Ngôi nhà cha mẹ

29/02/2024

Truyện ký của Kiều Bích Hậu

(Thôn Duy Dương, vụ lúa mùa năm 1964)

Mới chừng bốn giờ sáng, Tựu đã nhỏm dậy. Vào vụ thu hoạch lúa mùa, hợp tác xã vần công, mẹ thì bận bịu với gánh hàng xén, Tựu là người duy nhất trong gia đình tham gia tổ 7 xóm Thượng đi gặt lúa. Cậu luôn trở dậy trước mặt trời. Ngồi ở mép giường, thõng chân đu đưa một lúc trên nền đất mát lạnh, Tựu nghĩ cách làm sao gặt lúa nhanh hơn hôm qua. Cần cải tiến cách vơ lúa làm sao để một khoát tay vơ ba khóm lúa, lùa liềm vào giật ngọt mà không dùng quá sức, và ngọn lúa vẫn sắp đều. Rồi làm sao để quay người thật nhanh, xếp gồi lúa gọn gàng nhất… Có như vậy, Tựu mới tiết kiệm thời gian và sức lực để luôn là người gặt nhanh nhất tổ 7, mà không chỉ thế, là người gặt nhanh nhất làng Duy Dương (Bình Lục, Hà Nam) này.

  • Dậy sớm thế hả con? – Tiếng mẹ Ổn cắt ngang dòng suy nghĩ miên man của Tựu – Có mẻ khoai sọ mẹ mua hôm qua, con luộc lên ăn dằn bụng rồi đi làm nhé.
  • Vâng – Tựu đáp gọn rồi nhanh nhẹn đứng khỏi giường, cậu lắng nghe tiếng Thành lớn, cậu em 13 tuổi của mình vừa ú ớ nói sảng vừa xoay người úp mặt vào tường đất. Nhà có hai cái giường dát tre, mẹ cùng Út Thành ngủ giường cũ hơn phía bên phải bàn thờ, còn Tựu và Thành lớn ngủ ở chiếc giường mới hơn bên trái. Gọi là giường mới hơn, nhưng cũng đã dùng hơn mười năm rồi, dát đã gãy nát ở giữa giường do Út Thành nhảy nhô đùa giỡn, chưa có dát mới thay, nên hai anh em phải nằm sát hai mép giường, tránh chỗ lủng dát.

    Bố Tựu mất khi mẹ còn rất trẻ, thương con, mẹ không đi bước nữa mà tập trung tần tảo sớm hôm bán bung, vần công nuôi các con. Hai anh trai đã đi làm thuê xa nhà, còn Tựu là con trai lớn nhất gần mẹ lúc này, cùng mẹ trụ cột gia đình. Hơn nữa, cậu còn có ước mơ học hành thành tài, để mẹ đỡ vất vả sau này, có điều kiện chăm sóc mẹ bù lại những ngày đầu tắt mặt tối xoay sở một mình với năm con trai.

    Tựu cố xua dòng ý nghĩ miên man trong đầu, chẳng hiểu sao cậu luôn cả nghĩ mọi lúc mọi nơi như vậy. Cậu bước vào gian bếp tranh lụp xụp, còn tối mờ, thấy con mèo tam thể nhà ai đang nằm cuộn tròn ngủ trên trốc cái thúng úp. Cậu nhẹ nhàng nhấc con mèo còn ngái ngủ đặt bên bếp tro, rồi lật cái thúng, thấy mớ khoai sọ vài củ lèo tèo còi cọc trong cái rổ nan đã bật một góc vành méo xẹo. Cậu thở dài, mang cái rổ khoai sọ cùng cái nồi đất ra cầu ao rửa sạch, rồi mang vào bếp, rút rạ luộc khoai. Còn mèo tam thể đứng lên, vươn cong người, rồi lại gần Tựu, nằm lên bàn chân phải của cậu, grừ, grừ ngủ tiếp.

    Khoai chín, Tựu chắt nước, đổ khoai ra rổ, hơi nóng và mùi thơm bay lên làm bụng cậu réo đòi. Tựu nhặt nhanh một củ nhỏ nhất, khoai còn nóng bỏng tay. Cậu lập tức bỏ xuống. Ít khoai như này, mà cậu ăn, thì mẹ sẽ nhịn đói mất. Nghĩ vậy, Tựu lấy vung nồi, úp lên rổ khoai rồi đứng dậy, ra đồng đi làm.

