Ngày 10.6.2024, Thầy thuốc ưu tú, Tiến sĩ, Dược sĩ CKII Trần Tựu, Tổng Giám đốc SaVipharm, đã trở lại thăm Bệnh viện Lộc Ninh – nơi đã từng là Thủ đô Kháng chiến trong thời kỳ chiến tranh. Cùng đi với ông là đoàn phóng viên truyền hình Tp. HCM, ghi lại những hình ảnh đầy xúc động của người dược sĩ chiến khu, thăm lại nơi cảnh cũ người xưa.
Bệnh viện Lộc Ninh vẫn nguyên vẹn nét cổ kính từ 50 năm trước
Sau cơn mưa giữa hè, trời có quang đãng hơn, những cụm mây trắng vẫn lơ lửng trên bầu trời óng ánh hơi nước, và đất ẩm dậy lên mùi nồng ngái ngột ngạt. Lũ muỗi rừng cao su bắt đầu xông ra bay u i săn khách lạ đến khu di tích Bệnh viện Lộc Ninh. Khu nhà bệnh viện cũ, dãy dài mặt tiền hướng ra đường chính, màu tường vôi vàng đã lên rêu, dòng chữ "Bệnh Viện Lộc Ninh" với ngôi sao đỏ ở giữa gợi lên cảm giác cũ mèm mà xót xa, thương cảm. Giữa cảnh đó, những lối đi mái vòm, những đường lượn sóng mái che cửa sổ vẫn toát lên vẻ kiêu sa kiến trúc Pháp xưa. Tiến sĩ Trần Tựu bước đi chậm rãi, chạm vào từng khung cửa chớp sơn xanh đã mờ dày bụi, ngắm lại biển tên khoa Dược, lặng lẽ hồi tưởng lại cảnh nơi này hơn 50 năm trước. Hơi nước hay nước mắt nhớ cảnh cũ mà người xưa đã chẳng còn, làm mờ mắt kính trắng của ông. Chúng tôi chậm rãi bước theo ông, người dược sĩ chiến khu nay đã ngoại thất thập, đang nghẹn ngào xúc động chẳng cất lên lời. Tôi tự hỏi, những người đồng nghiệp của ông ngày xưa cùng gắn bó nơi này, nay ai còn, ai mất, nếu còn, thì họ lưu lạc nơi đâu?
Trần Tựu, một trong những dược sĩ có vai trò quan trọng trong ngành dược thời kỳ kháng chiến, đã từng công tác tại Bệnh viện Lộc Ninh từ năm 1972 đến 1975. Trong thời gian này, ông đảm nhận vai trò Trưởng khoa Dược bệnh viện, dẫn dắt một đội ngũ gồm 14 dược sĩ, bao gồm cô Chuẩn (phó Khoa), cô Đôi (người Hà Nội), cô Lý (người Sài Gòn), anh Khiên và vợ là chị Mai (cả hai đều là dược sĩ đại học), cùng các đồng nghiệp khác. Khoa Dược do ông phụ trách có nhiệm vụ cung cấp thuốc cho bệnh viện và hơn 20 bệnh xá trong khu vực.
Trước khi khoa Dược được thành lập, Bộ Y tế đã cử ba giáo sư là GS Châu, GS Định, và GS Tùng về giúp tư vấn và hỗ trợ công tác xây dựng, quản lý Khoa. Đây là những chuyên gia cao cấp về chuyên môn, đã đến làm việc trực tiếp với khoa Dược Bệnh viện Lộc Ninh, giúp xây dựng nền tảng vững chắc cho hoạt động của khoa.
Trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, khoa Dược của Bệnh viện Lộc Ninh luôn sáng đèn suốt ngày đêm, bào chế các loại thuốc tiêm kháng sinh, vitamin và dịch truyền mặn, ngọt để phục vụ cho các chiến sĩ, thương bệnh binh và hàng vạn bà con vùng giải phóng. Công việc này không chỉ đòi hỏi kỹ năng chuyên môn cao mà còn cần lòng dũng cảm và sự cống hiến hết mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Ông Trần Tựu nhớ lại những ngày vui nhất tại Bệnh viện Lộc Ninh thời ấy, đó là những ngày phát thuốc, diễn ra ngày giữa và cuối tháng. Tất cả các anh em ở hơn 20 trạm xá tụ về “đại bản doanh” là khoa Dược bệnh viện, lĩnh thuốc. Sau đó, họ còn được đãi cơm độn khoai, sắn, ngô, ăn kèm rau càng cua hái trong rừng cao su, và cá khô, đậu phộng rang, muối lạc, kho quẹt mua ở thị trấn Lộc Ninh. Bữa cơm đạm bạc như thế đã được coi là đại tiệc, anh em phấn khởi và mong chờ vô cùng.
Khi thăm lại khoa Dược, nay đã là một khu nhà trống trơn, cũ kỹ nằm giữa rừng cây, tường giăng đầy mạng nhện, xung quanh lá rụng dày, ông Trần Tựu không khỏi bồi hồi khi bước lên lớp lớp lá rụng, lao xao nhẹ dưới chân ông. Đội ngũ y, bác sĩ của bệnh viện nay đã rời sang cơ sở mới, vào thời điểm khi khu nhà bệnh viện do Pháp xây dựng đã tròn 100 tuổi. Trước kia, thực dân Pháp đã xây khu bệnh viện này để phục vụ công nhân cao su ở Lộc Ninh. Sau khi Lộc Ninh là vùng được giải phóng đầu tiên trong chiến tranh với Mỹ, bệnh viện này đã trở thành bệnh viện của Thủ đô Kháng chiến. Đứng giữa phòng pha chế của khoa Dược, ông Trần Tựu bồi hồi nhớ lại: "Hồi chiến tranh, không có máy lạnh, vậy mà vào các phòng trong khoa Dược đều mát lạnh, thật cảm phục cách xây dựng tuyệt vời của người Pháp."
Dược sĩ Trần Tựu xúc động khi đứng trước phòng làm việc ngày xưa
Chuyến thăm lần này của Dược sĩ Trần Tựu không chỉ là dịp để ông ôn lại ký ức xưa khi ông và đồng nghiệp nỗ lực trong điều kiện vô cùng khó khăn thiếu thốn để bào chế dược phẩm phục vụ chiến sĩ, đồng bào, mà còn là cơ hội để các thế hệ trẻ hiểu hơn về những đóng góp to lớn của ông và đồng nghiệp trong thời kỳ chiến tranh. Câu chuyện ông chia sẻ sẽ được người đời sau khi lại, trở thành nguồn động lực thúc đẩy chúng ta học tập cha anh, dũng cảm vượt thách thức để chinh phục những đỉnh cao nghề nghiệp. Những hình ảnh, câu chuyện được ghi lại bởi đoàn phóng viên truyền hình Tp. HCM sẽ còn là những tài liệu quý giá, lưu giữ lại ký ức hào hùng của một thời kỳ không thể nào quên.
Thầy thuốc ưu tú, Tiến sĩ, Dược sĩ CKII Trần Tựu đã chia sẻ: "Trở lại nơi đây, dù bệnh viện cũ chỉ còn là khu dich tích, nhưng tôi vẫn cảm nhận được sự phát triển không ngừng của ngành y tế. Điều này làm tôi vô cùng tự hào và xúc động. Những năm tháng tại Bệnh viện Lộc Ninh hơn nửa thế kỷ trước là khoảng thời gian khó quên, đầy thử thách nhưng cũng đầy ý nghĩa trong cuộc đời tôi."
SK