Cây Bạch đàn của Mẹ

28/11/2023

Nhóm những nhà khoa học trẻ của trường Đại học Dược tập trung tại một khu nhà xưởng cơ khí cũ do thực dân Pháp để lại. Thật sự họ không thể nhận ra đây là vùng nào, và cách nơi họ đã xuất phát tại khu sơ tán trường Đại học Dược bao xa...

Họ đã hành quân miết mải trong đêm, đi bộ vắt qua nhiều làng mạc, cánh đồng. Cứ đêm xuống mới đi, và do quy định bảo mật, nên họ tuyệt đối không được phép biết mình đang ở đâu, vừa đi qua nơi nào. Trụ lại khu xưởng cơ khí cũ được ba tháng, họ đã khá quen thuộc với nơi này, vừa tập luyện kỹ năng chiến đấu tại chiến trường, vừa nghiên cứu khoa học, và bào chế những loại dược phẩm thông dụng nhất cho chiến trường. Ban ngày bận rộn như thế, nhưng đêm đến, có chút thời gian rảnh, là anh em dược sĩ trẻ viết thư. Bên ngọn đèn dầu hạt lạc lờ mờ như đom đóm, có đứa viết thư cho Mẹ, đứa viết cho người yêu, đứa viết cho bạn, hay em. Có đứa viết tới mấy lá thư cho người yêu rồi mà không biết làm thế nào để gửi thư đi. Còn Tựu, chàng Dược sĩ 25 tuổi quê ở Hà Nam thì chỉ viết thư về cho Mẹ. Cha anh đã mất sớm, khi anh mới lên sáu tuổi. Mẹ anh tần tảo nuôi cả năm anh em trai. Anh Cả lớn lên thì đi làm xa tận Thanh Hóa để kiếm chút tiền đỡ đần Mẹ, anh Hai đi bộ đội, em kế Tựu tên là Thành cũng đã đi bộ đội từ năm 1971. Ở ngôi nhà nghèo vách tranh mái rạ tại làng Duy Dương (xã Trung Lương, Bình Lục, Hà Nam) chỉ còn Mẹ thui thủi, vò võ cùng cậu em Út của Tựu. Tựu thương và nhớ Mẹ lắm, hồi anh ở nhà, bao việc nặng anh giành làm đỡ cho Mẹ, bây giờ anh đi vắng, Mẹ có đủ sức làm hay không, nên bao nhiêu lo lắng, bao nhiêu tình cảm xót thương đó anh trút vào lá thư gửi Mẹ. Anh chẳng biết sao mà chữ ở đâu tuôn ra nhiều thế, rồi nước mắt thương Mẹ cũng tuôn xuống làm mờ nhòe dòng chữ… Ở nhà, Út có biết lo xới xáo mấy sào ruộng, vần công đắp đổi cho Mẹ hay không? Tháng Tám, tháng Ba, mùa giáp hạt, thiếu gạo, Út có chịu xông xáo đi làm thuê làm mướn kiếm thêm mà đong gạo, đổi khoai, đổi sắn, đặng đổ đầy nồi cơm của Mẹ? Rồi tháng Bảy mùa bão, Út có biết dọi lại mái rạ, nẹp tre chống gió tốc mái hay chăng?... Phải chăng do bố mất sớm, nên Tựu dồn tất cả tình yêu thương vào Mẹ. Tựu ám ảnh tiếng khóc nghẹn của mẹ, khi vừa ôm Út đỏ hỏn, mới chưa đầy ba tháng trong lòng, vừa lay gọi bố anh, lúc ấy đã co quắp cứng đơ trên tấm phản ghép gỗ tuyềnh toàng. Thời điểm kinh hoàng đó, do còn nhỏ quá, Tựu không biết bố anh bị bệnh gì mà đột ngột qua đời. Nhưng nhìn ánh mắt thẫn thờ, dòng nước mắt tuôn mãi không dừng của Mẹ, trong lúc ôm em Út khóc ngằn ngặt bên xác người bố, thì Tựu không thể nguôi ngoai. Anh vật vã với câu hỏi “Tại sao bố mình chết?” Chính bởi câu hỏi ám ảnh đó, mà cậu bé Tựu sáu tuổi đã nuôi một ý chí, lớn lên phải làm nghề tìm thuốc cứu người. Hồi đó, mỗi khi có ai kể chuyện về cây thuốc chữa bệnh, là anh lắng nghe, hỏi lại rất kỹ, rồi ghi chép cẩn thận vào một cuốn sổ dày mà anh tự đóng tự khâu bằng những trang vở thừa ghép lại. Tuy không