Vượt lũ

29/11/2023

- Mẹ cho con đi học nhé, lũ rút rồi! – Tựu nằn nì theo sau lưng mẹ vào căn buồng nơi chái nhà – Khai giảng được ba ngày rồi mà con không đi học, nhỡ thầy Duệ chủ nhiệm tưởng con bỏ học, gạch tên con trong sổ đầu bài thì sao?...

Hình minh họa (nguồn Báo Thanh Niên)

- Mẹ cho con đi học nhé, lũ rút rồi! – Tựu nằn nì theo sau lưng mẹ vào căn buồng nơi chái nhà – Khai giảng được ba ngày rồi mà con không đi học, nhỡ thầy Duệ chủ nhiệm tưởng con bỏ học, gạch tên con trong sổ đầu bài thì sao?

Chị Ổn quay lại sẵng giọng:

- Gạch tên thì bỏ học luôn, ở nhà đi cày no cơm ấm cật! – Chị đưa mắt lo lắng nhìn ra khoảng sân ngập trắng nước – Tối qua Đài vẫn báo đang đỉnh lũ, mà mày nói nước rút là sao? Mày đi học để ma lũ nó nhấn xuống lòng sông Nhuệ à? Rồi mẹ biết trông cậy vào ai!?Nói đến đó, không hiểu sao họng chị nghẹn lại, chị bất thần ôm chầm lấy thằng con trai thứ ba, đứa con mà chị kỳ vọng nhất. Bố mẹ chị đặt tên chị là Ổn, những mong cuộc đời đứa con gái yêu của họ sẽ được an ổn. Nhưng rồi, sự đời oái oăm cứ luôn dồn đẩy chị đến bờ vực hết lần này tới lần khác. Mà cơ cực nhất là khi vừa sinh đứa con trai thứ năm được ba tháng, thì chồng chị lâm bệnh trọng đột ngột qua đời, dồn gánh nặng một nách năm con trai lên vai Ổn.Tháng Tám, tháng Ba giáp hạt, đói kém, chị bán sạch mọi thứ có thể bán trong ngôi nhà tranh để lo rau cháo cho “năm cái tàu há mồm”. Có những lúc ngồi lặng người vỗ về đứa con út nhai nhắc bầu vú cạn sữa, khóc nhấm nhẳng, chị thở dài nhìn những cây luồng còn chắc dựng cột nhà, tự hỏi liệu có phải dỡ nốt mấy cây luồng đó đi bán được không, nếu dỡ chúng ra mà nhà không sụp đổ! Nhà chị bây giờ có mấy cái nhất trong làng: góa phụ trẻ nhất, nhiều con trai nhất, đói rách nhất! Mà làng Duy Dương cũng là làng nghèo nhất trong xã, xã Trung Lương là xã nghèo nhất tỉnh Hà Nam… Rồi cực chẳng đã, vào năm 1960, khi con trai thứ ba là Tựu được mười hai tuổi, chị đành chấp nhận cho thằng Cả và thằng Hai đi làm xa, gần như là ở đợ hai gia đình quen biết tại Thái Nguyên và Thanh Hóa, để nhà đỡ hai miệng ăn, và thỉnh thoảng chúng cũng gửi được vài đồng bạc về cho chị trang trải nợ nần.Chỉ có Tựu là học hành sáng láng nhất trong mấy anh em, vả lại nó cũng thích đi học, nên chị kỳ vọng nó có thể theo con đường học hành mà phát triển, thoát khỏi kiếp đồng áng vất vả đói nghèo kinh niên này. Ổn từng tự hứa trước vong linh người chồng đã khuất, rằng chị sẽ cố gắng nhịn ăn nhịn mặc dồn vốn cho ít nhất một đứa con trai được học hành phương trưởng, để bố nó có thể ngậm cười nơi chín suối… Đứa con trai mà chị kỳ vọng sẽ gánh vác được trọng trách danh vọng ấy cho gia đình chính là Tựu. Lắm bận đói vàng mắt, chị vẫn cố chèo chống