Củ Chi - Chí thép, tim hồng

14/06/2023

Củ Chi là một địa danh nổi tiếng thời chiến tranh giành độc lập, chúng tôi nhiều người đã đến thăm nơi này, nhưng thực sự để trải nghiệm được cảm giác chia sẻ, đồng cảm, và đồng ý chí thì không dễ chỉ là một chuyến đi thăm địa đạo Củ Chi mà có được. Cách nào có thể khiến giới trẻ sinh ra và trưởng thành sau ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước có thể kế tục truyền thống của đất thép thành đồng Củ Chi?

Câu hỏi ấy đã được giải đáp từ một sáng kiến thực hiện chương trình tri ân đất thép Củ Chi.

Trao truyền di sản tinh thần

Đất nước được độc lập, thống nhất đã gần nửa thế kỷ, đủ để hai thế hệ sinh ra, lớn lên, đi làm và phát triển sự nghiệp. Địa danh Củ Chi cũng đã đi vào lịch sử chiến tranh Việt Nam, là một dấu son, được nhân dân cả nước hướng tới kính trọng, được thế giới biết đến và kinh ngạc về ý chí quật cường trong chiến đấu, về sự thông minh, tài trí, độc đáo trong nghệ thuật đánh du kích của quân dân Việt Nam, khiến một kẻ thù mạnh nhất thế giới, trang bị vũ khí tối tân nhất phải chịu thất bại.

Dấu son về tinh thần bất khuất, ý chí quật cường, tài trí sáng tạo độc đáo, một di sản phi vật thể quý giá đó liệu có cách nào trao truyền cho thế hệ sau, để con cháu của những người anh hùng trong chiến trận sẽ vững bước và tiếp tục chiến thắng trên mọi mặt trận kinh tế, văn hóa, chính trị hôm nay, để dấu son Việt Nam tiếp tục sáng tỏ trên bản đồ thế giới? Điều này được người dược sĩ chiến khu Trần Tựu trăn trở nhiều lần. Sinh năm 1948, thuở nhỏ cùng gia đình sống tại tỉnh Hà Nam, từng trải qua thời gian khốn khó, nghèo đói, bom đạn, giặc giã liên miên, khi lớn lên, tốt nghiệp ngành Dược, ông đã sớm vào chiến trường, đem kiến thức về thuốc của mình phục vụ đắc lực nhất cho tiền tuyến. Những trải nghiệm từ thời chiến đó khiến ông rèn cho mình chí thép, để trở thành một vị thủ lĩnh ngành Dược hơn ba thập niên qua. Hiện nay, với vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị/ Tổng Giám đốc Công ty CP dược phẩm SaVipharm, TTƯT, DSCK II Trần Tựu đã nhiều lần cùng đội ngũ cán bộ-nhân viên của mình thực hiện các chương trình từ thiện. Qua những lần như thế, cùng với trăn trở về sự trao truyền chí khí cha ông trong đánh giặc giữ nước, ông đã có sáng kiến thực hiện chuyến công tác về nguồn Củ Chi với chủ đề “Về đất thép anh hùng”.

Thực tế, qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ trong thế kỷ 20, để góp phần chiến thắng và thống nhất đất nước, đem lại cuộc sống hòa bình, ấm no và phát triển mạnh mẽ hôm nay, thì đất và người Củ Chi đã phải chịu nhiều đau thương, mất mát. Một vùng rộng lớn đất đai, cây rừng mọc xanh tốt trù phú đã bị bom đạn giặc cày xới lở loét, san phẳng cây rừng, chỉ còn đất rỉ máu với những hố bom hoăm hoắm khoét sâu lòng đất mẹ. Cây rừng chẳng còn để chở che con người, chỉ còn cách nương vào lòng đất! Địa đạo Củ Chi hình thành, là một sáng tạo chói sáng của quân dân Củ Chi trong những ngày đau thương cùng cực. Đất mẹ Củ Chi chở che con người, đồng tâm chống giặc, xuất quỷ nhập thần, khiến giặc phải đầu hàng. Tuy vậy, qua cuộc chiến khốc liệt, Củ Chi đã có hơn 10.000 liệt sỹ hy sinh và hàng chục ngàn thương binh, và 2.135 Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH).

