Đi Malaysia có dễ không? Rất dễ, chỉ cần mua vé máy bay là lên đường, khỏi vướng thủ tục visa vào nước này vì cùng trong cộng đồng ASEAN. Vậy mà dù đã đi qua 32 quốc gia khác nhau trên thế giới, nhưng tôi chưa một lần đặt chân đến Kuala Lumpur – thủ phủ của Malaysia. Nhưng tôi biết mình cần đến nơi này, bởi nơi đó, có một người anh trai kết nghĩa với tôi, anh Bob Chee. Tôi từng hứa với Bob sẽ sang thăm đất nước quê hương anh, và anh cũng bảo sẽ đích thân dẫn tôi đến những điểm anh tự hào về đất nước mình, giảng giải cho tôi thật kỹ về lịch sử, văn hóa nơi đó…
Thói đời, những gì dễ quá, gần quá thì hay xem thường, bỏ qua, hoặc lần lữa chưa đụng chạm. Malaysia với tôi cũng thế, dễ quá mà, nên tôi cứ để đó, chưa bao giờ lên lịch sẽ ghé chơi. Hơn nữa, tôi cũng chưa tìm thấy một người bạn Việt Nam nào đủ thân, đang sinh sống, làm việc lâu dài tại Malaysia để đến nhà bạn tá túc vài ngày, quan sát cuộc sống của bạn, đặng để thêm một chân dung trong cuốn sách, cũng là dự án nghiên cứu riêng của tôi với nhan đề “Theo dấu chân Việt đi khắp thế gian”.
Thế rồi, nhờ cơ may phụ trách truyền thông cho hãng dược phẩm SaVipharm của Việt Nam, mà tôi được giao nhiệm vụ đại diện hãng sang Malaysia nhận vinh danh Top 10 thương hiệu mạnh ASEAN vào cuối tháng 4/2023. Thật tự hào vì tôi đứng trong hàng ngũ của một doanh nghiệp mạnh và cũng khá tò mò vì đã 6 lần tôi lên bục vinh quang nhận giải thưởng văn học, cả trong nước và quốc tế, nhưng chưa một lần nhận vinh danh với vị trí đại diện của một doanh nghiệp dược phẩm. Tôi nghĩ rằng, có lẽ đó là một cái duyên ông Trời run rủi, vì bố tôi là một vị tiến sĩ Sinh Hóa trường Đại học Dược, từng mong con gái theo nghiệp ông, nhưng con gái ông lại theo nghiệp văn chương, và cuối cùng bố tôi đành mang kho sách dược đồ sộ của ông tặng cho một cháu gái trong họ, cũng theo ngành dược. Bây giờ, tôi ngẫu nhiên gắn bó với SaVipharm - công ty dược, dù tôi chỉ làm công việc truyền thông, nhưng có thể cũng là điều thiêng liêng mà bố tôi dẫn dắt tới cho tôi.
Tác giả trước bảng vinh danh các thương hiệu mạnh ASEAN 2023
Đoàn chúng tôi gồm gần trăm doanh nhân từ Hà Nội, đáp chuyến bay tới Malaysia lúc trời đã tối. Hôm ấy lại nhằm trúng ngày Tết cổ truyền của người Malaysia, khi nghe chị Jess Woo, hướng dẫn viên thông báo như vậy, cả đoàn chúng tôi ồ lên ngạc nhiên. Thực sự là điều bất ngờ, khi đêm đó với người dân bản địa là rất quan trọng, giống như đêm ba mươi tết của Việt Nam vậy. “Đêm nay sẽ có bắn pháo hoa” – Jess thông báo. Jess là một phụ nữ gốc Hoa, dáng người đậm, săn chắc khỏe khoắn, nhanh nhẹn, đúng chất của dân du lịch. Nước da mai mái mịn màng, mái tóc cắt ngắn năng động, giọng nói vang, khỏe, nói tiếng Việt siêu tới mức cách pha trò, hài hước của chị khiến chúng tôi cười ngả nghiêng. Jess nói, ở đây, chúng tôi đa sắc tộc, nhưng chỉ một tổ quốc, đó là Malaysia. Chúng tôi sống hòa thuận với nhau dù rất khác biệt. Có ba tộc người chính, đó là: người Mã Lai chiếm hơn 60%, theo đạo Hồi, đàn ông ngày nay vẫn có thể lấy bốn vợ, nhưng không bao giờ hút thuốc, uống rượu bia; người Hoa chiếm hơn 20% và người Ấn Độ chiếm dưới 10%. Khách du lịch có thể theo màu da mà phân biệt được 3 tộc người sinh sống ở Malaysia. Người dân ở đây thường đùa rằng: người Hoa là sữa (da trắng), người Mã Lai là cà phê sữa (da nâu), còn người Ấn là cà phê đen (da sậm màu). Jess tự hào chỉ lên má mình nói “Tôi là sữa”.