lo lót, bòn mót vài hào để mua bút vở cho thằng con trai được đến trường.Thế mà chị lỡ buột miệng nói điều không phải ấy với con… Âu cũng là chị quá lo đến cơn lũ lịch sử này, sẽ cuốn trôi mất niềm hy vọng lớn của cả gia đình. Chị lại tự nhủ sẽ bảo vệ ước mơ học hành thành tài của con bằng mọi giá, chị linh cảm, sau này Tựu sẽ thành chỗ dựa tinh thần cho cả nhà. Nếu như anh Cả, anh Hai nó ngại học, mẹ phải giục giã mới học chiếu lệ, thì Tựu luôn tự ý thức việc học, luôn đứng đầu lớp và được nhà trường khen thưởng. Lúc ở nhà, sau khi dọn dẹp giúp mẹ việc nhà, Tựu lại nhanh chóng ngồi vào bàn học, không theo bạn bè trong xóm đánh khăng đánh đáo như những đứa trẻ khác cùng lứa.Lũ thế này, nhà trường cũng cho nghỉ thôi, con ạ! - Ổn xoa đầu con trai, rồi buông nó ra.Không nghỉ đâu, sáng nay con thấy thằng Quyền đầu ngõ được mẹ nó chèo thuyền chở đi học mà – Tựu vẫn cố vớt vát – thầy giáo con bảo, bom rơi trên đầu vẫn học, cần học để sau này giành được chiến thắng, còn có kiến thức xây dựng quê hương bằng bạn bằng bè…Thì nhà nó có thuyền, nước dâng ngập đầu nó đi đâu chả được. Còn mày lội nước mà đi, lỡ tuột xuống mương chết nổi con ạ - Ổn than vãn.Con lần theo bờ đỗi ra tận đường cái, nhắm mắt cũng nhớ đường, làm sao tuột được xuống mương mà mẹ lo – Tựu vẫn chưa chịu.Mẹ đã bảo không đi là không. Nghỉ vài ngày cho hết lũ đã – Chị Ổn trừng mắt nẹt con.*Tựu mở choàng mắt, vội quay đầu nhìn ra phía cửa liếp, trời vẫn tối đen. Nó đoán chưa tới 5 giờ sáng. Nó bật dậy, nhẹ nhàng ra khỏi giường không một tiếng động. Trong bóng tối, Tựu lần sờ tới cái bàn gỗ duy nhất trong nhà, thu cuốn vở, bút rồi cởi quần áo, gói tất tật vào một mảnh ni – lông cắt ra từ cái áo tơi rách của bố để lại, đội lên đầu và còn mặc mỗi cái quần đùi, rón rén mở cửa thật khẽ, khỏi đánh động mẹ, luồn ra khỏi nhà. Tựu lội qua khoảng sân ngập nước, lần tìm cái gậy tre mà nó gài dưới mái rạ cho nước khỏi cuốn trôi từ tối qua, cầm gậy dò đường. Mưa vẫn rơi nhưng đã thưa hạt, gió từng đợt xô sóng tấp lên mặt, nước khá lạnh làm Tựu rùng mình. Bụng đói cuộn lên, lúc này nó chợt nhớ ra đã quên tợp một ngụm nước mắm chống lạnh theo kinh nghiệm của một anh lính đặc công người làng. Nhưng mà thôi, cứ đi, chắc nó sẽ vượt qua cả cơn lũ lẫn cơn đói để tới trường.Tựu phải trốn đi học sớm khi mẹ chưa dậy, vả lại, việc vượt lũ sẽ khiến nó mất nhiều thời gian gấp đôi để đến trường. Nhà Tựu nghèo nên không có thuyền để vượt qua cánh đồng ngập trắng nước, tới đường cái rồi đi bộ tới trường Trung học cơ sở xã Trung Lương. Xã Trung Lương này vốn là cái rốn lũ của cả huyện. Tựu dùng gậy tre dò phía dưới rồi bước theo bờ đỗi, sao cho không bị tuột trôi xuống lòng mương. Phải quyết chí đi học, bất