Các chính sách lao động năm mới năm 2022

25/05/2023

Để vươn tới vị trí là trung tâm kinh tế của khu vực Đông Nam Á, thu hút các nguồn đầu tư nước ngoài, ngay khi đại dịch Covid-19 có dấu hiệu lắng xuống, Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp để phục hồi kinh tế sau thời gian dài gián đoạn bởi các lệnh phong tỏa. Các doanh nghiệp cũng đang thực hiện các chính sách tái sản xuất, đặc biệt là thu hút lao động từ các tỉnh để đảm bảo tiến độ sản xuất kinh doanh. Ở tầm vĩ mô, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách để kích thích thị trường lao động trong năm 2022.

Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động:

 Nhằm hỗ trợ người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp và khuyến khích người lao động quay trở lại làm việc sau đợt dịch Covid -19 lần 4 vào cuối tháng 4/2021, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đưa ra nhiều giải pháp thu hút lao động quay trở lại doanh nghiệp làm việc, thúc đẩy phục hồi thị trường lao động, phát triển sản xuất kinh doanh. Một trong những chính sách nổi bật trong năm 2022 là hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động vừa được ban hành vào tháng 03/2022.

Để triển khai thực hiện Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 20/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho Người lao động, Ngân sách nhà nước đã trích 6.600 tỷ đồng để hỗ trợ cho người lao động với 2 nhóm đối tượng như sau:

Nhóm người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp: Người lao động có hợp đồng không xác định hoặc xác định thời hạn từ 01 tháng trở lên được giao kết và bắt đầu thực hiện trước ngày 01/04/2022, ở thuê, ở trọ trong khoảng thời gian từ 01/02/2022 đến 30/06/2022, đang tham gia bảo hiểm xã hội (trường hợp không thuộc đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc theo quy định tại Khoản 4 Điều 2 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ thì phải có tên trong danh sách trả lương của doanh nghiệp). Nhóm này sẽ được hỗ trợ số tiền 500.000 đồng/người/tháng, tối đa 3 tháng.

Nhóm người lao động quay trở lại thị trường lao động: Người lao động có hợp đồng không xác định hoặc xác định thời hạn từ 01 tháng trở lên được giao kết và bắt đầu thực hiện từ ngày 01/04/2022 (trừ hợp đồng lao động đã giao kết và thực hiện trước đó), ở thuê, ở trọ trong khoảng thời gian từ 01/02/2022 đến 30/06/2022, đang tham gia bảo hiểm xã hội (Trường hợp người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc, người lao động mới tuyển dụng và có giao kết hợp đồng lao động nhưng chưa có tên trong danh sách tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của cơ quan bảo hiểm xã hội thì phải có tên trong danh sách trả lương của người sử dụng lao động của tháng liền kề trước thời điểm người sử dụng lao động lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà). Nhóm này sẽ được hỗ trợ số tiền 1.000.000 đồng/người/tháng, tối đa 3 tháng.

Hiện tại, Công ty SaVipharm đang triển khai chính sách này đến CBCNV Công ty và hướng dẫn CBCNV thực hiện để nhận gói hỗ trợ này. Dự kiến có khoảng 130 CBCNV của Công ty được nhận khoản hỗ trợ thuê nhà trên.

Tăng giờ làm thêm trong 1 tháng

Với mục đích tăng cường hoạt động sản xuất cho các nhà máy, doanh nghiệp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 17/2022/UBTVQH15 ngày 24/3/2022 về số giờ làm thêm trong 1 năm, trong 1 tháng của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. 

Theo khoản 1, Điều 1 của Nghị quyết này, số giờ làm thêm trong 01 năm được quy định như sau: Trường hợp người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ trong 01 năm, trừ các trường hợp sau đây:

Người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi; người lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Về số giờ làm thêm trong 1 tháng, Nghị quyết cũng đã nêu rõ:

Số giờ làm thêm trong 1 tháng được quy định như sau: “Trường hợp người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm tối đa 300 giờ trong 01 năm có nhu cầu và được sự đồng  ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng.”

Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 01.04.2022. Quy định tại khoản 1 Điều 1 của nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

Tăng tuổi nghỉ lương hưu đối với người lao động

Tăng tuổi nghỉ hưu là một trong những vấn đề nổi bật trong Bộ luật Lao động 2019. Theo Điều 169 Bộ luật Lao động 2019, tuổi nghỉ hưu năm 2022 của người lao động sẽ tăng theo lộ trình. Theo đó, tuổi nghỉ hưu năm 2022 đã được điều chỉnh tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và tăng thêm 04 tháng đối với lao động nữ.
Cụ thể, tuổi nghỉ hưu năm 2022 đối với lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 55 tuổi 8 tháng đối với nữ và đủ 60 tuổi 6 tháng đối với nam.

Điều chỉnh cách tính lương hưu với lao động nam

Đối với cách tính lương hưu hàng tháng vẫn được tính theo công thức: 

Lương hưu = Tỷ lệ hưởng x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH

Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 2 Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì: 

“Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau:

a) Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm.”

Như vậy, từ năm 2022 trở đi, lao động nam phải đóng BHXH đủ 20 năm mới được tính tỷ lệ hưởng thấp nhất là 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH (trong khi tỷ lệ ở lao động nữ chỉ là 15 năm đóng BHXH). Và để hưởng lương hưu với tỉ lệ tối đa là 75% thì lao động nam phải tham gia BHXH từ đủ 35 năm trở lên.

Tỷ lệ hưởng lương hưu tương ứng với số năm đóng BHXH