dám nói ra, nhưng trong thâm tâm, anh rất lo Mẹ bị bệnh, rất lo Mẹ sẽ đột ngột qua đời như bố. Tựu nghĩ, mình phải ra sức bảo vệ Mẹ, bằng cách làm thật nhiều việc trong nhà để Mẹ được nghỉ ngơi. Cậu bé sáu tuổi là Tựu khi ấy đã nấu cơm, trông em, giặt giũ tã lót cho em, quần áo cho Mẹ, quét tước nhà cửa, quyết không để Mẹ động chân động tay vào việc gì ở nhà khi đi làm đồng về. Nhà không có trâu, không mượn trâu được, cực chẳng đã, anh Cả và anh Hai thay nhau kéo cày thay trâu, Mẹ cầm cày phía sau, cả nhà vật lộn với đất. Quá vất vả khi vừa sinh con, gái đẻ mà đi làm non, ăn uống thiếu thốn, lại cộng thêm nỗi đau mất chồng, Mẹ bị hậu sản sau đó, và mất sữa. Tựu lo đến phát sốt, cậu ôm em bé đi khắp làng xin bú nhờ, rồi hỏi thuốc chữa bệnh cho Mẹ. Người ta mách cho cậu nhà ông lang Hanh ở cuối làng. Bác ơi, cứu mẹ cháu! – Tựu mếu máo quẹt nước mắt nói với ông lang Hanh. Hậu sản, kiệt lực, trúng phong, trúng hàn sâu vào xương tủy, khó lắm! – Ông lang Hanh lắc đầu – Vừa sinh nở chưa ráo huyết đã ngâm nước ruộng thế này thì còn gì là hơi sức!Mẹ nằm trên giường, héo rũ như tàu chuối non gặp lửa, mắt trũng sâu lờ đờ. Tựu lo quặn ruột, cậu sợ mẹ sắp chết như bố. Ông lang cắt cho năm thang thuốc. Anh Cả vay hàng xóm được một con gà mái, về làm thịt nấu một nồi cháo gà to. Mẹ ăn cháo, rồi uống bát thuốc sắc đen nhức như bồ hóng, đắng như mật cá mè. Ba đêm Tựu không ngủ, thức trông Mẹ, trông em. Út dường như hiểu được tình hình nguy hiểm, bớt quấy khóc hơn. Tựu cũng đã tìm được nhà chị Xinh ở cuối ngõ Lẻ, vừa sinh con đầu lòng, chị này nhiều sữa, tràn ướt áo, con nhỏ không bú kịp, nên Út được chị vui vẻ cho bú no nê, rồi được ở lại với chị Xinh cả ngày, đến tối Tựu mới đón em về.  Hết năm thang thuốc, Mẹ đã đi lại được nhúc nhắc trong nhà. Tựu mừng rơi nước mắt. Cậu chạy sang nhà ông lang Hanh thông báo:Bác ơi, Mẹ cháu sống rồi! Nhưng nhà cháu không có tiền trả Bác bây giờ đâu.Thôi được, bảo anh Cả cháu sang làm cho ta năm công vụ gặt tới nhé – Ông lang Hanh mỉm cười – Đợi đấy, ta bốc thêm ba thang thuốc phục hồi cho Mẹ cháu. Tựu nhìn ông lang Hanh thoăn thoắt chia các vị thuốc vào những mảnh lá chuối khô, mà lòng kính phục. Trong mắt Tựu, ông ấy như một vị tiên giáng thế, hiện lên đúng lúc cứu Mẹ thoát chết. Lớn lên, nhất định Tựu phải làm nghề như ông! *** Thời điểm ấy cuối cùng đã đến. Mười một giờ đêm 20/4/1972, đoàn cán bộ khoa học được lệnh thu dọn gấp hành trang lên đường ra chiến trận. Ba lô quân trang, cùng dược liệu, các vật dụng thí nghiệm và bào chế chất lên vai, nặng cỡ gần nửa tạ, trì níu bước chân các nhà khoa học trẻ. Cũng may qua thời gian tập luyện, sức mang vác của các anh được nâng lên đáng kể. Chỉ có mồ hôi tong tong rỏ xuống mũi giày, đi vội không kịp quệt. Cứ đi bộ chừng một giờ ba mươi phút thì được nghỉ mười phút. Đoàn các dược sĩ đi bộ ra đến ga tàu Thường Tín, lên tàu lúc bốn giờ sáng. Lúc này anh em đã định vị được mình đang ở đâu, bèn rỉ tai nhau rằng, không được