kể cơn lũ. Tựu hô quyết tâm trong đầu như thế, để quên đi cái đói, cái lạnh. Nhưng cơn đói ma quái cứ cào cấu ruột dạ nó. Nó lại quanh quẩn nhớ tới mẩu khoai lang luộc bé tí mà nó được chia từ tối qua. Bữa tối của nó xoẳn có vậy thôi, chiêu thêm ngụm nước vối lại càng sôi bụng tợn. Trời dần sáng mờ, sóng theo gió vẫn tấp vào mặt Tựu đủ thứ rác rến, cụm lục bình, trái bưởi ủng... Tựu ước giá như sóng tấp vào mặt nó vài quả roi rụng, để nó ăn dằn bụng, cho hạ hỏa cơn đói cào đói cấu. Có cơn sóng dữ đánh bay cả gói ni – lông bọc bút vở quần áo trên đầu, khiến Tựu phải nhoài người khều gậy mãi mới vớt lại được. Nó đội lại cái bọc ni-lông lên đầu, mắt lia một vòng chậm rãi cả khoảng nước trắng mênh mông dập dềnh trêu ngươi xung quanh. Nó ước giá như có con thuyền nào trôi gần đến, để nó xin đi nhờ, nhưng nhìn hoài chỉ thấy biển nước trắng xóa. Đôi ba lần Tựu oải, định quay đầu về, nhưng nó nhớ lại lời mẹ kể, rằng bố nó từng nói, nếu gặp khó khăn mà quay đầu, thì mãi mãi không thể thành công được. Bố chọn đặt tên cho Tựu, cho Thành em kế nó, hẳn có ý đó. Tựu lại giục mình bước tiếp, chân nó bỗng đạp phải một vật gì đó cứng, ráp, tròn. Nó lấy gậy chọc chọc vật đó dưới nước, chân tiếp tục lần theo chiều dài của vật thân tròn đó. Một cây gỗ khá to! Tựu thốt kêu thành tiếng “A, aaaa!”. Nó lần bước chân dọc theo thân gỗ này, chắc súc gỗ đã bị lũ cuốn trôi đến đây. Súc gỗ khá dài. Nó sẽ cắm cây gậy này ở đây đánh dấu khúc gỗ, đến khi hết lũ, nước cạn, sẽ cùng mẹ và hai em mượn cái xe ba gác đến chở khúc gỗ đi bán, hẳn phải được kha khá tiền!Bỗng “Ủm!”. Tựu tối tăm mặt mũi, trượt cùng súc gỗ xuống lòng mương. Tựu không biết rằng nó vô tình lần bước dần ra phía đầu súc gỗ khiến súc gỗ lật nhào cả hai xuống mương. Lúc này súc gỗ cả tấn đè lên nó. Tựu chới với vẫy vùng hoảng loạn. Càng lúc súc gỗ ngàn cân càng như nhấn nó xuống bùn. Nó sắp sặc bùn mà chết. Mẹ đã cảnh báo mà nó không chịu nghe. Nó xoay người cố trườn khỏi súc gỗ đang đè lên thân thể gày guộc, nó không thể chết sặc dưới bùn đen thế này. Nhưng dưới bùn vây bọc, nó không hiểu đâu là trên, dưới, cần nhoài về phía nào… Nó sắp không nhịn thở thêm một giây nào nữa!*Đang lúc vẫy vùng trong tuyệt vọng, thì Tựu được một bàn tay tóm lấy, nhấc bổng lên. Rồi không biết bằng cách nào đó, nó thấy mình ngồi gọn trong lòng chiếc thuyền thúng sơn đen kít. Mắt nó hoa lên, người run cầm cập, vừa vì lạnh, vừa vì sợ chết khiếp. Nó vừa thoát cửa tử trong gang tấc!Mày làm gì lúm thúm dưới bùn lúc sáng sớm chưa tỏ mặt người thế con? – một giọng khan khan cất lên ngay bên Tựu – Định xuống hầu cụ Diêm Vương hả?Tựu xoay người nhìn lại, thấy gương mặt xương xương và mái tóc thưa đỏ cháy nắng quen thuộc của