VOV.VN - Vào ngày 1/5/2024, nhân kỷ niệm 3 năm ra mắt và phát sóng Kênh Việt Happiness Station - diễn đàn dành cho người xa xứ yêu tiếng Việt và duy trì, quảng bá văn hóa Việt (trụ sở tại Bỉ) đã tổng kết dự án “Podcast của tôi - chuyện của tôi” giai đoạn I với những kết quả đáng khích lệ.
Khi những câu chuyện được lắng nghe
Nhận lời tham gia Ban cố vấn cho dự án, Giáo sư Phan Văn Trường - chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đàm phán quốc tế, nguyên cố vấn của Chính phủ Pháp về thương mại quốc tế, đã tặng cho Ban biên tập Kênh Việt Happiness Station từ khóa cơ bản nên theo đuổi: Rung động! Làm gì và làm cách nào đạt được sự rung động, ấy là thành công, ấy là hạnh phúc.
Kể từ khi nhận danh hiệu “Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài 2023” (do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài thuộc Bộ Ngoại giao trao tặng), Kênh Việt Happiness Station càng quyết tâm thực hiện dự án “Podcast của tôi - Chuyện của tôi” bởi nhận thấy hiện nay không ít thanh thiếu niên người Việt/gốc Việt ở nước ngoài, bản thân từng bị hoặc phải chứng kiến các tình huống bắt nạt, phân biệt đối xử, thường xuyên có cảm giác không thoải mái khi thấy mình không giống số đông và không được lắng nghe... đều có khả năng bị tổn thương về mặt tinh thần. Đây là dự án khuyến khích thanh thiếu niên người Việt/gốc Việt ở nước ngoài, các du học sinh Việt, biến những câu chuyện chưa được lắng nghe trở thành câu chuyện được lắng nghe. Dự án đồng hành với thanh thiếu niên người Việt/gốc Việt ở nước ngoài, du học sinh Việt trong quá trình khám phá bản thân, chuyển hóa sự khác biệt thành khả năng đặc biệt có giá trị cho cộng đồng.
Chính vì ý nghĩa này mà dự án "Podcast của tôi - Chuyện của tôi" đã nhận được sự tài trợ chính của Công ty cổ phần dược phẩm SaVi, gọi tắt là SaVipharm- thương hiệu hàng đầu của ngành Công nghiệp Dược Việt Nam, từng nhận giải “Ngôi sao thuốc Việt 2014”- giải thưởng uy tín nhất của Bộ Y tế về chất lượng. Để dự án đi được đường dài, Kênh Việt Happiness Station còn nhận được sự tài trợ và hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ, Tổng hội người Việt Nam tại Bỉ, nhà hàng Hanoi station tại Bỉ, và Mèo Vạc Clayhouse thuộc Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông, Pả Vi, Mèo Vạc, Hà Giang.
Trong một năm phát động và phát sóng, dự án "Podcast của tôi - Chuyện của tôi" đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng nhiệt tình của các thanh thiếu niên và phụ huynh đang định cư, học tập ở Bỉ, Đức, Hà Lan, Nhật, Pháp, Scotland, Ukraina... Qua từng câu chuyện và giọng nói trong các podcast gửi về, khán thính giả có thể thấy rõ một góc đời sống người Việt xa xứ: từ cô gái Mai Linh 27 tuổi (Bỉ) với những lần trở về Việt Nam và Quảng Ninh mong tìm lại được cha mẹ đẻ của mình cho đến cô gái Hạnh Nguyễn 25 tuổi (Hà Lan) cùng mẹ và anh trai bay sang xứ sở hoa tulip với hành trang trĩu nặng băn khoăn “Đây chính là tương lai của tôi? Đây có phải hành trình tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn bằng công việc làm móng ở xứ người?”
Dự án cũng là nơi những bạn trẻ sinh ra với kết luận là trẻ tự kỷ được thoải mái kể chuyện và thể hiện khả năng của mình bằng giọng nói, âm nhạc, hội họa. Một trong những podcast gây chú ý đặc biệt, truyền được nhiều cảm xúc tới người nghe đó là “David bận rộn” của David Smets, 22 tuổi, có mẹ là người gốc Việt, bố người Bỉ. Nằm trong bụng mẹ mới 6 tháng David đã chào đời, cân nặng chỉ 750 gram. Lên 3 tuổi, bác sĩ kết luận khả năng nhìn của David chỉ đạt mức của trẻ 5 tháng tuổi. Sau một loạt các khám nghiệm khác, bác sĩ kết luận David là trẻ tự kỉ. Nhưng bằng nỗ lực tự thân và sự chăm sóc, yêu thương vô bờ bến của mẹ, bố và các em trai, David đã lớn lên, biết đàn và biết kể câu chuyện đầy xúc động của mình cho mọi người nghe. Trong podcast David cũng hát lại lời mẹ ru nôi năm nào Con cò là cò bay lả, lả bay la/Bay từ là từ cửa phủ bay ra là ra cánh đồng/Tình tính tang là tang tính tình..