Tri ân là cách nhận về di sản quý

Xây dựng chương trình “Về đất thép anh hùng” từ đầu tháng 3/2023 và thực hiện chương trình chính thức vào ngày 15/4/2023 tại xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, đội ngũ Cán bộ, nhân viên SaVipharm đã có một trải nghiệm sâu sắc và ý nghĩa, làm giàu vốn sống, kinh nghiệm quý giá. Trước nhất, chúng tôi thấm thía những chia sẻ từ vị thủ lĩnh của mình - TTƯT, DSCK II Trần Tựu về việc cần làm, đó là có hành động cụ thể tri ân những người đã hy sinh vì đất nước, bên cạnh phấn đấu cho công việc và cuộc sống riêng mình. Cả đội ngũ SaVipharm đã nhanh chóng lên kế hoạch xây dựng nội dung chương trình, thật kỹ lưỡng với tấm lòng biết ơn. Kết nối với Ủy ban Mặt trận tổ quốc VN huyện Củ Chi và Bệnh viện Thống Nhất, chúng tôi đã ngay lập tức nhận được sự ủng hộ, đồng tình. Và thế là sáng kiến chương trình “Về đất thép anh hùng” của Tổng giám đốc SaVipharm Trần Tựu đã trở thành hiện thực với hai đơn vị đồng hành kể trên.

Thầy thuốc ưu tú – dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu – Chủ tịch HĐQT/Tổng Giám đốc SaVipharm thăm hỏi bà con gia đình thương binh liệt sĩ ở Củ Chi.

Khi làm việc sâu hơn về chương trình, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Củ Chi gửi cho chúng tôi danh sách các Mẹ VNAH còn sống trên địa bàn huyện. Chỉ còn 32 Mẹ còn sống trong tổng số 2.135 Mẹ VNAH. Con số này khiến chúng tôi chùng lòng xuống, càng thấy rằng, việc tri ân các Mẹ VNAH cũng như các gia đình Thương binh liệt sĩ (TBLS), gia đình có công với cách mạng là cần làm ngay không trì hoãn. Bởi thời gian chiến tranh qua đi đã lâu, hầu hết các Mẹ đều đã rất cao tuổi, nhiều mẹ yếu bệnh, trong đó có Mẹ 110 tuổi là Mẹ Nguyễn Thị Khen, Mẹ 109 tuổi là Mẹ Nguyễn Thị Phải và Mẹ 106 tuổi là Nguyễn Thị Thông, Mẹ 104 tuổi là Nguyễn Thị Trọi. Kể từ đầu tháng 3.2023, khi chúng tôi còn đang bàn bạc lên kế hoạch thực hiện chương trình “Về đất thép anh hùng”, chúng tôi đã dự tính thăm 32 Mẹ VNAH tại đây, nhưng thật buồn, thật sững sờ, khi đến tuần thứ ba của tháng Ba, thì chúng tôi được biết một Mẹ đã qua đời. Thế là món quà mà đoàn công tác dự định tặng Mẹ, đã không thể được trao đến tay Mẹ nữa… Chúng con kính mong Mẹ được thanh thản an yên ở cõi ấy, cùng người con trai đã hy sinh của Mẹ. Chúng con cũng nhận ra rằng, dù mình có cố gắng đến đâu, chạy đua với thời gian đến đâu đi chăng nữa, thì món quà tặng Mẹ, chút tấm lòng thơm thảo của chúng con dâng mẹ, có thể vẫn chẳng cách nào tới kịp…

Do các Mẹ VNAH đều cao tuổi, không được khỏe, nên chúng tôi quyết định tới tận nhà từng Mẹ để thăm và tặng quà. Dù anh Nguyễn Văn Minh – Ủy viên Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Củ Chi cho biết, nhà các Mẹ nằm rải rác ở các điểm xa nhau trong huyện, đến nhà từng mẹ sẽ cần nhiều thời gian đi lại. Được tin, chúng tôi họp lại bàn bạc và quyết định chia đoàn công tác ra làm hai nhóm: nhóm 1 tổ chức sự kiện trao quà 200 cháu nhỏ con gia đình TBLS tại sân khấu và khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho người dân thuộc gia đình chính sách trong Hội trường Ủy Ban xã An Nhơn Tây, nhóm 2 sẽ tổ chức 3 xe đi thăm 31 Mẹ VNAH tận nhà. Ban tổ chức đã họp hơn 10 cuộc họp, để chuẩn bị thật kỹ, thật chi tiết từng việc, miễn sao chương trình được tổ chức thật chu đáo, chăm sóc không chỉ vật chất, sức khỏe mà còn động viên tinh thần các Mẹ, các em nhỏ và bà con các gia đình chính sách đang mang bệnh tật.