bác Quản, hàng xóm nhà nó, người được gọi là Rái cá của làng. Bác sống bằng nghề mò cua bắt ốc quanh năm. Thỉnh thoảng, bác còn được người ta thuê vớt tre ngâm dưới ao lên dựng nhà… Nghĩ đến đó, Tựu hơi chột dạ, dù biết ơn bác vừa cứu mình. Cháu đi học, giữa đường thấy súc gỗ dạt vào đây nên lặn xuống đánh dấu để hôm nào nước cạn trục lên cho mẹ cháu đem bán… - Tựu run rẩy lắp bắp. Nó cố nói chậm để tròn tiếng mà không nổi.Suýt chết sặc dưới bùn mà còn leo lẻo – bác Quản ngó xuống nước như thầm ước vị trí súc gỗ chìm – Thôi thế này, súc gỗ đó tao một nửa, mày một nửa, coi như công tao vớt mày khỏi tay Diêm Vương, nghe chửa?Vâng… - Tựu thở dài, thế là mất toi nửa súc gỗ - Thôi bác đưa cháu nhanh lên đường cái để cháu còn đến trường.Ơ, cái thằng oắt này, mày cứ thế này mà đến trường được ư?Lúc này Tựu mới nhìn lại mình, trên người nó chỉ có cái quần đùi. Nó bất giác nhìn quanh hốt hoảng, bọc ni-lông gói quần áo bút vở của nó đâu rồi!?Bác Quản chèo thuyền loanh quanh một hồi vẫn không tìm thấy cái bọc ni-lông, bèn cởi cái áo bác đang mặc trên người, ném lên vai Tựu.Mày mặc cái áo này vào rồi đến trường cho kịp. Tao sẽ quay lại tìm cái bọc nợ của mày sau. Chắc sóng đánh cái bọc đó trôi xuống tận chỗ ông Hà Bá rồi con ơi, ông ấy giữ cái bọc thay cho cái mạng mày. Ở đời đừng bao giờ đòi được tất cả con ạ.Bác Quản tống Tựu lên đường cái rồi chèo thuyền trở lại. Tựu chạy bán sống bán chết đến trường. Nó vật lộn với ý nghĩ xấu hổ mặc quần đùi đến lớp, và trong tay chẳng có bút vở gì!Nhưng nó phải đến trường để học, bất chấp việc chẳng có gì trong tay!*Em đi học muộn, lại không mang vở bút, chưa nói đến việc mặc quần đùi tới lớp. Em khiến tôi thật ngạc nhiên. Một học trò luôn học giỏi, ngoan ngoãn như em Tựu mà lại có ngày thành ra thế này ư? Tuy là lần đầu, nhưng tôi vẫn phải kỷ luật em. Trồng một cây bạch đàn bên lối đi vào trường ngay khi nước lũ rút, nghe chưa?Vâng, thưa thầy – Tựu cúi đầu nhẫn nại, mặc dù trong lòng nó muốn giải thích tai nạn nó gặp trên đường, nhưng thầy Duệ đã nói một thôi một hồi như thế, nó còn biết làm sao.Tựu ngồi xuống bàn, vẫn chưa hết run. May mà thầy còn cho nó vào lớp học. Thằng Niên ngồi cạnh lén giật trang vở ở giữa, dúi cho Tựu, cái Hảo bàn trên quay xuống chìa cho nó cây bút chì. Thế là nó có thể ghi chép được rồi. Tiếng thầy giảng bập bùng bên tai, Tựu còn mải nghĩ đến việc đi xin cây giống bạch đàn ở đâu, chắc lại phải nhờ Mẹ lên vườn cây các cụ nói khó vậy. Thầy Duệ có sáng kiến là hễ học trò nào vi phạm kỷ luật, thì thay vì trừ hạnh kiểm, thầy bắt học trò đó trồng một cây bạch đàn dọc hai bên lối đi vào trường. Hàng cây bạch đàn hết năm này sang năm khác cứ nối dài thêm vì lũ học trò tinh quái nghịch