    Con đường đến cánh đồng Miếu Gỗ trồi sụt lắt lẻo, có đoạn đường trâu đi nhiều, mòn gần đứt, trời mưa ngập phải lội qua. Tựu tạt qua cái Miếu Gỗ, đứng đó nghỉ ba phút. Ngôi miếu được dựng hoàn toàn bằng gỗ nghiến, nhưng thời gian cũng đã làm góc mái hướng Tây bị sập mà không được sửa chữa, càng ngày nắng mưa, gió táp càng làm màu gỗ bợt trắng ra, khô khốc và vụn mủn dần dần. Tựu cứ ngắm ngôi Miếu Gỗ, thầm ước mình có phép thần, hô biến ngôi miếu sắp sập thành mới, chắc chắn, để mỗi khi làm đồng mệt mỏi, cậu có thể ra đây ghé lưng nghỉ tạm. Mẹ kể, xưa lâu lắc rồi, nơi đây là một rừng cây lâu năm bạt ngàn, toàn thân gỗ lớn, gốc cây mấy người ôm không xuể, nhưng khi giặc Pháp đến, đã triệt hạ cả rừng cây này để lấy gỗ xây đồn, và xóa đi nơi ẩn nấp của du kích quân ta…

    ***

    Tổ 7 gồm 10 thợ gặt, trong đó Tựu ít tuổi nhất. Người nhiều tuổi nhất là bác Định, tổ trưởng, đã ngoài bốn mươi, chân trái thọt nên không được đi bộ đội vào miền Nam chiến đấu. Tựu nghĩ sau này khi các em lớn hơn một chút, đỡ đần được công việc cho mẹ, anh cũng sẽ vào chiến trường sau khi tốt nghiệp Đại học Dược. Anh ước mơ trở thành dược sĩ để bào chế thật nhiều thuốc cứu người, cứu các chiến sĩ trong chiến trường.

    Trong tổ 7, người sung sức bậc nhất và là “đối thủ” của Tựu trong cuộc đua năng suất gặt lúa là anh Trường, con bác Chiến cùng ngõ Ngui nơi gia đình Tựu ở. Còn người đủng đà đủng đỉnh, làm việc chậm chạp nhất là chú Tiến. Chú ấy hay đi làm muộn sau kẻng tới cả tiếng đồng hồ, giữa giờ hay nghỉ rít thuốc lào, hoặc ngồi gốc cây quạt mát cho ráo mồ hôi. Tựu thì chẳng cần nghỉ phút nào, cứ tay quệt mồ hôi vươn người chống mỏi xong là lại thoăn thoắt gặt tiếp. Những gồi lúa tăm tắp đầy lên xếp hàng sau Tựu. Ai nấy đều lắc đầu lè lưỡi.

  • Cái thằng này, mày làm hết cả phần của tao à? – Chú Tiến thường đùa, vỗ vai Tựu mỗi khi trở lại gặt lúa sau điếu thuốc lào.
  • Phần chú còn nhiều lắm kia – Tựu nhoẻn cười, khoát tay chỉ bạt ngàn lúa chín rung rinh trong gió phía trái cậu – Chỉ là cháu muốn thử xem cách nào làm cho nhanh nhất mà thôi.
  • Mẹ mày cho mày ăn thứ gì mà mày khỏe thế hả cháu? Gặt lúa vèo vèo nhanh hơn mèo đớp mỡ - Chú Tiến không tha, tiếp tục đứng bên Tựu khiêu khích.

    Tựu không đáp, nhưng cái dạ dày trống lại cuộn lên đòi hỏi. Từ sáng tới giờ có nhẽ đã hơn mười một giờ trưa, nắng gần đứng bóng, mà Tựu mới chỉ uống vài ngụm nước mưa, đánh lừa cái dạ dày. Đói, đói, đói… Chẳng gì có thể làm phiền cậu cho được, ngoài cảm giác đói. Cậu nhớ đến rổ khoai sọ để ở góc bếp. Chắc là Thành lớn với Út Thành đã chén sạch rồi. Cậu nghĩ đến mấy con nuồng nuỗng béo mà cậu tóm được trong lúc gặt lúa, xắn chúng vào gấu quần. Hết ngày làm việc, cậu sẽ tranh thủ nướng chúng lên để an ủi cái dạ dày tội nghiệp của mình. Đấy là phần thưởng cậu dành riêng cho mình.

    Tối nhập nhoạng, kẻng hợp tác vang lên báo hết giờ làm đồng. Tựu chạy ù về nhà, đói hoa cả mắt. Cậu lặt bỏ cánh, càng lũ nuồng nuỗng, cho lên chảo nhóm lửa đảo đều tay, vài phút sau, mùi thơm ngậy đã bốc lên làm cậu tuôn nước miếng.