Chương trình từ thiện “Về đất thép anh hùng” đã diễn ra ngày 15.04.2023 tại xã An Nhơn Tây (Củ Chi, Tp. HCM). Đoàn công tác của chúng tôi gồm 80 người, đón tiếp tổng số hơn 300 khách đến dự chương trình, và thăm tận nhà 31 Mẹ VNAH, dù đã chuẩn bị kỹ đến đâu đi chăng nữa, thì trong lòng mỗi người vẫn canh cánh nỗi lo, làm sao để trọn vẹn trách nhiệm và tình cảm của mình với các Mẹ, với các em nhỏ và bà con yếu bệnh thuộc gia đình chính sách. Thật nhiều cảm xúc ào đến cùng lúc, khi chúng tôi đón khách vào hội trường. Những gương mặt em nhỏ hồn nhiên háo hức, những mẹ già quấn khăn, làn da nhăn nheo và se sắt nắng gió cả thế kỷ nhọc nhằn đau thương và chịu đựng, những người thương binh mang nạng, tóc trắng sương mai, có cả những ánh mắt bạc đi vì đau đớn quá khứ chưa tan, bệnh tật hiện tại dày vò, có những bước chân vui chộn rộn của em nhỏ sắp được nhận quà, nhưng có những bước đi run rẩy, mỏi mệt của người bệnh… Tôi xúc động nhìn những bóng áo trắng bác sĩ, dược sĩ, áo xanh đoàn Thanh niên, thấm ướt mồ hôi trong nắng, dìu từng bà con, cúi thấp dắt từng em nhỏ, ân cần đưa vào tận chỗ ngồi. Các vị lãnh đạo UB MTTQ huyện Củ Chi, công ty SaVipharm, Bệnh viện Thống Nhất, người trò chuyện hỏi thăm từng bà con cao tuổi, yếu bệnh, người xem hồ sơ bệnh án, người tìm hiểu từng nguyện vọng của bà con…

Các vị Lãnh đạo đoàn công tác “VỀ ĐẤT THÉP ANH HÙNG” tặng quà 200 cháu thiếu nhi thuộc gia đình thương binh liệt sĩ huyện Củ Chi

Có những hoàn cảnh thật buồn. Ông Võ Văn Sót 72 tuổi, ở ấp Bến Mương, có mẹ ông là Mẹ VNAH, đã mất, có hai người anh hy sinh trong chiến tranh. Ông Sót từng có vợ và con, nhưng khi ông có tuổi, bệnh tật triền miên, vợ ông đã ly thân, và cùng con bỏ nhà đi, để ông ở lại một mình. Ông lần hồi đi làm tự nuôi mình, nhưng nay sức yếu, thêm bệnh tiểu đường và mắt bị mờ, nên không thể đi làm. Nguồn sống chủ yếu của ông dựa vào hơn 10 triệu đồng trợ cấp/năm của Nhà nước. Ông Sót kể, đây là lần đầu tiên ông được đi khám bệnh từ thiện theo chương trình “Về đất thép anh hùng”. Ông rất vui và mong rằng sắp tới đây sẽ tiếp tục được khám bệnh trong những chương trình từ thiện như thế. Nhìn gương mặt thẫn thờ của ông, bỗng dưng tôi thấy mình như có lỗi. Còn biết bao hoàn cảnh cơ cực đến thế này, chúng tôi không thể lãng phí dù chỉ một giây cuộc đời mình vào những chán chường, mệt mỏi vô nghĩa lý, không xứng đáng.

Hay như trường hợp mẹ Thân Thị Cưng, sinh năm 1939, ấp Chợ Củ, cũng cảm thấy rất mừng khi được đi khám bệnh, phát thuốc miễn phí. Mẹ kể rằng lần đi khám bệnh trước đó của mẹ là cách nay đã 20 năm, do nhà chùa địa phương tổ chức. Hiện nay, mẹ Cưng ở với một con trai và cháu nội, nguồn sống dựa vào việc làm mướn theo ngày của con trai mẹ, nhưng bữa làm được, bữa không. Con dâu mẹ thì đã bỏ đi từ lâu. Nói đến đây, mẹ Thân gạt nước mắt. Hiện mẹ luôn bị nhức đầu, đau lưng, tối mất ngủ triền miên. Mẹ chỉ mong đoàn công tác từ thiện mang đến đây được loại thuốc nào giúp mẹ ngủ.