ngủ gật trên tàu, để canh chừng khi tàu đi qua quê nhà người nào thì phải căng mắt nhìn xuống đường, thấy có bóng người gần đường tàu chạy qua thì ném thư xuống, hét to lên để người đi đường lượm thư và chuyển thư về quê giúp mình. Lúc bấy giờ, cũng chỉ có cách đó để gửi thư mà thôi. Khoảng năm giờ, trời tang tảng sáng, Tựu nhận ra tàu đang đi ngang qua quê mình ở Hà Nam, anh cầm sẵn lá thư gửi Mẹ trên tay, lá thư rất dày bởi những trang anh viết cho Mẹ hằng đêm, và chăm chú nhìn xuống đường tìm bóng người. Kia rồi, bóng một người đàn ông mặc bộ quần áo nâu sồng đang vác cuốc đi ngược hướng tàu chạy. Người đàn ông trông rất quen. Bác Xã ơi – Tựu thốt kêu lên khi nhận ra người bác trong họ Trần nhà anh - Bác mang thư này về cho Mẹ cháu!Tựu ném mạnh lá thư về phía người đàn ông. Anh chỉ kịp nhận ra bác Xã đứng khựng lại trước lá thư trắng như cánh hạc bay vèo trước mặt. Rồi đoàn tàu vụt qua. Tựu cố ngoái nhìn, hy vọng bác Xã sẽ tìm nhặt được lá thư anh gửi Mẹ và mang về tận nhà cho Mẹ anh. Tàu đã đi xa, bóng ngôi làng thân quen mờ dần mờ dần trong sương sớm, anh nhìn mãi những ruộng lúa xanh ẩn trong mưa phùn. Mắt Tựu nhòe đi lần nữa. Những dòng chữ anh viết gửi Mẹ lại vang lên trong tâm trí. Anh hình dung lúc Mẹ nhận thư con trai, chắc Mẹ sẽ khóc mất thôi. Chiến tranh tàn khốc. Biết bao giờ anh mới được nhìn thấy Mẹ, chạm vào bàn tay khô chai sần của mẹ, hít mùi mồ hôi lam lũ quen thuộc từ bờ vai áo bạc của mẹ mỗi chiều hè… Mẹ với anh bây giờ, chỉ còn là một giấc mơ. Khóc đấy à Tựu? Đàn ông gì mà ỉu thế! Mạnh mẽ lên! – Dược sĩ Thuận tì tay vào thành ghế tàu, nhìn Tựu chăm chăm. Trên tay anh ta vẫn còn lá thư trắng như cánh hạc. Sắp qua làng mày rồi đấy – Tựu nói, cố gạt đi cảm xúc mạnh đang dâng nước mắt lên mi anh – Chú ý ném thư xuống kẻo đi quá mất! Cô bạn gái mày chắc chờ đỏ mắt. Mày viết gì trong thư đó?Viết là em ơi lấy chồng mau, đừng đợi anh! Có khi anh không về… – Dược sĩ Thuận đáp tỉnh bơ, nhưng giọng bỗng trầm đục hẳn.Tựu thở dài. Anh se lòng nghĩ đến Mẹ, đến cậu em Thành đang chiến đấu ở Quảng Trị. Thành đi chiến trường hơn năm rồi mà chẳng có thư về,… Sống mũi anh lại cay xè.***Tháng 4 năm 1974, Tựu đã ở chiến trường được hai năm, di chuyển qua nhiều cứ điểm, dịch dần về phía Nam. Lúc này, anh đang ở Lộc Ninh, phụ trách khoa Dược của Phòng Dược chiến khu Lộc Ninh. Xung quanh anh là dãy bàn khu bào chế ký ninh, cao sao vàng, clo-xít. Kiểm tra xong, anh tạt qua nơi đặt nồi chưng nước cất. Bỗng một tiếng kêu to gọi tên anh:Tựu ơi, ra đây! Có thư ở quê này! Tựu sững người. Tin thư quê nhà đến bất ngờ khiến anh ríu cả chân lại. Mà sao người anh nổi gai như bị trúng gió lạnh thế này! Hai năm nay anh mong mòn mỏi mà chẳng nhận được một dòng thư nào từ Mẹ. Mẹ có viết thư cho anh không? Thư của Mẹ có thất lạc trên đường vào chiến trận không? Bao nhiêu câu hỏi trở đi trở lại trong tâm trí, trong giấc mơ anh mỗi đêm ở chiến trường. Bây giờ thì anh có thư nhà thật rồi. Bước chân anh