Tác giả với chị Jess Woo, hướng dẫn viên người hoa tại Malaysia
Trên đường về khách sạn JW Marriot ở thủ đô Kuala Lumpur (cách sân bay quốc tế International Kuala Lumpur airport 70km), đoàn chúng tôi ghé một nhà hàng người Mã Lai ăn bữa tối muộn. Jess cho biết, người dân đi làm ở công sở chỉ làm việc hết ngày hôm nay, đến hôm sau sẽ nghỉ tết trong 3 ngày, còn trẻ em ở trường học thì được nghỉ 10 ngày. Do đó, một số nhà hàng sẽ đóng cửa vào 3 ngày tới. Khi một số người trong đoàn lo lắng về việc Kuala Lumpur sẽ đóng cửa mọi dịch vụ vào dịp tết, thì Jess nói, riêng các siêu thị, dịch vụ thương mại sẽ vẫn mở cửa trong tết, để phục vụ dân và du khách, chúng ta vẫn có thể mua sắm, đi thăm di tích thoải mái. Bữa tối được đưa ra, chúng tôi tò mò với những món ăn lạ địa phương, nhất là món cơm được gói trong lá chuối, thành từng gói nhỏ bằng nắm tay. Hỏi một nhân viên phục vụ thì tôi được biết, cơm người Mã Lai thường bọc cơm trong lá chuối, hoặc lá sen, cơm nấu khô như cách nấu của người Việt, hoặc được chế biến giống món cơm rang, với nhân là tép nhỏ. Các món gà, bò thường cho gia vị khá cay. Riêng món thịt lợn thì không bao giờ xuất hiện trong bữa ăn của người Mã Lai. Tôi chỉ có thể ăn được món cá rán sốt cà chua, món đậu chiên, trứng chiên rau và món gà nướng, là những món không hoặc ít cay hơn cả. Trong một cái khay tròn lớn, như một cái lẩu được chia ngăn, có tới 6 món ăn khác nhau, chưa hết, nhân viên phục vụ còn tiếp thêm những món nướng xiên, ăn kèm sốt đựng trong những chảo gang nhỏ xinh xinh. Tôi ăn khá dè dặt, dù nhớ lời Bob dặn, là hãy tận dụng thời cơ để thưởng thức ẩm thực phong phú của Malaysia. Xung quanh tôi, những bạn doanh nhân ăn cay được thì tỏ ra xuýt xoa thích thú với món ăn trên bàn. Điều đặc biệt nữa là có ba loại nước chính được phục vụ trong nhà hàng: trà sâm, trà sữa và nước detox (nước ngâm năm loại trái cây) đựng trong những bình thủy lớn. Khách tự lấy ly, xếp hàng và tự múc trà sữa bằng muỗng canh lớn, hoặc vặn vòi để lấy trà sâm, nước detox. Jess giải thích rằng người Malaysia ăn cay rất nhiều, ăn thịt nhiều, ít ăn rau hơn người Việt Nam, nhưng họ vẫn có nước da mịn và tiêu hóa tốt là nhờ uống trà sâm, món trà rất thông dụng trong mọi gia đình vì rất tốt cho tiêu hóa, điều hòa cân bằng âm dương trong cơ thể.