Lúc đi ngang sân, tôi gặp cảnh một mẹ già, tóc bạc cắt ngắn, kiểu tóc thường thấy của người bị bệnh nặng, phải nằm một chỗ lâu ngày, cắt bớt tóc đi cho dễ vệ sinh. Mẹ vừa được khám bệnh xong, lẩy bẩy bước từng bước khó khăn nhọc nhằn. Anh xe ôm treo giúp mẹ cái túi đựng thuốc và quà của đoàn công tác tặng mẹ lên tay lái xe. Hai người khác giúp đỡ mẹ ngồi lên xe và một người ngồi sau giữ chắc mẹ khi xe chạy. Tôi tự hỏi, liệu rằng mẹ sẽ xoay sở ra sao khi trái nắng trở trời. Còn có bao nhiêu bà mẹ như thế, đang lay lắt sống đâu đó trên đất nước này, cần lắm những bàn tay nâng đỡ, chăm sóc và an ủi mỗi ngày.

Như hoa bất tử

Được tiếp xúc, thăm hỏi các Mẹ VNAH cũng là một cơ may trong đời chúng tôi, để lại những ấn tượng sâu sắc, mang lại những suy nghĩ đổi thay trong mỗi người. Có Mẹ như Mẹ Nguyễn Thị Khen, Nguyễn Thị Phải,… đã sống qua hơn một thế kỷ, từng trải qua biết bao thử thách, loạn lạc, đớn đau và mất mát. Mẹ vẫn kiên cường như đóa hoa bất tử, trụ vững để trao yêu thương cho tất cả. Mẹ chính là biểu tượng cho Việt Nam, đất nước của tình yêu thương, sức mạnh mềm cứu rỗi tất cả, soi rọi con đường đi, làm nên giá trị tinh thần riêng biệt cho dân tộc.

Dược sĩ Võ Hồng Hương, Trưởng một đoàn đến thăm 10 Mẹ VNAH chia sẻ: “Khi đến thăm Mẹ S. thì Mẹ òa khóc vì tủi thân khi đất nước hòa bình thống nhất, nhà nhà sum họp còn các con của mẹ ra đi mãi mãi, ngày trở về chỉ là một nỗi đau xé lòng gói trong tờ giấy báo tử và một vài kỷ vật còn vương khói súng bom đạn chiến trường. Tôi lần đầu tiên cảm thấy ngôn từ dường như bất lực trước nỗi đau quá lớn của mẹ. Cổ họng tôi thắt nghẹn, nước mắt tôi cũng tuôn tràn xót xa theo dòng cảm xúc của mẹ. Mẹ nắm chặt tay tôi, mãi mà chẳng buông, dường như mẹ muốn tìm kiếm hơi ấm tình thương hình bóng người con liệt sĩ anh hùng của mẹ qua sự sẻ chia của đoàn chúng tôi. Cũng có mẹ trí nhớ đã suy giảm, đã lẫn nhiều, mẹ lại chỉ sống với một người con dâu duy nhất trong khi chồng và con đã hy sinh. Trước khi tạm biệt mẹ, tôi nói cảm ơn chị - người con dâu của mẹ và chúc cho chị thật nhiều phước lành vì đã chăm sóc cho mẹ chồng đến cuối đời.

Mười ngôi nhà mà chúng tôi đã đến thăm là mười hoàn cảnh, mười cuộc đời khác nhau của các Mẹ nhưng tựu chung đều như một thước phim quay chầm chậm đưa chúng tôi quay trở về một miền ký ức oanh liệt hào hùng của dân tộc, nơi đó cũng còn có những gam xám xịt của chiến tranh, của đạn bom khói lửa ầm ào, của những dòng máu đỏ của chồng con các Mẹ VNAH. Mất mát là thế, đau thương là vậy, nhưng trong mắt các Mẹ luôn ánh lên niềm tự hào hãnh diện về sự hy sinh của chồng, của con cho đất nước trọn vẹn một niềm vui ngày thống nhất dù các Mẹ phải chịu đựng nỗi đau trống vắng khắc khoải đến suốt cuộc đời.