Một trong những cố vấn của dự án là thạc sĩ giáo dục Võ Thị Mỹ Dung, giảng viên sau đại họ c- Học viện AcademyEX New Zealand, thạc sĩ chuyên ngành Giáo dục đặc biệt ĐH Manchester UK, từng là giảng viên Khoa Giáo dục Đặc biệt của ĐHSP TP HCM, chuyên giảng dạy và nghiên cứu về giáo dục trẻ tự kỷ. Khi xem podcast “David bận rộn”, “Vẽ thay lời muốn nói”... của các thanh thiếu niên là trẻ tự kỷ gửi đến dự án, thạc sĩ Mỹ Dung nhận xét “Trẻ tự kỷ có em vẽ tốt, có em sử dụng máy tính giỏi, có em đàn hay... Bất kỳ phương tiện nào giúp biểu hiện được cảm xúc của các em cũng đều đáng khuyến khích. Dự án này thu hút được nhiều podcast sử dụng đa dạng các phương tiện như vẽ, âm nhạc, dựng video, audio để kể chuyện rất thú vị. Đây cũng là nơi để mọi người có thể tự do sáng tạo. Tôi rất thích cách tiếp cận như vậy".
Từ các podcast gửi về, Ban tổ chức đã chọn được 9 podcast vào chung khảo. Và ở vòng xét chọn của Ban cố vấn, đã chọn ra 3 tác giả nhận Tặng thưởng của Ban cố vấn dự án “Podcast của tôi - Chuyện của tôi” gồm: Hạnh Nguyễn (25 tuổi, Hà Lan) với podcast “Những người tô màu trong tiệm móng"; Bùi Bạch Diệp Daria (14 tuổi, Ukraine) với podcast “Tìm lại nụ cười ở Kyiv”; David Smets (22 tuổi, Bỉ) với podcast “David bận rộn”.
Đặc biệt, thí sinh Schall Friedrich, 23 tuổi (Pháp) với podcast “Học để chữa bệnh cứu người” đã nhận được Tặng thưởng đặc biệt Savipharm. Schall Friedrich hiện là sinh viên Đại học FAC Medecine Reims, chuyên y khoa tại Pháp. Câu chuyện về ước nguyện theo học Y và quyết định về việc chọn trường Y của Friedrich đã nhận được sự đồng cảm đặc biệt khiến Công ty cổ phần dược phẩm SaVi quyết định trao cho thí sinh này Tặng thưởng đặc biệt của Savipharm!
Thành viên Ban cố vấn, ông Trần Trọng Hùng- Chủ tịch Hội Doanh Nghiệp Việt Nam tại Ba Lan nhận xét “Podcast “Những người tô màu trong tiệm móng” có giá trị đặt vấn đề cao, tạo cho người nghe cái nhìn sâu hơn về mục đích sống cuộc đời xa xứ như thế nào. Podcast “Tìm lại nụ cười ở Kyiv” là chuyện kể của một đứa trẻ trong bối cảnh chiến tranh nên tạo được sự quan tâm lớn cho xã hội".
Từng là Trưởng ban tổ chức Lễ hội văn hóa Việt Nam tại Vacsava, ông Trần Trọng Hùng cũng nhấn mạnh: “Cộng đồng người Việt ở Ba Lan có hơn 30 năm phát triển. Có nhiều lớp người Việt trẻ sinh ra, lớn lên ở đây. Lứa người gốc Việt đầu tiên sinh ra ở Ba Lan nay khoảng 30- 40 tuổi. Giai đoạn những năm đầu ấy có thể nói các bạn rất bơ vơ: chỉ nói được tiếng Ba Lan chứ không nói được tiếng Việt, tối đi ngủ thì bố mẹ chưa về, tỉnh dậy chỉ nhìn thấy bà Tây được thuê để trông nom thay bố mẹ đi làm. Các bạn ấy nói tiếng Ba Lan giỏi hơn tiếng Việt, nhiều tính Ba Lan hơn tính Việt và bị xung quanh gọi nhầm là người Trung Quốc. Dần dần đứa trẻ mất đi danh tính, mất nhận thức mình là ai. Khi chúng tôi tổ chức các Lễ hội văn hóa Việt Nam tại Vacsava thu hút hàng chục ngàn, thậm chí cả trăm ngàn người tham dự, tôi gặp lại những đồng hương đã cả chục năm không gặp. Họ đến để cảm ơn vì chúng tôi đã tổ chức được lễ hội mà họ có thể tự hào mời bạn bè của mình đến. Còn những đứa trẻ sau khi tham gia các lễ hội như vậy đã nhận rõ hơn họ là người Ba Lan gốc Việt. Và những đứa trẻ ấy hoàn toàn tự hào là người gốc Việt. Chúng không còn băn khoăn nữa. Đó là điều những người lớn có thể mang lại được cho thế hệ trẻ Việt ở nước ngoài. Không gian người Việt ấy, văn hóa Việt ấy chính là bước đệm, đồng thời là cách bảo vệ vô hình cho đứa trẻ lớn lên, đến trường và trưởng thành ở nước ngoài".
Dẫn nguồn VOV.VN