc. Chưa quan sát thấy sự khác biệt liên quan đến chủng tộc đối với động học của cetirizin (dạng đồng phân racemic của levocetirizin).

Bệnh nhân suy gan

Dược động học của levocetirizin ở những người suy gan vẫn chưa được nghiên cứu. Bệnh nhân có bệnh gan mạn tính (bệnh tế bào gan, ứ mật và xơ gan do mật) sử dụng 10 hoặc 20 mg cetirizin dưới dạng liều đơn, thời gian bán thải tăng 50% và độ thanh thải giảm 40% so với các đối tượng khỏe mạnh.

Mối quan hệ dược động học - dược lực học

Tác động kháng histamin không liên quan với nồng độ thuốc trong huyết tương.

QUY CÁCH ĐÓNG GÓI

Hộp 10 vỉ × 10 viên.

ĐIỀU KIỆN BẢO QUẢN

Bảo quản nơi khô, nhiệt độ không quá 30°C, tránh ánh sáng.

HẠN DÙNG

36 tháng kể từ ngày sản xuất.

TIÊU CHUẨN CHẤT LƯỢNG

USP

SẢN XUẤT TẠI CÔNG TY CỔ PHẦN DƯỢC PHẨM SAVI 
(SaViPharm J.S.C)

 Lô Z.01-02-03a, Khu Công nghiệp trong Khu Chế xuất Tân Thuận, Phường Tân Thuận Đông, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh.

Điện thoại: (84.28) 37700142-144

Fax: (84.28) 37700145