Sau bữa tối, trên đường về, khi bụng đã ấm, tôi mới có thể quan sát kỹ hơn hai bên đường, dưới ánh đèn vàng, những hàng cọ đứng chen nhau, đan lá vào nhau vẫy vui tươi trong gió. Đất nước này vốn nổi tiếng vì cây cọ, như cây tre ở Việt Nam. Nhưng bây giờ, trên các con đường huyết mạch của Việt Nam, tìm bóng cây tre đâu có dễ, nhưng tại Malaysia này, dường như ta có thể gặp cây cọ ở bất cứ nơi nào. Bởi cây cọ đã trở thành cây công nghiệp, mang lại nguồn thu quan trọng cho đất nước. Malaysia sản xuất dầu cọ lớn thứ hai trên thế giới, và coi đây là “món quà của Chúa”. Bỗng những tiếng nổ ùng oàng vang lên khiến chúng tôi giật mình. Jess kêu lên “Pháo hoa!” Ánh mắt chúng tôi đổ dồn về phía cửa kính xe, ngắm pháo hoa nổ bung rực sáng trong bầu trời đêm Malaysia. Ai nấy bỗng thêm một lần phấn chấn vì được đón năm mới về, cảm giác vừa lạ lùng, vừa hạnh phúc và thú vị. Như vậy là chúng tôi được đón năm mới hai lần trong năm 2023 này, ở Việt Nam và ở Malaysia. Trong xe ồn ào tiếng chúc mừng năm mới, khuôn mặt ai nấy rạng rỡ vui vẻ. Khoảnh khắc này khiến tôi nhớ đến giao thừa năm 2018 ở Bỉ, tôi và em gái đến nhà chị Tracey ăn bữa tiệc tất niên, sau tiệc em gái tôi lái xe chở tôi và hai con nhỏ về nhà, giữa đường thì giao thừa đến, pháo hoa nổ bung trời. Chị em chúng tôi dừng xe, cùng hai con mở cửa đi xuống đường ngắm pháo hoa xong mới lại lên xe đi tiếp về nhà.
Đến khách sạn JW Marriot, tôi ở chung phòng với Thúy Nga, chủ doanh nghiệp du lịch Mộc Travel. Cô sang đây vì doanh nghiệp du lịch của cô lọt TOP 100 thương hiệu mạnh ASEAN 2023. Dù doanh nghiệp của Nga đặt ở Nghệ An, nhưng cô hoạt động khá rộng khắp các vùng trong cả nước. Về đến khách sạn, dù đã gần 12 giờ đêm, nhưng tôi với Nga nhất quyết không lên giường ngủ ngay, mà đi ra phố để hưởng không khí đón giao thừa cùng người dân bản địa. Khách sạn của chúng tôi nằm ngay ở Bukit Bintang, trung tâm mua sắm sầm uất nhất Kuala Lumpur, chắc chắn là vui nhất rồi. Xuống đường, xe vẫn đông nghẹt, hai chúng tôi lách qua những đầu xe car, bus, taxi để qua đường. Tiếng pháo hoa dội lên vui vẻ khắp nơi, Nga đưa điện thoại hướng lên trời để ghi lại cảnh pháo hoa đón năm mới, xung quanh chúng tôi, người dân đi lại nườm nượp, các cửa hàng, hàng ăn sang trọng sáng đèn lộng lẫy, trai thanh gái lịch nắm tay nhau hân hoan mỉm cười. Có ban nhạc đường phố đang biểu diễn, đám đông giới trẻ tụ lại nghe nhạc, tôi chú ý đến những cô gái ngồi bệt trên vỉa hè, chân dài thon thả xếp tăm tắp hút mắt người ta, chẳng biết nơi này hấp dẫn vì ban nhạc biểu diễn hay vì những cô gái trẻ chân dài kia nữa. Ven lối đi bộ, có những họa sĩ ngồi vẽ chân dung cho khách, mắt chăm chú nhìn vào màn hình điện thoại có hình ảnh khách. Kế đó là một người đàn ông, ngồi bệt trên vỉa hè, trước mặt anh ta trải tấm khăn, đặt đứa con nhỏ, người mỏng như tấm mành tre, trông như tượng sáp, nằm thẳng đơ bên chiếc mũ hứng những đồng tiền của khách lại qua bố thí. Cảnh này khiến chúng tôi chùng lòng xuống trong không khí hân hoan hội hè đang diễn ra xung quanh. Nga cùng tôi vào cửa hàng thời trang, mua một món đồ, lát sau mang tiền lẻ ra định cho người đàn ông với đứa con nhỏ nằm trên vỉa hè, nhưng anh ta đã bỏ đi. Tôi ngơ ngẩn nhìn chiếc ô dù xanh gãy nan xõa xợi mà anh ta bỏ lại trên vỉa hè, nghe tiếng em Nga thốt khe khẽ, băn khoăn, họ đi đâu mà nhanh thế nhỉ, đứa bé ấy liệu có đi được không, hay bố nó phải bế? Mà bế con thì sao đi nhanh thế được!
