Sinh ra và lớn lên trong cảnh nghèo, thiếu thốn, vất vả cả trăm bề, cậu bé Tựu người làng Duy Dương, xã Trung Lương, tỉnh Hà Nam năm xưa đã có từng một lần được đón tết Trung thu? Được ăn món bánh ngọt hay thắp đèn ông sao vui đùa khắp xóm? Hẳn là chưa có trung thu nào trọn vẹn như thế…
Hình: TTƯT, DS.CKII Trần Tựu đọc các tác phẩm báo chí, bên bàn làm việc
Những kí ức khó quên khép lại bằng nụ cười thơ ngây và thấm đẫm hạnh phúc của các em nhỏ nơi vùng biên A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Tết trung thu đã qua, các em đã quay về với việc học, với cuộc sống giản đơn, bình dị hàng ngày. Nhưng khoảnh khắc được phá cỗ, vui đùa bên chú Cuội, chị Hằng, được xem múa lân, vui văn nghệ và nhận quà bánh thì sẽ trở thành một phần rực rỡ, tốt đẹp nhất trong kí ức tuổi thơ của các em. Còn đối với những người thực hiện chương trình “Biên cương đêm hội trăng rằm”, niềm hạnh phúc đến từ chính những nụ cười hồn nhiên, ngây thơ ấy. TTƯT, DS CKII Trần Tựu đã rất xúc động khi xem được hình ảnh các em nhỏ vùng biên A Lưới, trong đó nhiều em là nạn nhân chất độc da cam điôxin như hoàn cảnh của em: Hồ Bãi Binh ở thôn Loah-Tavai; Hồ Văn Thoại, Vương Hoàng Phương Nam ở thôn Ka Vá; Viên Thị Thu Huyền, Hồ Thị Lan Chi ở thôn Tru-Chaih…bẽn lẽn đón nhận phần quà do ông gửi tặng. Ông đã đọc từng trang báo viết về sự kiện và cùng vui như thể cậu bé Tựu năm nào được đón trung thu. Thông qua sự kết nối từ nhà văn Phạm Vân Anh, TTƯT, DS.CKII Trần Tựu đã tình cờ biết về chương trình đầy ý nghĩa mà Bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế đang ấp ủ, nhằm mang đến một đêm trung thu chưa từng có cho gần 500 em nhỏ nơi biên cương. Không hề do dự, với tư cách cá nhân, Ông đã hỗ trợ ngay 300 suất quà bánh và 20 suất học bổng, tổng trị giá 30 triệu đồng đến chương trình. Ông chia sẻ: “Năm 1972, sau khi tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, tôi đã xung phong vào Nam làm nhiệm vụ, cùng đồng đội hành quân vượt Trường Sơn suốt nhiều tháng và đã đi qua bao bản làng bình dị của bà con Pa Kô, Vân Kiều, nên luôn ghi nhớ tấm lòng và sự giúp đỡ của bà con dành cho cán bộ cách mạng”.
Hình: Bộ đội biên phòng trao quà của TTƯT, DSCKII Trần Tựu đến tậy tay các em nhỏ xã Đông Sơn, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế
Hôm trung thu, A Lưới mưa nhiều, các chiến sĩ quân hàm xanh đã đến tận từng gia đình để đem quà, bánh cùng lời nhắn nhủ của TTƯT, DS.CKII Trần Tựu đến với các em, còn tại Hội trường nhà văn hóa xã Đông Sơn tràn ngập tiếng ca hát, xen lẫn tiếng reo hò vui hội. Các em nhỏ có quà đón trung thu đủ đầy, các em lớn hơn có phần học bổng để mua thêm sách vở, bộ quần áo mới viết tiếp ước mơ đến trường. Sau chương trình ấy, một bức tranh do chính các em vẽ bằng màu nước với hình ảnh cháu bé trong trang phục dân tộc Vân Kiều cầm đèn ông sao, vui hội đã được chuyển TTƯT, DS.CKII Trần Tựu và được Ông hết sức trân trọng. Cùng với đó là thư cảm ơn của Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong thư, Trung tá Hồ Văn Việt, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP Thừa Thiên Huế thay mặt lãnh đạo Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh và các em thiếu niên, nhi đồng xã Đông Sơn, huyện A Lưới, gởi lời cám ơn chân thành, sâu sắc tới TTƯT, DS.CKII Trần Tựu đã dành những tình cảm yêu thương và nghĩa cử cao đẹp hết lòng giúp đỡ biên phòng tổ chức chương trình trung thu đầy ý nghĩa. Bộ đội biên phòng Thừa Thiên Huế xem sự ủng hộ quý báu đó là một nguồn động viên và là động lực cho không chỉ các em nhỏ mà cả các chiến sĩ nơi biên cương thêm sức mạnh, vượt qua khó khăn, vươn lên không ngừng. Đồng thời mong rằng sẽ có thêm nhiều dịp kết nối để lan tỏa và trao đi những yêu thương đến với những thôn làng trên tuyến biên giới.
Hình: Toàn văn thư cảm ơn của BĐBP Thừa Thiên Huế và bức tranh do các em nhỏ gửi tặng TTƯT, DS.CKII Trần Tựu
Quá khứ đã đi qua, cậu bé Tựu ở làng Duy Dương năm nào còn vui vì nhận được nắm xôi chống đói từ người thầy khi vượt lũ đến lớp, nay cũng đã bước qua ngưỡng cửa vào thu của cuộc đời. Những gì tuổi thơ khốn khó Ông chưa được trải qua, nay nhờ bản lĩnh và nỗ lực không biết mệt mỏi, chính Ông lại đã và đang bù đắp, đem đến niềm vui cho rất nhiều những hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, trong đó có thiếu niên, nhi đồng, có những mẹ VNAH, những thương, bệnh binh,…Hạnh phúc là khi san sẻ, yêu thương và nhận lại những nụ cười từ sự sẻ chia ấy./.
Thanh Hòa