ngợm. Tựu không ngờ có ngày mình cũng góp một cây vào đó. Nhưng nó bất giác cười nhẹ khi nghĩ đến việc sẽ cùng bác Quản bán súc gỗ kia, mang tiền về đưa mẹ, mẹ sẽ ngạc nhiên biết bao, sẽ chẳng nỡ mắng việc nó vi phạm kỷ luật mà phải đi xin cây về trồng, ghi dấu vi phạm kỷ luật lên lối đi vào trường…Thầy Duệ miệng giảng bài, nhưng mắt thỉnh thoảng liếc về phía cậu học trò thuộc loại ưu tú nhất lớp mà thầy đang chủ nhiệm. Gương mặt gày gò, nhợt nhạt vì nhiễm lạnh, nhưng đôi mắt thông minh của thằng bé vẫn sáng lên như ánh sao không gì che phủ nổi, nhất là vầng trán cao ấy thật kiêu hãnh xiết bao, hẳn rồi sau này nó sẽ làm rạng danh gia đình, lối xóm cho coi. Bao năm dạy học, thầy biết nhìn trò và dường như có linh cảm đặc biệt với một số trò cũng đặc biệt. Nghĩ đến đó, thầy chợt dừng giảng bài, đi nhanh xuống chỗ trò Tựu.Sau giờ học hôm nay, em ở lại, lên phòng giám hiệu gặp tôi.Tựu lo lắng. Chẳng biết thầy còn phạt thêm gì nữa. Hay là làm bản kiểm điểm, nó mòng mòng nghĩ cách giải thích với thầy chủ nhiệm.Tựu lóm thóm trong chiếc áo bay dài rộng của bác Quản, nhìn như nó chỉ mặc mỗi chiếc áo mà không mặc cả quần đùi, nó ngập ngừng mãi trước cửa phòng giám hiệu, rồi cuối cùng đành gõ cửa ba tiếng rụt rè.Vào đi! – Tiếng thầy Duệ vang lên.Tựu vừa ngồi xuống chiếc ghế trước mặt thầy Duệ, thì thầy đã đẩy đến phía nó một gói nhỏ bọc giấy báo cũ.Lúc rồi, thầy có tìm hiểu, thì biết hoàn cảnh gia đình em. Thầy có mảnh vải xanh chéo mua theo chế độ tem phiếu, nhưng thầy chưa cần dùng, tặng em để may quần. Có cả một cuốn vở, và gói xôi nữa, em cứ cầm cả, rồi đi về, không cần nói gì hết. Chỉ cần em nhớ trồng thêm một cây bạch đàn vào hàng cây kỷ luật! Tựu há hốc miệng, rồi nó lúng búng nói gì không rõ trong lúc thầy Duệ đẩy nó ra khỏi cửa. Nó ôm chặt cái gói trước ngực, chân luống cuống không biết đi lối nào về. Rồi nó cũng ra đến phía cổng trường, nước vẫn ngập trắng mênh mông. Nó nhìn xung quanh không có ai, mới hồi hộp mở cái gói ra, lòng nó rộn ràng khi nhìn thấy mảnh vải xanh. Nó vội vã mở gói lá chuối bọc bên trên, véo miếng xôi bỏ vào miệng. Ngốn ngấu vài miếng, nó chợt nhớ tới hai em, cu Thành, cu Út ở nhà, liền dằn lòng gói xôi lại. Nó sẽ mang về nhà chia cho các em. Nó không còn nhớ lần được ăn xôi trước kia là khi nào nữa, quá lâu rồi. Tựu đưa mắt nhìn hai hàng cây kỷ luật hai bên lối đi vào trường, có mấy cây non mới trồng ngập bũm trong nước lụt, chỉ cố ngoi ngọn lên mặt nước, bị sóng xô tả tơi. Trong lòng Tựu rộn ràng vui sướng, sao bị kỷ luật mà vui hơn cả được khen thưởng thế này, nhất định nó sẽ trồng ở đây không chỉ một cây, mà hai, ba, bốn, năm cây…

Truyện ngắn của: Kiều Bích Hậu (đăng trên Báo Thanh niên, ngày 08/10/2023)