Ở đâu thì cũng thế thôi, ngay nơi phồn hoa đô hội, trong ánh sáng xa xỉ từ những ô kính cửa hàng thời trang cao cấp, vẫn có những mảnh đời vất vưởng leo lét trong đêm khuya, trong phút giây trào dâng hạnh phúc, vẫn có khoảnh khắc xao lòng xót xa. Âu vẫn là sự đời hai mặt, tréo ngoe muôn màu, chắc phép thần thông nào có thể vê tròn cho hoàn hảo được.
Hôm sau, chúng tôi được gần trọn ngày thăm quan Kuala Lumpur. Buổi sáng, mở mắt ra, tôi thấy trời mờ mờ sáng, đoán chắc vẫn còn sớm nên nấn ná ngủ thêm, vì đêm qua tôi lên giường lúc 2 giờ sáng, khá muộn. Nhưng vừa trở mình định ngủ nướng, thì đã nghe tiếng chuông cửa reo. Tôi lờ đi vờ như không nghe thấy để ngủ tiếp, nhưng rồi tiếng gõ cửa tiếp theo dập dồn. Hẳn là có ai đó cần việc gấp rồi. Nga ở giường bên nhỏm dậy. Tôi ú ở bảo Nga, em ra cửa xem họ gọi có việc gì. Nga ra cửa, mở cửa, nghe có tiếng đối đáp không rõ, lát sau cô quay vào bảo tôi, người ta giục đi ăn sáng chị ạ. Gần 8 giờ sáng rồi! Ôi chao, tôi đã ngủ muộn thế sao!? Tôi bước ra cửa sổ rộng của khách sạn sang trọng 5 sao, nhìn sang những tòa nhà chọc trời phía đối diện, hai chiếc đồng hồ khổng lồ xa xỉ đập vào mắt. Biển quảng cáo mẫu đồng hồ mới của khu trung tâm thương mại bên kia đường. Thật là một sự giục giã không lời! Đi đâu cũng không thoát khỏi thời gian và những hối thúc liên hồi kỳ trận của công việc, của những dự định,…
Bữa sáng khách sạn 5 sao ngập tràn món ngon, nhưng tôi chú ý đến món bánh áp chảo (bánh xèo của người Ấn Độ). Một anh chàng người Ấn, có nước da màu cà phê đen như Jess ví von, đang dẻo tay như múa dàn mỏng bột bánh đã ngào dẻo, sau đó cho vào chảo rán, rồi đặt từng tảng bánh còn nóng bốc khói này vào tấm lá chuối. Tôi cũng lấy một tảng bánh vào đĩa của mình. Khi ăn, chao ôi là xao xuyến ào về khi trong miệng tôi là vị chảo nóng mỡ với bột mì xém nâu vàng. Tôi trào nước mắt nhớ mẹ, nhớ những ngày đói kém thời bao cấp, khi cả tháng thèm nhạt, chúng tôi mới được ăn bánh áp chảo một lần khi mẹ mua được chút mỡ lợn theo chế độ tem phiếu của cô giáo cấp III. Còn thì có bao nhiêu bột mỳ được mua theo tiêu chuẩn, mẹ chỉ có thể làm bánh nắp hầm cho chúng tôi ăn trừ bữa.
Cảnh làm bánh áp chảo của đầu bếp người Ấn
Tôi chỉ ăn tảng bánh áp chảo đó, và một nhánh nho đen, nhấp một tách trà sâm nhỏ, cho dù Jess đã dặn đi dặn lại là cần ăn thật no, vì cả ngày chúng tôi di chuyển nhiều, bữa trưa lại ăn muộn. Tôi muốn giữ lại vị bánh áp chảo thương nhớ của mẹ tôi, không muốn các món ăn khác làm mất đi dư vị ký ức quý giá đó. Tôi thầm cảm ơn anh đầu bếp có nước da màu “cà phê đen” ở Kuala Lumpur đã hào phóng tặng lại cho tôi một miền xúc cảm gợi lại được từ miếng bánh áp chảo anh làm.