Dược sĩ Võ Hồng Hương tặng quà của SaVipharm tới Mẹ VNAH Kiều Thị Nông tại nhà Mẹ ở huyện Củ Chi

 Rời khỏi nhà các Mẹ Việt Nam anh hùng, tôi trở về với cuộc sống thường nhật, trong lòng vẫn day dứt khôn nguôi, ước ao được trở lại thăm các Mẹ nhiều lần như vậy nữa vì quỹ thời gian còn lại của các Mẹ không còn nhiều. Mẹ ơi, chúng con sẽ thực hiện lời nhắn nhủ, gửi gắm mà Mẹ đã dành cho chúng con, thế hệ trẻ hôm nay: “Các con hãy sống thật hiên ngang, trong sáng, bản lĩnh vững vàng trên mọi mặt trận. Sẵn sàng chiến đấu và giữ gìn từng tấc đất mà cha anh đã để lại. Mong cho các con sống trong hòa bình mãi mãi”.

Thạc sỹ Hồ Mạc Gia Uyên, người lo lắng từ đầu cho việc tổ chức khám bệnh cho thân nhân các gia đình liệt sĩ trong chương trình, cũng có những cảm nhận thật sâu: “Sinh ra và lớn lên trong thời bình, tôi đã được học và nghe nói nhiều về các cô gái trẻ trong thời chiến tranh đã hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình để đi vào chiến trường, chiến đấu nhằm đem lại hòa bình độc lập tự do cho đất nước. Khi Công ty SaVipharm cùng với Bệnh viện Thống nhất, Ủy ban MTTQVN huyện Củ Chi tổ chức chương trình khám bệnh cho 100 bà con thuộc gia đình có công với cách mạng, tôi là một trong những thành viên của đoàn thực hiện công việc này và rất may mắn là qua đây, tôi đã được thấy những hình ảnh thật của các Mẹ đã chiến đấu và hy sinh cả tuối thanh xuân của mình để đem lại tự do cho thế hệ trẻ như tôi. Mẹ Năm, một trong các Mẹ đã đến khám bệnh, chia sẻ rằng Mẹ rất hạnh phúc bởi sự hy sinh của mình trong thời gian đi chiến đấu dù rất gian khổ, không đủ ăn, đủ mặc, bom đạn, hiểm nguy, đã đem lại kết quả tốt đẹp cho đất nước, sự hy sinh của các Mẹ đã đem lại hòa bình và cho thế hệ trẻ được tự do học tập phát triển đất nước trong ngày hôm nay. Thật cao quý biết bao tấm lòng các Mẹ, đã hy sinh tất cả cho đất nước Việt Nam độc lập, tư do và hạnh phúc. Biết ơn các Mẹ!”

Trong cái nắng oi của đất Củ Chi, chúng tôi vẫn chan nắng để tới tận nhà từng Mẹ, nhìn những vai áo ướt mồ hôi, nhưng nụ cười bừng lên trong ánh mắt từng người khi được nắm bàn tay Mẹ, thảng hoặc nét suy tư như áng mây lướt qua gương mặt một thành viên trong đoàn khi lắng nghe Mẹ kể về những khi bị địch bắt, bị chích điện chết đi sống lại nhiều lần,… tôi bỗng thấy thương yêu đến lạ từng nhánh cây, ngọn cỏ nơi đây. Qua gần nửa thế kỷ, những hố bom lở loét trong chiến tranh giờ đây đã được phủ xanh màu lá lúa, rừng đã mọc lên xanh ngát mềm mại ôm lấy đất đai. Dẫu những vết tích đau thương chiến tranh gây ra còn đó trong ký ức, nhưng yêu thương đã dần chữa lành cho tất cả, hàn gắn lòng người, để nụ cười Mẹ lấp lánh, để cái nắm tay của Mẹ lại truyền cho các con bao sức mạnh. Những lời nói của Mẹ VNAH Kiều Thị Nông cứ vang mãi trong lòng chúng tôi: “Các con bây giờ được sống, được đi làm mà không phải lo sợ máy bay trên đầu, bom mìn dưới chân. Hãy sống và làm việc thật giỏi, thật hạnh phúc con nhé.” 

(Theo Thời báo Văn học nghệ thuật ra ngày 30/4/2023)

Kiều Bích Hậu