Tại sao cần viết ra?

25/12/2023

Trong công ty dược phẩm SaVipharm chúng tôi, Sếp thường khuyến khích toàn bộ đội ngũ hãy luyện kỹ năng viết. Thậm chí, vào những dịp lễ kỷ niệm nào đó, đặc biệt là ngày thành lập công ty, ông còn cho phép Công đoàn vận động anh chị em viết, sáng tạo văn hóa phẩm, và trao giải thưởng rất cao.

Hình minh họa: nhà văn Kiều Bích Hậu ghi chép thông tin khi đại diện SaVipharm đang tham gia “Diễn đàn khoa học và Kinh tế toàn cầu” tại thủ đô NewDelhi, Ấn Độ hôm 21/12/23.

Những gì đã được viết ra thì sẽ còn lại mãi. Trong lịch sử nước ta, bậc cha ông xưa có nhiều kiến thức giá trị, nhưng do không viết thành tài liệu, mà chỉ truyền miệng, nên bị thất thoát, thậm chí biến mất hoàn toàn, thật sự lãng phí. Nhất là những bài thuốc dân gian hiệu nghiệm, sử dụng chính dược liệu từ cây cỏ vườn nhà, hay trong rừng, mà tổ tiên chúng ta từng biết, cũng bị thất truyền do không ghi lại trong tài liệu nào.

Khi có bút và giấy, máy tính, việc ghi lại những tri thức, kinh nghiệm thành tài liệu lưu truyền đã được cải thiện hơn. Kể cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, thiếu giấy bút, như thời chiến tranh chẳng hạn, thì các chiến sĩ ngoài mặt trận vẫn tìm cách viết nhật ký, lưu bút, hoặc sáng tác tác phẩm để ghi lại hoàn cảnh đặc biệt của mình, của dân tộc…

Thời nay, chúng ta có điều kiện thuận lợi hơn cha ông ta rất nhiều để viết ra những kiến thức mình thu nhận được qua công việc, cuộc sống, hoặc những cảm nhận, trăn trở, những cải tiến, sáng tạo, đổi mới, nêu những vấn đề để cùng trao đổi,… Tuy nhiên, đa số chúng ta vẫn không chịu viết, ngại viết và để mọi kiến thức giá trị trôi đi theo dòng thời gian. Chúng ta nêu lý do cho việc không viết ra, là vì ta không phải là người viết chuyên nghiệp, ta không biết viết diễn tả ý mình như thế nào… Nhưng thực ra, ta đang dựng rào cản cho chính mình, hoặc không vượt qua được thói lười biếng cố hữu, nên chẳng chịu viết.

Có người thì sợ rằng mình viết không hay, nên cũng chẳng muốn đặt bút viết, lo rằng ai đó đọc được lại cười cho. Tuy nhiên, lòng nhiệt huyết trong trường hợp này sẽ được đánh giá cao. Bạn cứ nhiệt tình viết ra, cho dù cách bạn diễn tả chưa hay, nhưng ý tưởng của bạn đã được nhiều người biết đến, và rất có thể, nó hữu ích cho một số người, như vậy là bạn đã cống hiến cho cộng đồng bằng chính sự sáng tạo, và tâm ý chân thành của bạn. Nhà báo Lê Thấu từng khẳng định: “Không quan trọng bạn viết hay hoặc dở. Quan trọng nhất là bạn viết ra sự thật. Sự thật nào cũng đẹp!” TTƯT, Tiến sĩ – DSCK II Trần Tựu thì nói: “Dù viết chưa hay, mà bạn nhiệt tình viết ra, thì cũng tốt hơn nhiều so với chẳng viết gì. Ban đầu viết chưa hay, dần dần rèn luyện viết sẽ hay hơn. Nếu không viết ra, thì sẽ không có tài liệu cần thiết để lại cho mọi người. Viết là cách tự học hữu hiệu nhất. Viết là tự nâng tầm chính mình. Viết là cống hiến, lan tỏa tri thức cho mọi người.”

Quả vậy, khi bạn viết ra điều mình đang nghĩ, đang trăn trở, hoặc đơn giản là cảm xúc bất chợt của mình, thì có nghĩa là bạn đã lưu sâu vào thư viện ký ức một tri thức mới, bạn đã lưu trữ trong thư viện vũ trụ một tài liệu mà bạn muốn đóng góp. Tất cả những gì bạn viết ra, dù muốn hay không, đều được vũ trụ âm thầm ghi nhận. Và việc bạn viết bất cứ thứ gì, thì hành động viết đó chính là bạn đang tự tạo một kỹ năng, rèn kỹ năng đó ngày một xuất sắc, nâng tầm bạn lên ở mặt tinh thần, nhận thức.

Có bạn nêu lý do, công việc, trách nhiệm gia đình đã chiếm hết thời gian của tôi rồi, còn đâu hơi sức và thời gian mà viết. Nhưng thực ra, nhiều người vẫn đang rất hăng hái thể hiện ý kiến và bản thân qua facebook, đó cũng là một cách, nhưng chúng ta có thể tận dụng cách đó, đồng nhất việc thể hiện bản thân và việc viết, với trách nhiệm cao hơn nữa, khi chúng ta viết về công việc hàng ngày, về kinh nghiệm sống, về tình đồng nghiệp, những ý tưởng hay nảy ra khi làm việc,… Và hàng ngày bạn kiên trì viết, thì một năm có 365 ngày, bạn sẽ có một cuốn sách của riêng mình, mà hữu ích cho cả cộng đồng SaVipharm,…

Sao Khuê