Sau bữa sáng, Jess đưa chúng tôi đến thăm Hoàng Cung Malaysia. Chị tự hào nói rằng, nhiều cung điện trên thế giới rất lộng lẫy, nhưng chỉ là cung điện kỷ niệm mà thôi, còn ở Kuala Lumpur, cung điện sống động với quốc vương và hoàng hậu vẫn đang sống trong đó. Nhưng cũng chính vì vậy mà du khách chỉ được đứng ngoài ngắm nhìn mà thôi. Đức vua hiện tại, Abdullah Sultan Amad Shah, sinh năm 1959, từng học tại Anh quốc, lên ngôi năm 2019. Ngài sẽ tại vị trong 5 năm theo quy định của Malaysia. Cả đoàn doanh nhân tranh thủ chụp ảnh trước Hoàng Cung, còn tôi thì mang theo hai cuốn sách “Gió gọi ban mai” của nhóm 6 tác giả (Trần Tựu, Kiều Bích Hậu, Đỗ Mai Hòa, Võ Thị Như Mai, Khánh Phương, Phạm Vân Anh) và cuốn sách thơ tiếng Anh của tôi mới xuất bản ở Canada “Từ Hồng Hà tới Danube” để chụp ảnh sách tại các địa danh này. Tôi có ước nguyện, đi đâu mới lạ cũng mang theo cuốn sách yêu quý của mình đi để chụp ảnh sách tại nơi đó, và tìm một người bạn quen thân, hoặc một người bạn mới để tặng lại cuốn sách ấy, sách sẽ được lưu lại nơi ấy, như vết dấu tinh thần của mình để lại nơi mình từng đi qua.
Cảnh trước Hoàng Cung
Sau Hoàng Cung, chúng tôi tới thăm động Batu, nằm trong hang núi đá vôi, là khu điện thờ Hindu nổi tiếng, cách thủ đô Kuala Lumpur 13km. Tôi được gặp lại sắc màu và tinh thần Ấn Độ nơi đây. Những bậc thang lên động bảy sắc cầu vồng lộng lẫy thu hút ánh mắt. Tôi tiếp tục chụp ảnh hai cuốn sách mang theo với khung cảnh nơi đây, rất đông các cô gái, chàng trai Ấn quấn quýt, sóng mắt đắm say, tiếng nhạc cổ đặc trưng tình yêu trai gái vấn vít, những đàn chim bồ câu đập cánh vù vù sà xuống sân, xuống tay các cô gái ăn hạt. Rất đông du khách đi lại chụp ảnh, ngắm cảnh, và mua sắm. Có thể đi lễ, hoặc lang thang cả ngày ở đây để tận hưởng mọi thú vui sôi nổi tràn đầy sinh lực và ước mơ. Những món đồ óng ánh vàng bạc châu báu hút mắt các cô gái. Đồ ở đây rẻ lắm, nhưng chỉ là hàng chơi ngắn ngày thôi nhé – Jess cảnh báo chúng tôi. Có người mua đồ trang sức, đeo một thời gian thấy bay màu, hỏi Jess ơi sao kỳ vậy? Nhưng Jess cảnh báo rồi nha, mua trang sức của người Ấn tại khu du lịch này chỉ để đeo cho vui vài ngày thôi đó, không phải hàng quý giá đâu. Mặc kệ Jess nói, nhiều cô gái trẻ trong đoàn vẫn mua những món đồ trang sức óng ánh. Kệ thôi, họ đang vui thế kia cơ mà! Theo chân Jess vào hàng lưu niệm, chúng tôi được thưởng thức món trà kéo Teh Tarik –thứ đồ uống quốc dân của Malaysia. Sau đó, mọi người trong đoàn mua tới tấp các loại bánh, trà, bột trắng răng, gel mọc tóc truyền thống của người Ấn. Tôi nhớ hồi sang thăm Ấn Độ năm 2014, gặp thầy Thích Huyền Diệu, thầy có giới thiệu về một loại cây lá Neem tại đây, với lá được dùng để chế kem đánh răng và bột làm trắng răng, tác dụng ngừa sâu răng, trị hôi miệng, trị bệnh nướu răng rất nổi tiếng của người Ấn. Tôi đã mang cây này về Việt Nam trồng. Tôi cũng khá tin vào tác dụng tốt của cây này. Hồi đó, thầy Thích Huyền Diệu còn gợi ra một ý rất hay cho đoàn doanh nhân, rằng tôi đố các vị, hãy sản xuất ra một loại sản phẩm, sao cho mỗi người dân Ấn Độ mỗi tháng chi dùng cho sản phẩm ấy 1 USD, là mỗi tháng quý vị đã có doanh thu tỷ đô rồi! Còn Jess thì bảo chúng tôi, nên mua bột trắng răng và gel mọc tóc, vì cả gia đình Jess dùng hai sản phẩm đó hàng ngày, rất hữu hiệu. Thế là ào ào mua hàng. Thực sự sức thuyết phục của hướng dẫn viên Jess quá đỉnh.