  • Cho em ăn với! – Tiếng Út Thành vói lên sau lưng Tựu. Chẳng cái gì giấu được cu cậu này, nhất là đồ ăn.
  • Chưa chín, ăn vào Tào Tháo đuổi chết mày! – Thành lớn cũng đã xáp vô kịp thời, đập mạnh vào tay Út Thành ngay khi nó thò tay vào chảo định bốc mấy con nuồng nuỗng.

    Tựu nén hơi thở dài. Cậu ước gì mình không cần ăn mà vẫn có thể sống. Bắc cái chảo nóng sực, thơm nức mùi nuỗng chín ra khỏi bếp, cậu từ tốn nói:

  • Không được tranh nhau, anh sẽ chia bốn phần đều nhau, phần cả mẹ nữa đó.

    Có lẽ cao lương mĩ vị vua chúa nào thưởng thức trên đời, cũng không thể ngon bằng món nuỗng rang mà ba anh em Tựu chia nhau ăn ngay khi đói cuồng cấu tại chảo lúc ấy. Suốt đời cậu không thể quên cảnh này. Tựu tự hứa với bản thân, sẽ phải tìm ra cách làm giàu, thay đổi đời sống gia đình mình, và hỗ trợ quê hương. Chắc chắn cậu sẽ tìm ra cách thực hiện điều đó, không thể để mẹ và các em đói khổ triền miên như thế này.

    ***

    Tiếng kẻng chia công điểm vang lên rổn rảng khắp các xóm. Tựu báo tin vui cho mẹ rồi chạy ra sân hợp tác tập trung ngồi chờ đến lượt đọc tên lên nhận phần công suốt mười một ngày đi gặt lúa mùa trong đội 7. Người người chen nhau ngồi đông đúc, nói chuyện râm ran, vừa háo hức xen lẫn lo lắng. Sân hợp tác gió heo may đưa mùi thóc vừa đập thơm rậm, mùi rơm nếp ẩm hứa hẹn một bữa no nê gạo mới. Cứ sau mỗi tiếng kẻng là bác Phó Chủ nhiệm hợp tác xã đọc tên một người lên nhận phần công. Ai nấy ngước lên nhìn bác như nhìn ông thần. Mỗi công được cân rưỡi thóc và ba lượm rơm. Tựu nhẩm tính, mười một ngày cậu đi làm đủ, sẽ được nhận mười bảy cân rưỡi thóc và ba mươi ba lượm rơm.

    Nhưng việc chia sản phẩm diễn ra quá chậm chạp, ai nấy đều sốt ruột, hết ngồi rồi lại đứng. Dễ đến mươi phút mới chia xong cho một người. Việc cân thóc cũng bị xì xèo, cân điêu cân thiếu, xã viên ngó lên xuống, ngó trái phải, dịch quả cân để hòng không bị thiếu lạng thóc quý hơn vàng… Người cân thóc thì lớn tiếng quát đến lạc giọng, nhưng ai lên nhận công cũng cố dịch quả cân thêm một ly, hoặc bốc thêm vốc thóc bỏ vào thúng.

    Nắng nhạt dần, trời sập tối mà mới chia được công điểm cho non nửa số xã viên. Tựu nhớ có lần mẹ đi nhận công, tới nửa đêm mới về, kể rằng có người bị lả đi vì đói và mệt ngay trên sân hợp tác. Tựu kiên nhẫn đợi, cậu vừa đưa tay đập muỗi bu quanh chân, vừa nghĩ, tại sao các bác lãnh đạo xã không chia thành từng nhóm để chia công điểm, sẽ nhanh chóng hơn. Chẳng lẽ cả xã chỉ có một cái cân tạ kia thôi sao?

    Cuối cùng cũng đến lượt tổ 7 được chia công điểm. Tựu ngạc nhiên khi mình chỉ được tính 8 công, trong khi anh đi làm cả 11 ngày. Cậu nhòm vào sổ ghi, thì thấy chú Tiến được đủ 11 công, Tựu bỗng tức nghẹn. Rõ ràng chú Tiến làm việc năng suất không bằng một nửa Tựu, mà lại được tính công điểm cao hơn Tựu!

  • Bác ơi – Tựu thắc mắc với ông Phó Chủ nhiệm hợp tác xã – Cháu đi làm đủ cả 11 ngày, cháu gặt nhanh nhất tổ 7, sao cháu chỉ được tính 8 công thôi ạ? Bác xem giúp cháu, người ta có tính nhầm cho cháu không?
  • Không nhầm! – ông Phó Chủ nhiệm hợp tác xã trả lời chắc chắn – Năm nay cháu bao nhiêu tuổi?
  • Cháu 16 tuổi rồi ạ - Tựu đáp.
  • Đó, chưa đủ tuổi người lớn, chỉ được tính bằng 2/3 công so với người lớn nhé. Không thắc mắc! – Ông Phó Chủ nhiệm kết luận.