luống cuống đi về tiếng gọi, tiếng thư của Mẹ. Bao thư nhàu nát hết mép và tung cả một góc. Không biết đã qua tay bao người, chuyển qua bao đơn vị mới tới đây. Thư không dán tem, chỉ ghi tên em trai Út của Tựu ở góc trên, và dòng họ tên anh: Trần Tựu, Dược sĩ Quân Giải phóng Miền Nam, ghi ở giữa bì thư. Chỉ vỏn vẹn có thế, mà thư đến tay anh được đã là điều thần kỳ. Tựu ngốn ngấu từng dòng chữ Út viết loanh quanh kể về Mẹ, về việc học ở quê của Út, nhưng rồi cuối cùng thì cũng đến những dòng chữ ngập ngừng đau đớn. Hình như Út cố tìm chữ để làm giảm đi cơn sốc đang thít chặt tim Tựu. Em kế anh, Thành, đã hy sinh ở Quảng Trị! Lá thư mà anh mong mỏi từ quê hương hơn bảy trăm ngày đêm qua, lại là lá thư báo tin khủng khiếp nhất với anh! Thành ơi! Tựu buông lá thư, lạnh người. Anh không thể khóc được. Mọi đường mạch trong người anh co cứng lại trong đớn đau. Anh cũng đang ở chiến trường đây mà, sao anh lại không thể gặp em! Người đồng đội đưa thư lặng lẽ đến, nhặt lá thư, đọc lướt, rồi ôm lấy anh. Chắc Mẹ không viết nổi lá thư thế này! Chiến tranh còn tiếp tục. Tựu vẫn đang ở chiến trường. Anh Hai của anh cũng đang ở chiến trường. Từ bữa đó, anh vừa mong, vừa không muốn nhận thêm một lá thư nào nữa. Anh chỉ còn quyết tâm, phải sống, sống trở về với Mẹ, thương yêu Mẹ cho cả phận của Thành, người em vĩnh viễn không về được với Mẹ. *** Tháng 4/1976, qua chiến tranh được một năm, Tựu mới trở về được đến nhà gặp lại Mẹ. Anh xót xa thấy Mẹ anh già đi nhiều, tóc bạc trắng và nhất là ánh mắt cũng bạc đi vì thương nhớ con. Tựu gặng hỏi thì Út cho anh biết, tối đến, mẹ rất hay khóc nên mắt yếu đi nhiều. Mẹ cứ ra góc hiên ngóng nhìn cây bạch đàn vỏ thân trắng xóa đứng bên ao nhà mà Thành trồng từ hồi nhỏ, gọi rằng “Thành ơi, cây bạch đàn con trồng tốt tươi thế kia, chiến tranh hết rồi mà sao con không về?” Có lẽ, sâu thẳm trong trái tim người Mẹ, vẫn không thể tin rằng con trai mình đã hy sinh. Lòng mẹ vẫn khắc khoải. Con trai mẹ trong tim Mẹ, đẹp đẽ mạnh mẽ, con không thể mất đi vì bất cứ lý do gì! Mọi người trong nhà Tựu lén bàn bạc với nhau, đưa Mẹ lên chơi nhà anh Cả ở Thái Nguyên một thời gian để mẹ khuây khỏa. Thuyết phục mãi Mẹ mới chịu đi Thái Nguyên, trước khi xách cái túi vải cũ đựng mấy bộ quần áo ra khỏi cổng, mẹ còn đến trước cây bạch đàn vỏ thân trắng xóa, trắng như mái tóc Mẹ, ngắm cây hồi lâu rồi thì thầm gọi tên Thành và khóc. Sau khi Mẹ rời đi, cậu Út được sự nhất trí của các anh, cho người ta đến chặt cây bạch đàn. Mấy anh em không muốn cây bạch đàn mà Thành đã trồng, tiếp tục gợi lại ký ức về Thành khiến mẹ đau lòng… Ở Thái Nguyên được mươi ngày, Mẹ nằng nặc đòi về lại nhà ở quê vì nóng ruột. Về đến sân nhà, mẹ sững lại khi góc ao trống trơn không còn bóng cây bạch đàn vỏ thân trắng xóa. Mẹ gục xuống sân khóc lặng…

Tựu ôm chặt Mẹ, anh thấy đau lòng và ân hận quá, anh chợt hiểu ra, Mẹ sẽ chẳng bao giờ đầu hàng.

Truyện ngắn của: Kiều Bích Hậu (đăng trên báo Phụ Nữ TP.HCM 02/05/2023)