Cảnh trước động Batu
Sau chuyến du ngoạn cả ngày, 4 giờ chiều chúng tôi về lại khách sạn để chuẩn bị cho Gala vinh danh. Có nhiều quan chức của hai nước Việt Nam và Malaysia cùng dự. Tôi nhận thấy, các doanh nhân trong sự kiện, không chỉ tự hào vì được vinh danh trong danh sách các thương hiệu mạnh trong cộng đồng doanh nghiệp ASEAN, mà còn tìm thấy ở đây cơ hội kết nối kinh doanh, hợp tác phát triển, xuất và nhập khẩu hàng hóa. Chính thương hiệu SaVipharm mà tôi đang làm phụ trách công tác truyền thông, cũng đang xuất khẩu dược phẩm sang Malaysia cả thập niên qua. Điều ấy thêm một điểm khiến tôi thấy gần gũi với đất nước, con người Malaysia hơn nữa, bên cạnh việc tôi có Bob Chee, người anh kết nghĩa sinh ra tại nơi này. Tuy rằng sau đó Bob cùng gia đình đã sang Úc định cư, cũng có thể do ý kiến của bộ phận người Hoa tại đây cho rằng, nền kinh tế Malaysia còn chậm phát triển so với tiềm năng thực tế. Sinh sống tại Úc, mỗi năm ít nhất một lần Bob vẫn về thăm lại Malaysia, và anh còn có ý định sẽ viết một cuốn sách về cuộc đời người mẹ anh, một người Hoa sinh ra tại Malaysia từ đầu thế kỷ 20. Từ đời cụ ngoại của Bob là người nhập cư, đến Bob là đời thứ ba sinh ra ở Malaysia, và một lần nữa di cư sang Úc. Một lịch sử gia đình có những thay đổi và các cuộc di cư đáng để kể, để viết lại.
Sau đêm Gala thật ấn tượng, chúng tôi có thêm một buổi sáng hôm sau đi thăm tòa tháp đôi chọc trời nổi tiếng Petronas Twin Towers – là biểu tượng của Kuala Lumpur, cao 452m, giữ kỷ lục tòa tháp đôi cao nhất thế giới. Jess cho biết, tòa tháp có 88 tầng, do người Hoa thích con số 8. Ai đến Kuala Lumpur cũng đều “check in” tòa tháp đôi này bằng được. Tuy nhiên, Jess cũng nhắc chúng tôi cảnh giác với tệ nạn trộm cắp nhân lúc đông người chen lấn tới tòa tháp đôi. Trong xe, ngửa mặt nhìn lên ngọn tháp, tôi bàng hoàng trước sự hùng vĩ của tác phẩm từ bàn tay con người. Và quả nhiên, nơi đây cũng kẹt xe khủng khiếp, đúng như Jess nói “Ngày nào chúng tôi cũng ăn món kẹt xe!”. Khó khăn lắm chúng tôi mới có thể sang đường, đi bộ khoảng 500 mét từ nơi đỗ xe tới tòa tháp đôi. Jess gần như khản cổ mới gạt được các đoàn khách khác ra để đoàn chúng tôi có thể chụp một tấm hình kỷ niệm trước tòa tháp đôi Petronas. Chúng tôi tranh thủ tíu tít chụp ảnh chung, riêng với tòa tháp khổng lồ này. Tôi nghĩ, những ai làm việc trong văn phòng ở tòa tháp này hẳn tự hào lắm lắm. Jess cho biết, tuy ban ngày ở đây đông vui là vậy, nhưng chỉ đến 9h tối thì tòa tháp tĩnh lặng trong đêm tối, không sáng rực đèn như ở khu Bunkit trong trung tâm nơi chúng tôi đã nghỉ đêm. Do nơi này ở ngoại ô nên không tập trung các cửa hàng sang trọng.
Trước tòa tháp đôi Petronas
Rời Malaysia, chúng tôi mang theo biểu tượng của tòa tháp đôi cao ngất, như ý chí vươn lên mãi cao của loài người. Dù chỉ là những lát cắt mỏng qua Kuala Lumpur, nhưng cũng đủ để tôi thầm mến yêu nơi này, và nhủ lòng sẽ trở lại, để khám phá sâu hơn đất nước rừng cọ xanh tươi với đa sắc tộc, nhưng gắn kết chặt chẽ bằng tình yêu thương.
(Theo Lao động cuối tuần số ra ngày 10/6/2023)
Kiều Bích Hậu
(Ghi chép)