    Tựu định kêu thêm, nhưng chú Tiến kéo áo cậu:

  • Nhận nhanh lên cho người khác còn nhận chứ! Bao nhiêu người đang đợi kia kìa. Luật hợp tác và cả nước này thế rồi, biết gì mà lằng nhằng chứ.

    Tựu cắn môi, cậu lặng lẽ cúi nhặt bao thóc, lượm rơm xếp vào quang rồi gánh về nhà trong nỗi nghẹn ngào.

    ***

  • Mẹ ơi, bất công quá! – Tựu nói với mẹ - Con làm việc năng suất gấp đôi người ta mà chỉ nhận công bằng nửa người ta. Thế này thì ai muốn làm việc giỏi cơ chứ!
  • Kiểu hợp tác xã nó vậy, con cứ làm hết mình đi, ông trời có mắt! – Mẹ nhẫn nại đáp.

    Tựu lẳng từng lượm rơm vào góc sân, mẹ ngăn cậu lại:

  • Để rơm ra giữa sân, mẹ sẽ vò rơm. Con gọi hai thằng Thành ra đây vò rơm mót thóc.
  • Chúng nó ngủ rồi mẹ ạ - Tựu bối rối – để mai hẵng vò rơm được không mẹ?
  • Rơm ủ đó cả tuần rồi, phải vò ngay không hạt thóc sót lại mọc mầm mất đó con – Mẹ nói.

    Hóa ra, tổ đập lúa đã bảo nhau cố tình đập rối, để sót thóc cho người dân còn vò được bữa cơm. Tựu hiểu ra chiêu đó, mỉm cười, cơn ức khi nãy ở sân hợp tác nguôi đi. Anh vào gọi như hò đò mà chỉ có Thành lớn chịu trở dậy vò rơm mót thóc cùng mẹ. Vò được một lúc thì nó kêu rát chân, bỏ rơm đó chạy vào nhà ngủ tiếp.

    Ngôi nhà ba gian vách đất lợp rạ chìm trong tĩnh lặng của màn đêm tháng Mười. Chỉ còn bóng hai mẹ con cặm cụi đứng vò rơm ở mảnh sân nhỏ lát gạch. Rặm lúa đâm vào chân Tựu rát rạt, rồi bào mòn da chân, cậu đã thấy xót xót gan bàn chân, nơi da mỏng nhất. Nhưng Tựu không bỏ vào nhà nằm ngủ dù mắt đã ríu lại. Mẹ quơ rơm, dồn mớ thóc lửng vừa vò được vào thúng, cất tạm vào nhà để sáng mai đem phơi.

  • Được gần nửa thúng thóc lửng chứ chả chơi – Mẹ phấn khởi báo – Cũng được hai bữa no. Cho chúng nó bữa cơm đầu mùa kẻo phải tội. Tạ ơn đất trời!

    Mẹ đã bưng thúng thóc lửng vào nhà rồi, mà Tựu vẫn ngồi trên trốc cái cối đá góc sân, tay phải xoa nhẹ bàn chân trái đã buốt thon thót vì rặm lúa bào rách da. Cậu nhìn ngắm ngôi nhà cha mẹ trong ánh trăng xanh nhàn nhạt cuối thu. Ngôi nhà như được ướp trong hương lúa chín đầu mùa, cái mùi hương nhè nhẹ của bữa no hiếm hoi trong năm.

    Bỗng đâu, cơn xúc cảm tràn về, Tựu ứa nước mắt thương mẹ. Cảnh này sẽ còn kéo dài bao lâu nữa đây, mẹ còm cõi một mình mót từng hạt thóc lửng cho các con đến bao giờ nữa đây, chiến tranh còn kéo dài đến bao giờ nữa đây!?

  • Tựu ơi, vào ngủ đi con, sáng mai còn đi học! – Tiếng mẹ gọi vọng từ ngôi nhà.

Tựu nhìn lại lần nữa bức tường đất chắc dày, nhìn mái rạ ken chặt che nắng mưa, nhìn lũy tre ngọn cong cao thấp đua đưa xì xào trong gió bao bọc chở che ngôi nhà, nhìn mảnh vườn con con xanh mướt rau lang rau cải rau bí… Vẻ thân thuộc này, sự bình yên chốc lát trong đêm trăng tĩnh lặng này sẽ là nỗi nhớ, sẽ là động lực để cậu thực hiện ước mơ thay đổi…

Đây là ngôi nhà cha mẹ đầy ấm áp, thân thương, nuôi dưỡng Tựu lớn lên mỗi ngày, nhưng cậu sẽ không dừng lại ở nơi này. Khát vọng đi xa để đổi thay sôi sục trong tim cậu…